Tính từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1588, trải qua 60 năm sau, Đàng Trong đã có 3 vị chúa trị vì (chúa Tiên – Nguyễn Hoàng, chúa Sãi – Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Thượng - Nguyễn Phúc Lan). Năm 1648, chúa Nguyễn Phúc Lan đột ngột qua đời, thế tử Nguyễn Phúc Tần lên ngôi ở tuổi 29, thường được gọi là Hiền vương.
Hiền Vương Nguyền Phúc Tần là một vị chúa tài năng, đức độ, vì thế trong 40 năm trị vì Đàng Trong, ông mở mang bờ cõi, cho làm thủy lợi, khiến dân chúng được mùa, lao dịch thuế má giảm nhẹ, bờ cõi vô sự, nhân dân ngợi khen là thời thái bình.
Khi còn là thế tử, ông đã là một dũng tướng. Lúc đầu, ông được phong Phó tướng Dũng lễ hầu, từng dẫn quân đánh tan đội tàu Hà Lan ở cửa biển, được Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan khen ngợi: “Trước kia tiên quân ta từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế, ta không lo gì nữa”.
|
Ảnh minh họa. |
Theo sử sách viết lại, năm 1652, quần thần nạp vào phủ Chúa Hiền một ca nhi tài sắc, khiến chúa hết lòng si mê. Đó là nàng Đào Thừa, sinh ra ở bờ Bắc sông Gianh, quê ở đất Nghệ An. Nàng không những có nhan sắc rực rỡ, lại có ngón đàn, giọng hát điêu luyện, khiến ai cũng ngưỡng mộ.
Sự có mặt của Đào Thừa đã làm lu mờ hết vẻ đẹp của các cung phi trong phủ Chúa. Chúa Hiền nhanh chóng rơi vào đam mê sắc dục với Đào Thừa, ngày đêm gần gũi nàng, bỏ bê việc triều chính, đại sự...
Nhiều triều thần đã mạnh dạn đứng ra can gián, chỉ ra cái họa nữ sắc với các bậc quân vương và khuyên chúa nên bớt gần gũi với nàng Đào Thừa. Tuy nhiên, quá say mê người đẹp, Hiền Vương biện luận rằng: "Ta từng nằm gai nếm mật để bảo vệ cơ đồ, nay bờ cõi vô sự, ta lại chẳng có quyền vui thanh sắc, yến ẩm sao?".
Nhưng rồi một hôm, chúa đọc sách Quốc ngữ, đến chuyện: Vua nước Việt thời Xuân Thu là Câu Tiễn đánh nhau với nước Ngô, bị thua. Theo kế của mưu sĩ Phạm Lãi, Câu Tiễn dùng kế mỹ nhân dâng người đẹp Tây Thi cho vua Ngô là Phù Sai.
Phù Sai mê nàng Tây Thi quên cả quốc sự, bị Câu Tiễn đem quân đánh, mà nước Ngô bị mất, Phù Sai bị giết. Lúc ấy, Hiền Vương giật mình, ngẫm nghĩ: "Phải chăng nàng Đào Thừa chính là Tây Thi của chúa Trịnh đưa từ miền Bắc vào để mê hoặc ta?".
Sáng hôm sau, chúa sai người đẹp Đào Thừa mang đến tư thất của viên võ tướng là Chưởng dinh Nguyễn Cửu Kiều một bộ triều phục mới, rồi từ đó không ai còn thấy nàng trở lại phủ chúa.
Người đời sau cho rằng, trong gấu áo bộ triều phục Đào Thừa mang đi, có bức mật thư ủy thác cho Cửu Kiều kết liễu đời nàng để tránh cho xứ Đàng trong cái họa Tây Thi!
Dù sao, chúa Hiền cũng không nỡ lòng tự mình làm chuyện tàn ác với người đẹp từng một thời đầu gối tay ấp, nên dùng kế “mượn dao giết người” để dứt tình với nàng.
Và chắc rằng vị Chưởng dinh tâm phúc, chắc nắm rõ “mật hiệu” với chủ nhân, đã thực hiện ý chúa một cách trọn vẹn.
Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: "Từ đó chúa Hiền chăm việc giảng võ, sửa sang khí giới, chiêu mộ nguời có đảm, có sức, tập trận voi, luyện thủy quân, mưu đồ tiến lấn ra ngoài bờ cõi".
Dưới thời chúa Hiền, Quân chúa Nguyễn nhiều lần vượt sông Gianh tiến ra đất Đàng Ngoài, có lúc chiếm được 7 huyện của Nghệ An, mãi sau này chúa Trịnh mới khôi phục lại được. Từ đó, hai họ Trịnh - Nguyễn cầm cự nhau suốt mấy chục năm không phân thắng bại.
Còn theo bộ sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục tiền biên, thì bấy giờ trong xứ Đàng Trong toàn cõi vô sự, thóc lúa được mùa. Chúa Hiền càng chăm sửa sang chính trị, không xây đài tạ, không gần con hát gái đẹp, giảm nhẹ tô dịch thuế má, trăm họ vui vẻ, đều khen là đời thái bình.