Sử sách Việt Nam ít khi mô tả rõ ràng dung mạo các vị quân vương, mà thường dành những ngôn từ ước lệ hoặc khoa trương, như “dáng hổ, mặt rồng”. Các vua đầu triều Nguyễn cũng ít được các sử quan mô tả dung mạo để đời sau hình dung.
Lăng GIa Long ở Huế.
Chuyện về ba chòm râu của các vua Gia Long, Minh Mạng
Trong bộ chính sử của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục, tả về vua Gia Long, chỉ viết về tính cách của ông mà thôi: “Vua chăm làm mọi việc, suốt ngày không lúc nào rỗi. Sai Thị thư viện sung chức khởi cư chú (chức quan ghi chép những lời nói việc làm của vua), phàm vua làm công việc gì đều chép hết”.
Rất may, qua ghi chép của những người nước ngoài từng sinh sống hoặc đến Việt Nam, chúng ta có thể đọc được những mô tả tương đối chân thực về các vị vua nước ta, không chỉ về ngoại hình mà cả những nét tính cách tiêu biểu nữa.
Như trong sách Souvenirs du Huế (Kỷ niệm ở Huế) của Michel Đức Chaigneau xuất bản tại Pháp năm 1867, đã để lại những dòng mô tả rất chi tiết về chân dung vua Gia Long.
Michel Đức là con trai của Jean-Baptiste Chaigneau (có tên Việt là Nguyễn Văn Thắng), người theo phò vua Gia Long từ lúc còn tranh đấu với nhà Tây Sơn và sau khi thành công, đã làm quan trong triều đình nhà Nguyễn đến tận năm 1824 mới về Pháp. Michel Đức có mẹ là người Việt, sinh tại Huế năm 1803, chỉ một năm sau khi vua Gia Long lên ngôi. Do cha làm võ quan, chức Chưởng cơ, tước Thắng Đức hầu, được nhà vua trọng dụng nên Michel Đức thường xuyên được theo cha vào cung và nhiều lần gặp gỡ vua Gia Long.
“Vua Gia Long cao trên trung bình, thân thể cường tráng, tướng đạo mạo đáng kính tương xứng với tầm vóc, nét mặt đầy trang nghiêm và có sắc diện, chứng tỏ một tâm hồn cao đẹp; dáng điệu rất sang trọng và tính tình rất hòa nhã, nhất là trong lúc trò chuyện thân mật”. Michel Đức viết.
Tuy nhiên, do viết sách ở Pháp, nên con trai vị công thần có thể kể những điều về vị vua mà chắc chắn không sử quan trong nước nào dám viết: “Bản tính náo động tự nhiên cũng làm ông dễ chuyển từ sự điềm đạm tử tế sang giận dữ thái quá khi mệnh lệnh không được thi hành đúng mức”.
Với miêu tả chi tiết của Michel Đức về nét mặt vua Gia Long, chúng ta mới biết hai bên má của nhà vua có hai hột cơm đen đều mọc râu, tạo thành hai chòm râu nhỏ hai bên, cạnh chòm râu lớn ở chính giữa, nhưng không hoàn toàn pha trộn vào nhau.
Đặc biệt, tác giả này cũng cho biết là vua Minh Mạng cũng có hai nốt ruồi đúng chỗ như vậy, người ta bảo rằng đó là dấu vết riêng của nhà Nguyễn.
Về tính cách, vua Gia Long còn được miêu tả là “ngoài những lúc bàn luận nghiêm chỉnh, ông là người vui tính nhất và dễ thương nhất trong triều; trong chỗ thân mật, đôi khi ông thích nói tục khiến mọi người phải đỏ mặt”.
Y phục đen của chúa Nguyễn Ánh trước khi lên ngôi vương
Còn trong ghi chép của một thủy thủ Nhật Bản bị đắm tàu rồi được chúa Nguyễn Ánh cứu năm 1795 là Shihoken Seishi, khi về nước, đã tả lại chi tiết câu chuyện ở xứ Đàng Trong trong sách của mình, trong đó cũng mô tả khá kỹ về lần được chúa Nguyễn Ánh tiếp kiến ở thành Gia Định. Đoạn trích này đã được các học giả của Viện Viễn đông Bác cổ dịch đăng trong tập san của viện (BEFEO) năm 1933:
“Nhà vua hiện ra trên ghế bành đỏ toàn bộ khảm vàng bạc và dát ngọc ở giữa chính điện. Hai hoàng tử ngồi hai bên. Vua trạc bốn mươi tuổi, mặc áo gấm đen thêu rua với quần gấm đen và mang đai lưng. Một người hầu cận cầm kiếm của vua đứng sau lưng”.
Hoàng thượng đội khăn lụa quấn năm vòng, đầu chỉ để hở búi tóc cài lược vàng. Hai hoàng tử cũng mặc áo đen và cài lược vàng. Các quan ngồi gần vua, đều mặc áo lụa xanh, vàng, đỏ hay trắng, mang lược đồi mồi, sừng trâu hay tê giác. Y phục long trọng, không ai mặc đồ đen, trừ vua và hoàng tử.
Không chỉ nhấn mạnh việc y phục màu đen chỉ dành riêng cho vua và hoàng tử, tác giả người Nhật này còn khẳng định “trừ vua, không ai được thắt khăn lưng trắng”.
Viên thủy thủ người Nhật này dành những lời hết sức hoa mỹ để miêu tả dung nhan Đông cung Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh: “Thái tử trạc độ hai mươi tuổi (thực ra Thái tử Cảnh sinh năm 1780, năm 1795 mới 15 tuổi), rất đẹp và sang trọng không ai sánh nổi. Trong tất cả các nước mà tôi ghé qua trên đường trở về, chúng tôi chưa thấy ai đẹp như ông”.
Shihoken Seishi cũng tả cảnh chúa Nguyễn Ánh đi ra ngoài đường, luôn có người che lọng đi theo. Những người đi trước và sau ngài đều đội khăn lụa xanh, vàng, đỏ hay trắng, đi thành hai hàng, mỗi hàng một chục người.
Về đồ dùng của chúa Nguyễn Ánh, luôn có người mang theo cho ông một hộp bằng bạc đựng đồ hút, một ống điếu, một hộp thuốc, một thanh gươm chuôi chạm trổ vàng bạc, và nhiều vật dụng nhỏ khác, mỗi vật một người cầm riêng.