Giai đoạn sau năm 1953, ở Liên Xô, việc bài xích và lên án, coi Beria - trùm KGB - là một “con quái vật” được coi là tiêu chí trung thành với thể chế đương thời. Tuy nhiên, Beria có thực sự là “con quái vật” như được bộ máy tuyên giáo thời bấy giờ tuyên truyền không? Chưa kể việc bắt ông “trùm KGB”, về mặt pháp lý, có rất nhiều vấn đề.
Sự gần gũi về chính trị
Có một sự thật khá thú vị là ông “trùm KGB” Beria và Nguyên soái “bách chiến bách thắng” Georgy Konstantinovich Zhukov khá tương đồng trong quan điểm về vai trò của Đảng CS Liên Xô trong các cơ quan quyền lực nhà nước và quân đội. Cả hai đều cho rằng Đảng chỉ đạo bằng đường lối và chủ trương chứ không thể “thọc tay” trực tiếp vào các công việc của chính quyền và quân đội theo kiểu “toàn diện và tuyệt đối” được.
Nguyên soái Zhukov luôn gay gắt và phản đối việc xây dựng hệ thống chính ủy mạnh trong lực lượng vũ trang. Ông muốn xây dựng một quân đội chính quy, hiện đại, thiện chiến và trung thành với tổ quốc.
Vì vậy, tại hội nghị toàn thể BCHTW ĐCS Liên Xô tháng 10/1957 Zhukov bị bãi nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô. Lý do cũng bởi “thói kiêu căng ngạo mạn, xem thường các tổ chức đảng” trong quân đội, coi chúng chẳng có ý nghĩa gì, phủ nhận thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong lực lượng vũ trang”. Zhukov thậm chí không cố biện bạch cho mình. Việc xem thường sự kiểm soát của đảng thể hiện quá rõ trong toàn bộ hoạt động của ông.
Tháng 12/1953 Beria và 6 đồng phạm của ông ta bị buộc tội có ý định “đặt Bộ Nội vụ lên trên đảng và chính phủ để giành chính quyền và thủ tiêu đội ngũ công nông Xô Viết”.
Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là vai trò của Beria là quá lớn sau cái chết của Xtalin. Chỉ trong vòng 4 tháng sau khi “Lãnh tụ vĩ đại” qua đời, Beria nắm cả Bộ Nội vụ, bao gồm cả cơ quan an ninh quốc gia (KGB) và là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong Bộ chính trị. Ông có xu hướng và tư tưởng bài trừ một số biểu hiện hủ bại, suy thoái trong Đảng.
Trong số những đề xuất của Beria là cuộc đấu tranh chống sùng bái cá nhân các lãnh đạo đảng (khi ấy Bộ Nội vụ cấm treo ảnh các lãnh đạo đảng trong các sự kiện lễ hội), chấm dứt các vụ thanh trừng được bắt đầu vào những năm cầm quyền cuối cùng của Xtalin, bắt đầu phục hồi danh dự cho những người bị trấn áp. Còn một trong những đề nghị “nổi loạn” nhất của ông là cấm các cơ quan đảng ra lệnh cho các cơ quan Xô Viết về phát triển kinh tế.
Con trai của Lavrenti Beria - Xergo - nhớ lại: “Trong một nhóm hẹp thân cận, Zhukov đã gọi các cán bộ chính trị là những tên mật thám và nhiều lần nói ở nhà chúng tôi: “Có thể chịu đựng chúng bao lâu nữa? Hay là chúng ta không tin các sĩ quan?”.” Cha tôi đã an ủi: “Hãy đợi, không thể thay đổi ngay được! Tôi và cậu, hãy tin tưởng. Chúng ta không được nao núng. Hãy chờ đợi!”.
Sự thân thiết cá nhân
Từ hồi ký này, từ trường hợp cuộc trò chuyện này, có thể thấy rằng vào giai đọan đó Zhukov và Beria đã duy trì các cuộc tiếp xúc riêng chặt chẽ. Sự thân thiết của họ với nhau được nói đến bằng việc bổ nhiệm Zhukov làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ quốc phòng Liên Xô (từ vị trí Tư lệnh quân khu Ural, nơi Zhukov có mặt khi bị thất sủng thời Stalin) diễn ra ngay sau cái chết của Stalin, tại hội nghị toàn thể Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 9/3/1953. Phần lớn các nguồn tin đều chứng minh rằng việc bổ nhiệm này được thực hiện theo đề nghị của Beria.
