Như miệng rồng ngậm ngọc
Động Hương Tích nằm trong quần thể di tích chùa Hương và là địa điểm không thể bỏ qua khi ghé thăm chùa Hương. Núi Hương Tích nằm ở độ cao khoảng 900m so với mực nước biển, trước kia người dân phải leo bộ để lên động nhưng hiện nay đã có dịch vụ cáp treo phục vụ du khách.
|
Du khách nườm nượp trên suối Yến về chùa Hương trẩy hội vào dịp đầu năm. Ảnh: Minh Hiếu
|
Theo truyền thuyết dân gian, động Hương Tích là miệng của một con rồng lớn và núi Đụn Gạo trước cửa động chính là lưỡi của con rồng. Còn theo một số câu chuyện khác, Đụn Gạo được ví như viên ngọc nằm trong miệng rồng.
Theo một số thư tịch cổ để lại, có viết rằng, núi Hương Tích nằm ở phía tây núi Tuyết Sơn theo khe suối đi ngược lên và leo nhiều tầng núi mới vào đến động. Cảnh đẹp như quỷ thần tạc rất khéo, xứng đáng động đẹp nhất miền Nam Hải.
|
Bến Đục – nơi bắt đầu của suối Yến để lên thuyền vào chùa Hương
|
Lối vào sâu trong động có hai ngách cân đối dài khoảng 50m. Ngay lối vào bên trái hiện vẫn còn bút tích “Nam thiên đệ nhất động” của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm như một sự khẳng định về vẻ đẹp huyền ảo của động Hương Tích.
Trong động có nhiều khối thạch nhũ, măng đá sừng sững được người dân hình tượng hóa như núi cô, núi cậu, cây vàng, con trâu, con lợn, bầu sữa mẹ.... Phía bên trần phải còn có chín nhũ đá như chín con rồng chầu vào một khối đá nhô lên từ mặt đất, được dân gian gọi là cửu long tranh châu.
|
Suối Yến là con đường duy nhất để đi vào chùa Hương từ bến Đục
|
Còn nhũ đá bầu sữa mẹ từng có một nhà thơ lấy cảm xúc và viết nên những vần thơ ngọt ngào: “Dòng sữa mẹ thước nào đo được/Nuôi bao năm mơ ước con khôn/Nắng mưa dầu dãi sớm hôm/ Bốn mùa ấp ủ cho con bốn mùa”...
Chúa Trịnh Sâm còn làm bài thơ “Chơi động Hương Tích” ca ngợi vẻ đẹp của động đẹp nhất trời Nam: Kìa kìa quy phượng phong kinh bối/Nọ nọ lân long lắng giáo thiền/Cảnh lạ thú mầu khôn xiết kể/Thanh kỳ đệ nhất chốn Nam thiên.
|
Những năm gần đây có rất nhiều du khách nước ngoài ghé thăm chùa Hương
|
Ngoài những gì mà thiên nhiên ban tặng cho động Hương Tích thì còn có những đồ cung tiến của Phật tử rất tinh tế như chiếc bệ đá hoa sen, bóng góc có hình người đóng khố đang giơ tay lên cao như đỡ lấy bệ. Bệ sen đá này do hai bà phi tần thời Lê Trung hưng cung tiến nhưng không ghi rõ ai.
Các pho tượng đồng trên Tam bảo do gia đình bà Trịnh Thị Ngọc Du công đức năm 1705. Đến năm 1767, gia đình quan Tả đô đốc Vũ Đình Trác cùng phu nhân Nguyễn Thị Tân đã công đức pho tượng Phật Bà Quán Thế Âm hiện đang được đặt ở giữa tam bảo. Có hai câu thơ tả về pho tượng Quan Âm là: Thần thông bỗng nhập vào tay khắc/Tạc vẻ từ bi đẹp lạ thường…”
Chinh phục động Hương Tích
Theo lời kể của những bậc cao niên trong xã Hương Sơn, động Hương Tích xưa không có ai biết đến, mãi đến khi hòa thượng Vân Thủy Thiền Thiên Trần Đạo Viên Quang chân nhân đến trụ tại chùa Thiên Trù, sau đó hòa thượng cùng 2 vị cao tăng đã phát hiện ra vào khoảng thế kỷ XV. Đến năm 1868, động Hương Tích bắt đầu thờ Phật và được dân gian gọi là chùa Trong.
