Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Paleoanthropology đã đi tìm sự thật về thứ từng gây chấn động giới khoa học khi được khai quật vào năm ngoái: Một hang động được bố trí giống như hầm mộ, đã hơn 300.000 năm tuổi và thuộc về một loài người khác.
Cụ thể hơn, thứ mà các nhà cổ nhân loại học mô tả là "quả bom" ở hệ thống hang động Rising Star ở Nam Phi là một loạt hài cốt người Homo naledi.
Các đoàn thám hiểm làm việc tại Rising Star và một số mảnh hài cốt loài người cổ Homo Naledi được thu thập từ hệ thống hang động này - Ảnh: eLife/National Geographic
Các mảnh hài cốt ở Rising Star không nằm trên mặt đất hay mắc kẹt ngẫu nhiên trong trầm tích.
Thay vào đó, các hóa thạch này tạo thành các bộ hài cốt gần như nguyên vẹn, nằm "bình yên" gọn gàng trong lòng đất một cách khá trật tự.
Nói cách khác, có vẻ như họ đang chôn cất. Một nghiên cứu nổi tiếng do TS Lee Berger của Đại học Witwatersrand (Nam Phi) dẫn đầu đã ủng hộ giả thuyết này.
Nếu đúng như vậy, đó là một phát hiện chấn động.
Đứng ở giao điểm tiến hóa giữa con người và loài vượn lớn, Homo naledi không được cho là có khả năng thực hiện các hành động đòi hỏi nhận thức phức tạp như vậy.
Trước đây, người ta cho rằng phong tục mai táng là "đặc quyền" của loài người tinh khôn Homo sapiens, tức loài chúng ta. Hoặc ít nhất chỉ có loài "anh em" gần gũi nhất là người Neanderthals biết làm điều đó vào vài chục ngàn năm trước. Vì vậy, cả niên đại và cách thức của "hầm mộ" Homo naledi đều gây sốc.
Tuy vậy, giờ đây một nhóm nghiên cứu khác dẫn đầu bởi TS Kimberly Foecke của Đại học George Mason (Mỹ) đã tìm ra kẽ hở. Họ giải thích rằng nhóm của TS Berger đã phân tích các mẫu đất trong hang động, nghiên cứu thành phần hóa học và kích thước hạt của đất với lý do rằng nếu hài cốt trong hang được chôn cất một cách có chủ đích thì đất ở phía trên - là đất được con người xúc và lấp vào mộ - sẽ khác với đất bên dưới
Tuy vậy, mô tả của bài báo về quá trình này không chứa các chi tiết quan trọng trong phân tích đất, khiến phương pháp thu thập dữ liệu trở nên không rõ ràng.
Quan trọng hơn, nhóm nghiên cứu của TS Foecke đã thực hiện phân tích thành phần hóa học của đất khu vực này cụ thể hơn.
Họ không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào giữa đất trên các thi thể và đất trong phần còn lại của hang động.
Điều đó không có nghĩa là Homo naledi có thể không chôn người chết. Không có đủ bằng chứng cho điều đó.
Có khả năng cao là các thi thể đã bị thiên nhiên vùi lập một cách tự nhiên qua hàng trăm ngàn năm.
Điều này cũng phù hợp với các tranh cãi được đưa ra sau khi bản preprint của nghiên cứu do TS Berger và các cộng sự được đăng tải trực tuyến.
Nghiên cứu này cũng đã không vượt qua được quá trình bình duyệt và chưa được xuất bản chính thức trên tạp chí khoa học, một phần vì các ý kiến trái chiều đó.
Nhưng có lẽ chúng ta vẫn phải hy vọng tìm thấy thêm nhiều bằng chứng về Homo naledi để hiểu rõ hơn về loài người bí ẩn này.
Homo naledi tuyệt chủng 300.0000 năm trước, trùng với thời kỳ mà Homo sapiens chúng ta ra đời. Họ khác loài nhưng cùng chi Homo (chi Người) với chúng ta.
Tuy vậy, loài người cổ này được mô tả với vẻ ngoài "hoang dã" hơn nhiều so với nhiều loài người cổ khác, mang dáng dấp của một vượn nhân hình hơn là con người thực thụ.