Trong văn hóa và tâm linh, con chó là động vật thân thiết gắn bó từ rất lâu đời với người chủ nói riêng và con người nói chung, những đức tính của chó được tôn vinh như trung thành, thông minh, quan tâm đến chủ…
Nó là bạn gần gũi của con người, chó canh gác nhà cửa cho con người, vì thế có nơi chó được thờ cúng tại các đền thờ, miếu mạo.
Tương truyền, chó bình thường chỉ coi được phần dương, muốn canh giữ phần âm thì phải “nuôi” chó đá. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức.
Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ.
|
Tương truyền, chó bình thường chỉ coi được phần dương, muốn canh giữ phần âm thì phải “nuôi” chó đá. Ảnh IT. |
Hiện nay, ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa, thậm chí thờ và kính cẩn gọi là cụ Thạch, Thần cẩu, quan lớn Hoàng Thạch.
Từ những giá trị tâm linh trên và nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018, nhiều người thắc mắc đặt câu hỏi, liệu năm nay có nên cúng thịt chó để lấy may? Ngoài ra, câu hỏi ăn thịt chó có thực sự giải đen cũng được nhiều người quan tâm.
Để tìm câu trả lời, PV đã liên hệ với Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ông Vĩ cho biết, nói chung thì người Việt theo các tôn giáo nên đều không dùng thịt chó để cúng Tết. Nếu có ăn trong dịp đó thì họ cũng không đặt lên bàn thờ (trừ ít nơi có tục khác lạ).
"Trong tín ngưỡng chung, chó là vật nuôi không sạch sẽ do ăn chất thải của người nên không được dâng lên thần thánh. Các cụ xưa không nói năm nào thì cúng hoặc kiêng loại thịt gì đâu. Năm hổ, năm rắn, năm khỉ, năm rồng thì lấy đâu ra những thứ tương ứng mà cúng. Còn ai tin thì cũng tôn trọng họ vì đó là tín ngưỡng, không vi phạm pháp luật cũng như không ảnh hưởng đến ai cả”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nói.
Còn về vấn đề ăn thịt chó có thực sự giải đen, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: “Ngày xưa tôi được biết người ta nói ăn thịt chó là đen, gần đây lại nói là giải đen theo kiểu độc trị độc. Cái đó không thành phong tục truyền thống. Ở quê tôi ngày xưa, cả năm được mỗi lần mấy nhà mới rủ nhau đụng một con chó vào dịp mùa rét.
Nay thì hàng quán mở quanh năm, lúc nào cũng sẵn. Chuyện may rủi cũng có quan hệ đến ẩm thực. Rủi nhất là rượu say vào rồi tham gia giao thông, nhiều khi tỉnh lại không hiểu sao mình vẫn còn sống mà về nhà được”.
Ngoài ra, ông Vĩ cũng cho rằng, phong tục thì không phải là luật pháp nên không bắt buộc phải thượng tôn nhất nhất. Nên tùy tâm mà biện lễ, đừng đua đòi theo nhau mà tự mình đánh mất tự do của mình.