|
Chỉ mất 10 phút di chuyển bằng cáp treo du khách đã lên đến động Hương Tích
|
|
Du khách sẽ đi bộ thêm 120 bậc đá nữa để xuống động Hương Tích
|
Tuy nhiên trước khi thờ Phật, theo nhiều câu chuyện dân gian khác, động Hương Tích là nơi tu hành của công chúa Diệu Thiện con của vua Diệu Trang Vương ở nước Hưng Lâm. Vua có 3 cô công chúa, hai cô chị đã lấy chồng nhưng các phò mã không quan tâm việc nước. Vua rất buồn và bắt cô công chúa thứ 3 lấy một phò mã tài giỏi để sau này nối ngôi. Nhưng công chúa chỉ muốn xuất gia. Sau đó nhà vua đã dùng nhiều cách để ngăn cản nhưng nàng rất kiên định. Cuối cùng, công chúa được Phật Tổ Như Lai chỉ cho vào động Hương Tích để tu.
Để vào đến động Hương Tích, du khách trước kia phải “trèo đèo, lội suối” tương đối vất vả. Con đường duy nhất dẫn từ bến Đục đi vào đến chùa Thiên Trù là đi thuyền trên suối Yến. Hầu hết du khách đều ghé thăm đền Trình ngay tại đầu suối Yến trước khi được nhẹ nhàng lướt trên mặt suối dài 4km vãng cảnh.
|
Đụn Gạo được ví như viên ngọc quý nằm trước miệng rồng |
Quần thể khu di tích chùa Hương còn rất nhiều ngôi chùa khác như chùa Thanh Sơn, chùa Hinh Bồng, chùa Giải oan... đều là những ngôi cổ tự linh thiêng bên cạnh chùa Thiên Trù. Sau khi lễ Phật tại các chùa dưới chân núi xong, du khách có thể sử dụng dịch vụ cáp treo hoặc leo núi đá để đến với động Hương Tích.
|
Những nhũ đá đẹp như trong tranh ở động Hương Tích. Anh: Richard Mortel
|
|
Ban thờ Phật nằm sâu trong động còn được gọi là chùa Trong. Ảnh: Richard Mortel
|
Dịch vụ cáp treo hiện này cả chiều đi và chiều về là 220.000 đồng và chỉ phải đi trong 10 phút. Tuy nhiên, leo bộ cũng là một trải nghiệm rất thú vị để đến với động Hương Tích do độ cao cũng ở mức vừa phải. Bên cạnh đó leo bộ còn giúp du khách tham quan các gian hàng đồ lưu niệm, sản vật của vùng núi đá Hương Sơn... đồng thời leo bộ cũng là cách để đo sự dẻo dai và kiên trì của du khách.
|
Dịp đầu năm có hàng vạn du khách ghé thăm động Hương Tích
|
Quẩn thể di tích Hương Sơn (chùa Hương) được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 1962 và đến năm 2017, quần thể di tích Hương Sơn được xếp hạng là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt. Ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm là ngày khai hội chùa Hương và kéo dài trong 3 tháng, đây là lễ hội kéo dài nhất ở nước ta thu hút khoảng 1 triệu lượt khách du lịch ghé thăm mỗi mùa.
|
Mỗi một nhũ đá lại được hình tượng hóa theo dáng hình như núi cô, núi cậu
|
|
Nhũ đá cột trụ trời nối liền từ trần động đến mặt đất |
Để di chuyển đến động Hương Tích từ Hà Nội, du khách có thể di chuyển bằng xe máy theo quốc lộ 21B từ Hà Đông khoảng 40km rồi rẽ phải vào đường DT74 và đi khoảng 10km đến địa phận làng Đục Khê và bắt đầu hành trình vãn cảnh chùa Hương. Một sự lựa chọn khác, du khách có thể men theo dòng sông Đáy, chiêm ngưỡng cảnh núi sông trước khi đến địa điểm làng Đục Khê và lên thuyền xuôi dòng suối Yến mộng mơ. Du khách sẽ đi bộ thêm 120 bậc đá nữa để xuống động Hương Tích