Hòn đá kinh dị mà chúng tôi nói đến hiện đang lưu giữ tại làng An Thành (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Để làm rõ những điều kỳ bí được đồn thổi xung quanh hòn đá này, chúng tôi đã tìm đến đình làng An Thành để tìm hiểu.
Theo quan sát của chúng tôi, hòn đá được đặt trong ngôi miếu nhỏ dưới những cây xà cừ cổ thụ ngay bên mép đường bê tông cuối làng và mặt quay về hướng sông Bồ. Trước mặt hòn đá dân làng đặt bát hương để thờ cúng theo tín ngưỡng.
Hòn đá có hình dánh chữ nhật, được dựng đứng cố định bằng móng bê tông. Chiều cao khoảng 80cm, chiều ngang khoảng 50cm, có màu xanh đen do rong rêu bám vào.
Những chuyện thêu dệt
Chính các các bậc cao niên trong làng An Thành cũng không biết hòn đá nêu trên có từ khi nào và từ đâu mà ra. Cũng không có bất cứ tài liệu hay sách vở chính thống nào ghi chép lại lai lịch cũng như nguồn gốc lịch sử của hòn đá này.
Dân làng cho rằng hòn đá rất linh thiêng và đã nằm ở vị trí kể trên suốt hàng trăm năm. Ngày rằm, mồng một hoặc lễ tết người dân trong làng lại đổ đến thắp hương, khấn vái đá thần.
Thế nhưng, khi được hỏi vì sao họ lại cúng bái hòn “đá thần” thì hầu hết chỉ mơ hồ kể một câu chuyện rằng, năm 1960 trong làng có một cô gái rất xinh đẹp đi gánh nước gần sông Bồ thì trúng bom Mỹ chết ngay cạnh hòn đá.
|
Hòn đá được đồn thổi là biết đi và diệt trừ ma quỷ ở Huế - Ảnh: Xuân Trường. |
Từ đó, vào đêm khuya ngày rằm hoặc mồng một nhiều người vẫn thường nhìn thấy cô gái mặc áo trắng xõa tóc ngang lưng ngồi trên hòn đá. Họ cho rằng, đó chính là oan hồn của cô gái yểu mệnh.
Ngoài câu chuyện hồn cô gái chết bom nhập vào hòn đá thì dân làng An Thành còn truyền nhau câu chuyện hòn đá vô tri ấy biết đi.
Bà Bùi Thị Tuyết (dân làng An Thành) kể, hòn đá này đã nhiều lần bị dời đi nơi khác nhưng không hiểu sao vài ngày sau lại thấy nó nằm ngay ngắn ở vị trí cũ. Thậm chí, có thời gian, một số người đã âm thầm đem nó xuống đặt gần mép bờ sông, nhưng ngày hôm sau, hòn đá lại dịch chuyển về chỗ cũ.
Dân làng còn đồn rằng, hòn đá đã từng bị khiêng trộm đi nhưng chỉ vài ngày sau nó đã trở lại vị trí cũ. Trước những sự việc lạ liên tiếp xảy ra như thế, dân tình ở đây hết sức xôn xao và hoang mang.
Thế rồi, không ai bảo ai, dân làng An Thành và các làng lân cận tấp nập kéo nhau về khấn vái nguyện cầu "thần đá" phù hộ cho mình có sức khoẻ, gặp nhiều điều lành. Cũng kể từ đó, con cháu trong làng không ai dám bẻ một cành cây hay lá nhỏ ở xung quanh hòn đá.
“Tất cả chỉ là đồn thổi”
Đó là câu khẳng định của ông Lê Quang Hai – Trưởng thôn An Thành (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Ông trưởng thôn An Thành một mực khẳng định là không có và không tin vào những lời đồn huyền bí và có phần huyễn hoặc về hòn đá “thần” đang được dân làng thờ cúng. Sở dĩ vì gia đình đã mấy đời nay sống gần hòn đá mà vẫn chưa hề thấy hoặc chứng kiến bất kỳ một sự lạ nào.
|
Chính vì tin vào sự linh thiêng mà người dân tôn thờ một hòn đá vô tri - Ảnh: Xuân Trường |
Ông Lê Quang Hai cũng bày tỏ bức xúc khi trước đây có rất nhiều người về đưa tin nhưng hoàn toàn viết sai, viết quá và làm huyễn hoặc những câu chuyện kỳ dị có phần mê tín di đoan về hòn đá.
“Thật sự thì không hề có chuyện thấy cô gái mang áo trắng, quần đen xoã tóc ngang lưng ngồi trên hòn đá vào đêm khya. Cũng không có người nào rảnh rỗi lại đi khiêng trộm hòn đá, và không có chuyện hòn đá lại biết đi. Cũng chẳng có chuyện hòn đá lại biết trừ tà diệt quỷ. Tất cả đều do người dân tự đồn lên như vậy”, ông Hai khẳng định.
|
Hòn đá gắn bó với lịch sử đình làng An Thành - Ảnh: Xuân Trường. |
Ông Hai cho hay, thực ra vào ngày rằm và mồng một hoặc lễ tết nhiều người sống gần hòn đá có ra thắp hương cho hòn đá. Tuy nhiên, thường thì do đó là họ tiện có việc đi qua thì thắp hương chứ không có hề có “lệ hương khói” như nhiều người vẫn đồn.
Theo ông Hai, có thể dân làng thắp hương thờ hòn đá vì nó gắn liền với đình làng An Thành. Đình làng An Thành có lịch sử hơn 400 năm và thờ ngài Nguyễn Quý Công – người khai canh lập làng. Đây cũng từng là đồn chỉ huy đại đội 921 của thực dân Pháp.
Trong chiến tranh đình làng bị tàn phá nặng nề, sau này dân làng và con cháu xa gần đã góp tiền để xây lại chánh điện để thờ cúng thể hiện lòng biết ơn với người khai canh lập làng.
“Hòn đá này chỉ là một câu chuyện truyền thuyết thôi, có thiêng thì có thờ, nói về tâm linh thì mình không thể bác bỏ, mọi việc xưa bày nay làm.
Đời các ông, các bác thờ thì mình cũng thờ thế thôi, chứ thực sự thì không có tập tục hay tín ngưỡng gì hết. Hoàn toàn không hề có chuyện như các báo đã đưa tin, nói dây cà ra dây muống”, ông Hai nói.