Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng sinh năm 1941, tên thật là Nguyễn Đăng Khoa, quê gốc Hòa Bình, Vũ Thư, Thái Bình. Ông từng có thời gian dạy học tại Quỳnh Phụ, đồng thời viết văn và làm thơ từ rất sớm. Sau khi đất nước thống nhất, ông vào công tác tại Hội văn nghệ Kiên Giang.
|
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng lúc sinh thời. Ảnh: Trần Hoàng Nhân.
|
Là người viết rất nhiều thể loại và ở thể loại nào nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cũng thành công, đặc biệt truyện của ông được đưa vào sách giáo khoa lớp 9 để giảng dạy. Cần mẫn, chăm chỉ với ngòi bút nên gia tài văn chương của ông khá đồ sộ, với nhiều thể loại khác nhau.
Những tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng có thể kể đến: Khói đốt đồng (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Kiên Giang, 1981), Nước xanh biêng biếc (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1986), Chuyện riêng của Cẩm Lình (truyện dài, Nhà xuất bản Kiên Giang, 1987), Trò hề (tập truyện vui, Nhà xuất bản Kiên Giang, 1991), Cuộc tình nghiệt ngã (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1991), Ngõ tre rì rào (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1991), Tình yêu một thuở (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1991), Người bị cáo bên hồ Uyên Ương (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1993), Cài hoa vào quá khứ (tạp văn, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Thanh Niên, đã in 14 lần vào các năm 1996, 1998, 2000, 2013), Vẽ lại chân dung cụ tổ (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn học, 2008), Nước mắt một thời (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2009), Hoàng hôn lạnh (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Đại học Công nghiệp TPHCM, 2011, tái bản 2012)…
Không chỉ được biết đến với những tác phẩm dành cho người lớn, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng còn để lại ấn tượng cho những độc giả nhí với các tác phẩm như: Ông “Hòa Bình” (truyện danh nhân, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2002), Chim mặt người (truyện dài, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2011, tái bản 2012), Đội nón cho cây (thơ viết cho thiếu nhi, Nhà xuất bản Kiên Giang, 1982), sau đó được Nhà xuất bản Trẻ in lại năm 2004, Nhà xuất bản Thanh Niên in lại năm 2015.
Nhiều bài thơ thiếu nhi của ông được phổ nhạc và phổ biến rộng rãi, trong đó phải kể đến bài thơ Em đi giữa biển vàng được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ thành ca khúc cùng tên, trở thành một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do Báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học Giáo dục VTV, Ban Âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức 1999-2000.
Linh cữu nhà văn Nguyễn Khoa Đăng được quàn tại tư gia số 15 đường số 2, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 15 giờ ngày 25/9. Lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 28/9, an táng tại Nghĩa trang Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM).