Chu Du (175 -210) tên tự là Công Cẩn, ông là danh tướng và khai quốc công thần của Đông Ngô thời Tam quốc. Chu Du sinh ra trong một đại gia tộc có nhiều người làm quan ở huyện Thư, Lư Giang, An Huy ngày nay. Ông nội của ông là Chu Cảnh và chú là Chu Trung đều làm quan Thái úy (một trong 9 chức quan thời xưa). Cha của ông là Chu Dị từng làm quan huyện lệnh Lạc Dương. Có thể nói, gia tộc Chu Du là một trong những gia tộc hiển hách trong lịch sử Trung Hoa.
Chu Du là danh tướng và khai quốc công thần của Đông Ngô thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Từ lúc mới 20 tuổi Chu Du đã cùng Tôn Sách đi chinh chiến khắp Giang Đông, giúp Sách đặt nền móng cho Đông Ngô sau này. Sau khi Tôn Sách chết, ông tiếp tục thống lĩnh quân đội của Tôn Quyền, các trận đánh lớn, nhỏ do ông chỉ huy hầu hết đều đạt được thắng lợi. Việc Chu Du khuyên Tôn Quyền không đưa con về triều làm con tin cũng cho thấy khả năng phân tích tình hình và nhận định chiến lược của ông. Chu Du cũng là người góp công lớn trong chiến thắng của liên quân thắng trận Tôn – Lưu trước Tào Tháo.
Trận Xích Bích đưa tên tuổi Chu Du nổi danh khắp nơi và được liệt vào hàng những tướng giỏi của lịch sử Trung Quốc.
Trong một bữa tiệc, Tôn Quyền và Lưu Bị nói chuyện về thứ bậc các quan tướng, Bị khen Chu Du:
“Công Cẩn văn võ thao lược, là anh tài trong đám vạn người”.
Nhưng sau đó lại chêm thêm rằng:
“Xem người có chí khí lớn như thế, sợ rằng chẳng chịu làm kẻ bầy tôi tầm thường lâu”.
Về phần Tào Tháo, sau thất bại trong trận Xích Bích và bị liên quân của Tôn Quyền và Lưu Bị truy đuổi, Tào Tháo cho Tào Nhân giữ Nam Quận, còn mình rút về phương bắc, khi chạy về đến Trung Nguyên, ông tuyên bố rằng mình chẳng có gì phải xấu hổ, rồi gửi thư cho Tôn Quyền. Theo Tam Quốc Chí - Chu Du truyện dẫn Giang Biểu truyện chép rằng: “Tào công (Tào Tháo) viết thư gửi Tôn Quyền nói, trận Xích Bích, trong quân có dịch bệnh. Ta đốt thuyền tự lui, nào ngờ Chu Du lại hưởng hư danh”.
Thế nhưng dù người khác có bình luận ra sao thì Tôn Quyền vẫn một lòng tín nhiệm Chu Du.
Tôn Quyền luôn tin tưởng Chu Du.
Trong Ngô Lục của Trương Bột chép: “Lưu Bị mượn 2.000 quân của Chu Du, Du liền đưa thêm hai nghìn người cho Bị”.
Chu Du là người có chí lớn, phong độ hơn người, nói năng đĩnh đạc. Ông đối đãi với mọi người rất khiêm tốn, lễ phép và thường lấy đức để thu phục mọi người. Thời Tôn Sách, Tôn Quyền còn trẻ và chỉ làm tướng quân, mọi người thường thiếu lễ độ, nhưng Chu Du vẫn rất giữ phép tắc.
Trình Phổ lớn tuổi hơn Chu Du nhưng chức vụ ở dưới, thường tỏ ý không phục, nhiều lần lấn át, khinh thị ông. Chu Du vẫn nhún nhường, nhất định không so bì tranh chấp với Trình Phổ. Sau này dần khiến Trình Phổ phải tự kính trọng, khâm phục ông.
Nhà văn La Quán Trung khi viết tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa cũng mô tả Chu Du là người lễ độ nho nhã, rất được binh sĩ yêu mến, nhưng nhân vật Chu Du lại hẹp hòi đố kỵ với Gia Cát Lượng, điều này thì trong sử sách hoàn toàn không có ghi lại.
Chu Du là người có tài năng cả văn và võ.
Theo ghi chép trong Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ, Chu Du từ lúc trẻ đã nổi tiếng là người có tướng mạo tuấn tú, thân hình cao lớn, tráng kiện. Không những thế, Chu Du còn có tài năng cả văn và võ. Chu Du từ lúc còn ít tuổi đã tinh thông âm luật, chơi đàn giỏi. Cho dù uống rượu đã ngà ngà say, nhưng chỉ cần người chơi đàn mắc một lỗi nhỏ ông vẫn phát hiện ra. Đồng thời ngay lập tức ông sẽ ngó về phía ấy và chỉ ra lỗi sai.
Bởi vì Chu Du có tướng mạo khôi ngô tuấn tú nên các cô gái khi chơi đàn để giành được nhiều cái “liếc mắt” của ông nên thường cố ý mắc lỗi. Vì vậy mà dân gian lưu truyền một câu rất nổi tiếng “Khúc hữu ngộ, chu lang cố”, (ý nói khi nốt nhạc bị đánh sai, Chu Lang liền ngó về phía đó).