|
Bác Hồ và Bộ Chính trị bàn thảo kế hoạch (ảnh tư liệu của TTXVN).
|
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2019), PV Dân Việt có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, một vị tướng đã trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Nói đến trận Điện Biên Phủ, có một quyết định của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà theo ông đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy, là vị tướng cả đời chiến đấu ông có suy nghĩ gì quanh câu chuyện này?
- Quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là dừng cuộc tấn công Điện Biên Phủ trước giờ nổ súng để chuyển phương châm từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Đây là một quyết định chiến lược, có giá trị rất to lớn không những với chiến dịch Điện Biên Phủ mà cho cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Quyết định đó mang ý nghĩa rất nhân ái của một vị tướng. Tại sao tôi nói như vậy?. Bởi vì trước khi ra quyết định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suy nghĩ rất nhiều.
Sau khi xem xét phương châm đánh nhanh, thắng nhanh, Đại tướng thấy rằng với tình hình lúc đó có những điều bất lợi và sẽ gây thương vong lớn cho bộ đội ta. Thứ nhất, bộ đội ta lúc đó chưa quen đánh những tập đoàn cứ điểm mạnh như Điện Biên Phủ. Thứ hai với chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đánh theo kiểu hiệp đồng binh chủng lớn nhất kể từ kháng chiến chống Pháp, trong khi đó bộ đội ta chưa quen cách đánh hiệp đồng, chưa có diễn tập, luyện tập cách đánh này;
Thứ ba, bộ đội ta quen đánh ban đêm, không quen đánh ban ngày, khi tác chiến thường lợi dụng địa hình dễ ẩn nấp, dễ tránh, trong khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lại là thung lũng lòng chảo dài hơn 20km, rộng khoảng 8km, từ nơi xuất phát để tấn công vào các cứ điểm của tập đoàn phải đi xa từ 2 -3km. Nếu tấn công như vậy, trong điều kiện quân địch có pháo binh mạnh, không quân cũng mạnh thì thương vong của bộ đội ta sẽ rất lớn.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ quân đội (ảnh tư liệu).
|
Từ nhìn nhận như vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển phương châm đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc.
Đại tướng cũng tính toán với phương châm đánh chắc, tiến chắc, quân ta chủ động hoàn toàn, bởi muốn đánh lúc nào thì đánh. Khi chúng ta thực hiện phương châm này sẽ có điều kiện về mặt thời gian để đưa pháo lên vị trí gần nhất có thể bắn trực tiếp vào trận địa pháo và trận địa phòng thủ của địch; chúng ta đào giao thông hào từ ngoài rừng nơi tấn công vào sát trận địa cách địch khoảng 200 -300m, như vậy sẽ giảm thương vong rất lớn cho bộ đội; đánh chắc, tiến chắc sẽ giúp chúng ta luyện tập và làm quen với cách đánh hiệp đồng binh chủng. Chính vì thế mới thấy quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ý nghĩa rất lớn về chiến lược, là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ bàn thảo kế hoạch tác chiến (ảnh tư liệu).
|
Có ý kiến cho rằng với quyết định trên của Tướng Giáp đã đưa ông trở thành vị tướng tầm cỡ của thế giới, ông nghĩ sao?
- Đúng thế. Còn tại sao người ta nói vậy? Có thể thấy chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi không phải chỉ là chiến thắng đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn với thế giới. Trước hết, nói về phía chúng ta, chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ –ne –vơ, chúng ta giải phóng một nửa đất nước.
|
Sau 55 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu).
|
Còn đối với thế giới, sau khi chúng ta chiến thắng Điện Biên phủ đã có 17 quốc gia ở Châu Phi là thuộc địa của Pháp đã noi gương Việt Nam vùng lên đấu tranh với Pháp để giành độc lập. Đến năm 1967, Pháp phải trả lại độc lập cho toàn các nước bộ thuộc địa mà Pháp chiếm giữ. Nó đã chấm dứt hơn 400 năm chế độ thực dân kiểu cũ trên toàn thế giới. Cho nên thắng lợi của Điện Biên phủ có tầm thế giới, quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch này đã góp phần đưa ông trở thành một trong mười danh tướng của thế giới.
|
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy. |
Trong quá trình chiến đấu Thiếu tướng đã học được những điều gì từ những quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhất là quyết định của ông ở Điện Biên Phủ?
