Natural History Magazine đăng tải, vào năm 1934, một ngư dân ở vùng biển Palawan của Philippines khi bỏ neo thuyền đã bị mắc vào một tảng đá. Vì vậy, ông đã lặn xuống để gỡ neo. Xuống tới nơi, người ngư dân thấy hòn đá có hình dáng rất lạ nên đã cố mang nó lên thuyền. Về tới nhà, ông mới phát hiện thực chất tảng đá là một con sò khổng lồ và bất ngờ hơn là bên trong nó còn có một "báu vật" là khối ngọc với kích thước rất lớn.
Sau đó, ông ta đem khối ngọc tới cơ quan quản lý du lịch của Puerto Princesca để nhờ kiểm định. Viên ngọc này có trọng lượng gần 6,4kg. Hình dáng của nó khá giống với khuôn mặt của nhà tiên tri Muhammad nên nó được đặt tên là Ngọc của Allah.
Một đại gia người Philippines khi biết thông tin về ngọc của Allah liền tìm tới tận nhà người ngư dân để hỏi mua nhưng đã bị từ chối. Người ngư dân cho biết viên ngọc mang hình ảnh của nhà tiên tri nên nó không phải thứ có thể bán.
Thế nhưng, sau đó, con trai người ngư dân bất ngờ bị bệnh rất nặng. Vì gia đình cần một số tiền lớn để chữa trị cho con nên ông đành bán ngọc của Allah cho vị đại gia nọ.
Vị đại gia này đã mang viên ngọc tới New York, Mỹ và trưng bày nó tại Công ty Ripley's Believe It or Not.
Vào một ngày, một người đàn ông họ Lý người Trung Quốc đã tha thiết thể hiện rằng mình muốn mua lại khối ngọc trai đó. Ông Lý còn yêu cầu đặt cọc trước 500.000 USD (hơn 12,5 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) và sau đó sẽ thanh toán nốt 3 triệu USD còn lại. Ông ta cho biết đây chính là viên ngọc đã biến mất của Lão Tử.
Truyền thuyết kể lại rằng Lão Tử (thế kỷ VI trước Công nguyên), triết gia Trung Hoa, người sáng lập Đạo giáo, đã chạm khắc một bùa hộ mệnh với ba khuôn mặt (Đức Phật, Khổng Tử và chính ông), sau đó nhét vào một con trai để nó biến bùa hộ mệnh này thành ngọc. Khi viên ngọc lớn hơn, ông lại chuyển sang con trai khác cho đến khi chuyển vào loài trai lớn nhất là sò tai tượng.
Tuy nhiên, vị đại gia kia vẫn quyết không bán viên ngọc. Kể từ đó, con số 3,5 triệu USD trở thành mức giá thấp nhất của ngọc Allah. Hiện nay, giá của khối ngọc này đang được định giá là 75 triệu USD (gần 1.900 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).
Về phần viên ngọc của Allah, nó vẫn luôn được đại gia kia giữ bên mình.
Tới năm 1939, ông ta đem viên ngọc cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York lưu giữ. Nhân viên của bảo tàng đã viết giấy xác nhận viên ngọc của Allah là ngọc trai sò tai tượng. Và lúc bấy giờ nó đã được công nhận là viên ngọc lớn nhất thế giới.
Tới năm 1941, vị đại gia đã lấy lại viên ngọc của Allah và mang nó đi vòng quanh thế giới. Viên ngọc này đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người giàu có trên thế giới. Họ sẵn sàng trả với mức giá lên tới hàng chục triệu USD để sở hữu nó nhưng đều bị từ chối.
Khi người này qua đời vào năm 1979, con gái của ông ta đã bán lại viên ngọc cho ông chủ của Công ty World's Largest Pearl. Sau nhiều lần được đồn đại rằng có nhiều người như công chúa Iran, Osama Bin Laden đều muốn mua viên ngọc nhưng cuối cùng nó vẫn không được bán cho ai.
Theo Michael Krzemnicki, Giám đốc Viện Gemmological Thụy Sĩ, không có bất cứ hồ sơ nào ghi chép về việc kiểm tra carbon phóng xạ của viên ngọc này nên không ai biết rằng nó có phải ngọc Lão Tử như trước đó người đàn ông họ Lý khẳng định.
Thậm chí, nhiều người còn đặt câu hỏi liệu người ngư dân ở Palawan thời điểm tìm ra viên ngọc có biết tới nhà tiên tri Muhammad để tôn thờ như vậy hay không? Vì vậy, sự hoài nghi về giá trị thực của viên ngọc đã gây ra tranh cãi lớn khi có ý kiến cho rằng ngọc của Allah chỉ là ngọc trai của sò tai tượng bình thường và giá không thể tới 75 triệu USD. Tuy nhiên, tới nay, nhiều bảo tàng, trang web vẫn ghi nhận mức giá này của viên ngọc.
Theo trang Pearl of Allah, hiện nay, không ai rõ viên ngọc đang ở đâu và do ai sở hữu. Bản sao của nó đang được trưng bày tại nhiều bảo tàng lớn trên thế giới.