Xergo Beria viết rằng vào những ngày tháng 3 đó Zhukov đã nói với Lavrenti Beria rằng lẽ ra ông ta (Zhukov) phải làm Bộ trưởng Quốc phòng (chức vụ này do “nguyên soái của đảng” Nicolai Bulganin nắm giữ). Cha tôi nói: “Hiện nay chưa được, cần đợi thêm không lâu nữa. Georgi, cậu đừng có buồn phiền. Ngoài cậu ra tôi không thấy ai ở cương vị này cả”.
Khrusev ra lệnh Zhukov không được mang vũ khí
Đóng vai trò quyết định trong việc bắt Beria là Đại tướng (sau này là nguyên soái) Kirill Moscalenco, Tư lệnh phòng không quân khu Moscow. Trước khi bắt giữ Beria theo kế hoạch là ngày 25/6/1953, ngay từ buổi sáng Khrusev và Bulganin đã gọi Moscalenco đến để bàn bạc các hành động sắp tới. Khi thảo luận: ai trong số các quân nhân cao cấp nhất có thể tham gia vào chiến dịch này, Moscalenco đã đề nghị Zhukov. Sau khi miễn cưỡng đồng ý, Khrusev và Bulganin đòi Zhukov nhất định không được mang theo vũ khí. Điều kiện này mang nhiều ý nghĩa. Bản thân Zhukov cũng biết rằng 6 quân nhân sẽ tham gia bắt Beria tại hội nghị của Đoàn chủ tịch (tên gọi Bộ chính trị lúc bấy giờ) có tất cả hai khẩu súng ngắn. Trong khi đó Zhukov lại không có. Rõ ràng, Khrusev, Malencov, Bulganin - những người nghĩ cách loại bỏ Beria - có cơ sở để sợ nguyên soái trong vụ này.
Vì sao Zhukov không bắt Khrusev và các đồng chí của ông ta?
Ở đây có vấn đề. Nếu họ sợ Zhukov sao lại chấp nhận cho ông ta tham gia vào việc bắt Beria? Rõ ràng trong trường hợp này là vấn đề tuyển mộ lại Zhiucov. Và Zhukov, sau khi cân nhắc kỹ mọi cơ hội của các phía, đã quyết định tham gia vào phía nào sẽ chiến thắng rõ ràng hơn.
Hành vi của Beria không thể cắt nghĩa được, nếu như ông ta sợ âm mưu chống lại mình. Ông ta vẫn đến Kremli mà không sợ hậu quả. Có những đồn thổi mơ hồ rằng Zhukov đã cảnh báo ông ta về việc bắt giữ đang được chuẩn bị, nhưng Beria tin rằng người ta sẽ không dám động đến mình. Vậy cái gì có thể tạo cho ông ta niềm tin như vậy? Có thể, ông ta biết rằng Zhukov đang ngồi ở phòng bên? Khi đó Beria có quyền hy vọng rằng Zhukov, là người ủng hộ mình, có thể đảm bảo an toàn cho ông ta trong thời gian hội nghị này. Vì thế Khrusev bày mưu lôi kéo Zhukov, bởi vì điều này làm Beria mất cảnh giác.
Hãy chú ý đến phản ứng của Beria khi bị bắt. Khi Zhukov xuất hiện giữa các vị tướng được vũ trang và hạ lệnh: “Đứng lên! Ông đã bị bắt!”. Theo lời của nguyên soái, Beria như “hoá đá”. Phản ứng bất lực như vậy rất đúng trong trường hợp bị đòn phản trúng lưng thế này, khi người mà bạn tin tưởng đột nhiên quay ngoắt chống lại bạn. Thậm chí có thể cho rằng Beria đã chờ đợi Zhukov ra lệnh cho các tướng lĩnh bắt các thành viên Đoàn Chủ tịch. Thực tế có như vậy hay không, chúng ta không bao giờ biết chính xác. Nhìn chung, vụ án Beria đến tận bây giờ vẫn còn rất nhiều bí ẩn.