- Chúng tôi đã học được rất nhiều từ Đại tướng, Tổng Tư lệnh. Có thể nói những quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong các chiến dịch lớn là tuyệt vời. Nếu như ở trận Điện Biên Phủ với phương châm đánh chắc, tiến chắc của Đại tướng đã giúp quân ta giành thắng lợi thì đến năm 1975, sau trận Buôn Mê Thuật giải phóng Tây Nguyên, rồi đến chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chúng ta giải phóng đến Đà Nẵng, lúc này Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại ra quyết định “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa” để giành thắng lợi. Và chúng ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30.4.1975).
So sánh như vậy để thấy tầm của người chỉ huy trong điều kiện hoàn cảnh khác nhau đã có những mệnh lệnh quyết đoán, sáng suốt. Người chỉ huy đã phân tích, tính toán, nhận định và tìm ra những yếu tố để giành thắng lợi quyết định.
Giành thắng lợi nhưng người chỉ huy phải nghĩ đến việc làm sao ít thương vong cho cán bộ, chiến sĩ. Trong quá trình chiến đấu chúng tôi đã học điều này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ví dụ, như trận đánh năm 1972 ở Quảng Trị, đơn vị chúng tôi tiêu diệt hơn 400 quân địch khi chúng vượt sông Thạch Hãn đánh sang Ái Tử (Quảng Trị). Đơn vị chúng tôi chỉ có số ít chiến sĩ bị thương vong.
Ngày 26.1.1954, trong cuộc họp Đảng ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra quyết định chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc.
17 giờ 30 ngày, 13.3.1954, chiến lịch sử Điện Biên Phủ bắt đầu, chiến dịch chia làm 3 đợt:
Đợt 1 (13-17.3), ta đập tan thế trận phòng ngự vòng ngoài của địch ở phía bắc và Đông Bắc, mở đầu bằng trận Him Lam (13.3.1954), tiếp đó tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Độc Lập (xem trận đồi Độc Lập, 15.3.1954), bao vây, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo (16.3.1954), đánh bại nhiều đợt phản kích của địch.
Đợt 2 (30.3-30.4), sau hơn 10 ngày xây dựng trận địa tiến công và bao vây với hàng trăm kilômét hào giao thông, hàng ngàn công sự và ụ súng các loại, ta tiến công diệt các cứ điểm E, D1, D2, C1 trên dãy đồi phía đông và 106, 311 trên hướng Tây-Bắc sân bay Mường Thanh, nhưng đánh cứ điểm A1) và các cứ điểm C2, 105 không thành công, bị địch phản kích chiếm lại nửa đồi C1.
Từ 16.4, ta phát triển trận địa bao vây, tiến công, đánh lấn diệt các cứ điểm 105 (ngày 18.4), 206 (xem trận cứ điểm 206, 17-23.4.1954), đào hào cắt đôi sân bay Mường Thanh, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch nhằm giành lại sân bay, kết hợp bắn tỉa và đưa pháo phòng không xuống cánh đồng Mường Thanh khống chế rồi triệt hẳn tiếp tế đường không của địch.
Đợt 3 (1-7.5), ta lần lượt đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía đông (C1, C2 và A1), diệt một số cứ điểm ở phía Tây, tăng cường vây ép phân khu Hồng Cúm, bao vây uy hiếp SCH trung tâm, dập tắt hy vọng rút chạy của địch; 15 giờ 7.5 tổng công kích vào trung tâm Mường Thanh, bắt tướng Đờ Catxtơri (De Castrie) và toàn bộ ban tham mưu tập đoàn cứ điểm, buộc số địch còn lại ở phân khu trung tâm phải đầu hàng, truy kích và bắt gọn bộ phận địch ở Hồng Cúm địch rút chạy.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, quân ta đã tiêu diệt và bắt hơn 16.200 địch (có 1 thiếu tướng, 369 sĩ quan từ đại tá đến thiếu uý), thu toàn bộ vũ khí trang bị, bắn rơi 62 máy bay.
|