Kể từ sau Tết Canh Tý 2020, thông tin gia đình ông Lê Văn Bay (trú thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, Phú Yên) sở hữu 3 ''cổ vật" gây xôn xao dư luận. Theo các lời đồn, ông Bay tìm được số "cổ vật" có niên đại 20.000 năm, giá trị lên đến 1,5 tỉ USD (khoảng 34.000 tỉ đồng). Nhiều người đến hỏi mua nhưng ông không bán.
Thế nhưng, trên thực tế, qua tìm hiểu của công an huyện Tây Hòa, sự việc được người dân đồn thổi không chính xác. Cụ thể, ông Bay cho biết khoảng 13 năm trước, khi đang đi làm gỗ ở khu vực giáp ranh giữa Tây Nguyên và Campuchia thì có nhặt được 3 món đồ. Chúng gồm: một vật giống chiếc hồ lô có nắp đậy, xung quanh chạm khắc 8 hình người; 2 vật là cóc tiềm thừ. Các đồ vật này đều có màu đồng thau và có khắc 4 ký tự giống chữ Hán ở dưới đáy.
|
Ba món đồ được đồn thổi là "đồ cổ niên đại 20.000 năm" ở nhà ông L.V.B. - Ảnh: chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cung cấp. |
Ông Bay tự xem 3 món đồ trên là những đồ vật quý nên đem chúng về trưng bày tại nhà. Ông cũng cho biết thêm niên đại 3 ''cổ vật'' mà ông tìm thấy được gia đình ông tự nhận định là khoảng 2.000 năm. Gia đình ông Bay không biết người nào đã tung tin 3 "cổ vật" mà ông tìm thấy có niên đại 20.000 năm có giá trị lên đến hàng tỷ đồng.
Hiện Bảo tàng tỉnh Phú Yên phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tây Hòa và chính quyền địa phương kiểm tra, xác minh tính thật giả và niên đại chính xác của 3 món ''đồ cổ'' của ông Bay.
Tìm thấy cổ vật ở Việt Nam không phải là điều hiếm gặp. Trong thời gian qua, nhiều cổ vật giá trị được tìm thấy ở một số vùng miền trên cả nước. Điển hình là sự việc diễn ra vào tháng 4/2019. Khi ấy, Bảo tàng tỉnh Lào Cai cho biết, vừa tìm thấy chiếc trống đồng cổ và một số di vật (xương, rìu đồng) tại thôn Tả Thàng, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (Lào Cai).
|
Trống đồng cổ được tìm thấy ở Lào Cai. |
Những cổ vật này được tìm thấy trong quá trình san gạt đất làm nhà của gia đình bà Hoàng Thị Vắng, trú tại thôn Tả Thàng, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng vào ngày 28/3/2019. Khi ấy, gia đình bà Vắng phát hiện chiếc trống đồng cổ và một số di vật (xương, rìu đồng).
Sau khi nhận được tin báo của gia đình và chính quyền địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã chỉ đạo Bảo tàng Lào Cai cử cán bộ trực tiếp xuống hiện trường, phối hợp UBND huyện Bảo Thắng và các cơ quan chuyên môn của huyện vận động gia đình giao nộp, vận chuyển di vật về Bảo tàng tỉnh Lào Cai quản lý, gìn giữ, phát huy giá trị theo quy định của Luật Di sản Văn hóa. Đánh giá bước đầu của cơ quan chuyên môn cho hay chiếc trống đồng là một cá thể trống đồng rất đẹp và thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn (cách đây 2.000 - 2.500 năm).
Vào tháng 6/2019, nhân dân trong xóm 4, xã Tân Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) đi đào huyệt cho bà Nguyễn Thị Nợi tại nghĩa trang Cồn Đùng thuộc xóm 2, xã Tân Sơn thì phát hiện một góc của nồi đồng được chôn dấu từ lâu đời, bên trong nồi đồng đựng gì không rõ. Sau khi nhận được tin báo, UBND xã phối hợp với Công an huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin tổ chức khai quật vị trí được nghi có chôn dấu cổ vật. Theo đó, 3 nồi đồng cổ và 2 chiếc bát cổ được tìm thấy.
|
Những cổ vật được tìm thấy ở Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An. |
Chiếc nồi đồng lớn nhất thời nhà Nguyễn có đường kính rộng 40 cm, cao 20 cm; chiếc thứ 2 rộng 29cm, cao 15 cm; chiếc thứ 3 rộng 19 cm, cao 7 cm (chiếc này còn nguyên vẹn). Một bát cổ rộng 22 cm, cao 9,5 cm, chiếc bát này có vẽ hình tùng, trúc, mai. Vành miệng vẽ riềm chi tiết đẹp. Trôn bát hiệu đề: Đại Minh Thành Hóa. Theo cán bộ văn hóa và các vị cao niên: bát được sản xuất thời vua Minh Hiến Tông - Trung Quốc, cai trị 23 năm, từ năm 1464 - 1487.
Chiếc bát cổ thứ 2 được tìm thấy rộng 28cm, cao 9cm. Đây là chiếc bát bạch định (màu men trắng không vẽ hoa văn) cũng thuộc niên đại đời nhà Minh - Trung Quốc. Tất cả những cổ vật này đều bị vỡ một phần.