Bí ẩn
Một chiều giữa tháng 5, tôi đến thăm Giáo xứ Xóm Chiếu (quận 4, TPHCM). Sau ít phút tham quan thánh đường rộng lớn, chìm đắm trong những bài thánh ca, tôi được nghe kể về “điều thiêng liêng” của giáo xứ.
“Điều thiêng liêng” và cũng là bí ẩn lớn nhất của giáo xứ được hình thành từ năm 1856 này là thi thể không phân hủy của một cụ bà đã mất cách đây hơn 100 năm. Hiện, thi thể được bảo quản bên trong Nhà chờ phục sinh của giáo xứ.
Sau cánh cửa sắt kiên cố, áo quan bảo quản thi thể kỳ lạ nổi bật giữa những kệ sắt cao đặt vật dụng chứa tro cốt của giáo dân quá cố. Chiếc áo quan có 5 mặt kính, cho phép quan sát thi thể nằm bên trong.
|
Giáo xứ Xóm Chiếu, nơi có thi thể người đã mất hơn 100 năm nhưng không phân hủy. Ảnh: Hà Nguyễn
|
Bên trong áo quan, thi thể mặc quần áo, đầu đội khăn lụa và được đặt trong tư thế nằm ngửa. Bên ngoài áo quan có tấm bia bằng đá hoa cương màu đen in ảnh, ghi thông tin năm sinh, năm mất của người quá cố.
Theo những thông tin trên bia, thi thể nằm trong áo quan là cụ bà Anna Nguyễn Thị Sĩ. Cụ Sĩ sinh năm 1840, mất năm 1906.
Ông Giuse Đinh Quang Luật, Phó Chủ tịch Hội Nội vụ Giáo xứ Xóm Chiếu cho biết, cụ Anna Nguyễn Thị Sĩ là một giáo dân bình thường của giáo xứ, không phải là nữ tu. Sinh thời, cụ bà sinh hoạt trong giáo xứ.
Sau khi mất, cụ được con cháu mai táng tại nghĩa trang Cảng Sài Gòn xưa. Sau này, chính quyền Pháp thuộc giải tỏa nghĩa trang, mộ phần cụ Sĩ được người thân cải táng.
|
Nhà chờ phục sinh, nơi lưu giữ, bảo quản thi thể kỳ lạ, được xem như điều linh thiêng của Giáo xứ Xóm Chiếu. Ảnh: Hà Nguyễn
|
Thật bất ngờ, khi bốc mộ, nhiều người phát hiện thi thể cụ bà vẫn nguyên vẹn, không bị phân hủy. Ngoài việc quần áo tùy táng bị mục nát, hư hỏng, thi thể của cụ gần như không bị ảnh hưởng.
Phát hiện sự việc kỳ lạ, người thân cụ bà và giáo dân tin rằng đây là điều linh thiêng nên đưa thi thể cụ bà về nghĩa trang Tân Quy (quận 7 ngày nay). Lúc này, mọi người để thi thể cụ bà trong áo quan, đặt trên mặt đất chứ không đào huyệt chôn cất.
Ông Luật giải thích: “Đối với người Công giáo, thân xác con người được Thiên Chúa tạo dựng, mang hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, khi gia đình cải táng và thấy thi thể của cụ bà còn nguyên vẹn, họ tôn trọng, không hỏa táng nữa.
Họ thấy đó là một điều thiêng liêng nên bảo quản thi hài cụ bà như bây giờ. Sau này, nghĩa trang Tân Quy bị giải tỏa, thi thể trên được đem về bảo quản tại Nhà chờ phục sinh của giáo xứ.
Tại đây, thi thể cụ bà được đặt trong áo quan có 5 mặt bằng kính trong suốt”.
Điều thiêng liêng
Ông Luật không biết trước khi mai táng cụ Sĩ, người xưa có sử dụng phương pháp ướp xác nào hay không. Tuy nhiên, từ khi được cải táng cho đến nay, thi thể cụ bà chỉ đen đi và nhỏ lại một chút so với kích thước ban đầu.
Thi thể chỉ được đặt bên trong chiếc áo quan đơn thuần, không được bảo quản bằng hóa chất hay phương pháp khoa học đặc biệt nào.
|
Từ xa, trông thi thể như người đang say ngủ. Ảnh: Hà Nguyễn |
Trong điều kiện bảo quản bình thường, thi thể không xuất hiện dấu hiệu hư hại nào khiến nhiều người không thể lý giải. Do đó, thi thể của cụ bà được giáo dân xem như điều linh thiêng, bí ẩn.
Dẫu vậy, ông Luật cho biết, giáo xứ sẽ không đồng ý việc tiến hành nghiên cứu thi thể cụ Sĩ. Bởi từ lâu, giáo xứ đã xem thi thể trên như một sự lạ, điều thiêng liêng. Giáo xứ đặc biệt trân trọng thi thể và xem như vật báu có một không hai.
|
Di ảnh của cụ Anna Nguyễn Thị Sĩ, người đã mất hơn 100 năm nhưng thi thể không phân hủy. Ảnh: Hà Nguyễn
|
Cụ Anna Nguyễn Thị Sĩ vẫn còn cháu, chắt đang sinh sống ở nước ngoài. Vài ba năm một lần, những người này về nước, đến Giáo xứ Xóm Chiếu viếng thi thể cụ bà. Khi vắng mặt, họ ủy quyền cho một người tại đây chăm sóc, bảo quản thi hài cụ.
Nếu phát hiện trang phục trên thi thể có dấu hiệu hư hỏng, cần thay mới, người này sẽ liên hệ với cháu, chắt cụ Sĩ xin phép thay mới. Ngoài việc này, hầu như anh không phải chăm sóc, tác động gì đến thi hài cụ bà.