Quất Quảng Bá – nét Tết rất riêng của người Hà Nội

Google News

Trong quan niệm của nhiều người Hà Nội, có được cây quất từ mảnh đất “rồng vàng” Quảng Bá về trưng Tết, một năm mới sẽ tới cùng may mắn, tài lộc, thịnh vượng.

Cuối năm, khi những cơn gió mùa đông bắc thổi vi vút dọc các con đường, lá bàng, bằng lăng ửng dần sang sắc đỏ, trời chuyển “rét ngọt” xen lất phất mưa phùn, đâu đó trên phố, những cây quất, cành đào được chở đi, trôi trong dòng xe hối hả… là lúc lòng mỗi người có cảm giác thật khó tả, vừa bâng khuâng, vừa chộn rộn, náo nức trước một năm sắp đi qua, một mùa xuân mới sắp đến.
Quat Quang Ba – net Tet rat rieng cua nguoi Ha Noi
 Khách đến Quảng Bá - "thủ phủ" quất Hà Nội chọn mua quất về chưng Tết. Ảnh: Mai Loan.
Không biết tự bao giờ, cây quất đã tựa như một “cành đào thứ 2”, trở thành một nét Tết của người Hà Nội. Bên cạnh chiếc bánh chưng xanh, lọ dưa hành giòn trắng, cành hoa đào hồng tươi… một cây quất đẹp với quả vàng óng ả, chồi xanh mơn mởn, hoa từng chùm tươi tắn, hương thơm nhẹ bay… đã trở thành một thứ khó thiếu được trong ngày Tết của người Hà Nội. Một cây quất đẹp, với dáng, thế… độc đáo, có giá trị cũng còn ngầm cho thấy mức độ “sành”, chịu chơi của gia chủ.
Mua quất ở mảnh đất “rồng vàng” để được may mắn, bình an
Làng Quảng Bá (phường Quảng An, quận Tây Hồ) có tên cũ là Quảng Bố, đất rộng, dân đông, là một phường của Kinh đô Thăng Long từ thời Lý – Trần. Trước đây làng có hơn 100 mẫu ruộng, cả trong đồng và ngoài bãi để trồng rau, hoa, trong đó quất là loại cây nổi tiếng của vùng đất này.
Dù giờ diện tích trồng quất đã thu hẹp dần, nhưng đến Quảng Bá những ngày giáp Tết, vẫn thấy một nét hồn của mảnh đất Kinh kỳ còn được lưu giữ nơi đây. Đi giữa những hàng quất nối dài với các cây quất đủ mọi dáng, thế; quả quất to mọng, vàng ươm; lá quất dày, xanh bóng, chồi bắt đầu bung…có cảm giác mùa xuân đã thật gần.
Quat Quang Ba – net Tet rat rieng cua nguoi Ha Noi-Hinh-2
 Chị Lưu Thị Hường, chủ vườn quất Điệp Hường (làng Quảng Bá) bên vườn quất của mảnh đất "rồng vàng".
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, chị Lưu Thị Hường, chủ vườn quất Điệp Hường (làng Quảng Bá) chia sẻ, tới giờ, chị đã có khoảng gần 30 năm trồng quất. Học bố mẹ trông quất từ khi còn là một cô bé, nhưng đến năm 20 tuổi, chị mới chính thức trở thành người trồng quất “chuyên nghiệp” khi được bố mẹ cho mảnh đất nông nghiệp ở làng Quảng Bá khoảng 3-400m2 để trồng quất.
Vườn quất của chị có khoảng 4-500 gốc quất cả to và nhỏ với đủ các mức giá, từ 200-12 triệu đồng, tùy kích cỡ, dáng, thế…
Từ đầu năm, chị Hường đã phải mua bình, trộn đất màu trồng cây, sau đó uốn thành các dáng, phải rất công phu mới có thể tạo thành được những cây quất đẹp, có đủ quả chín, quả xanh, lộc non...
Quat Quang Ba – net Tet rat rieng cua nguoi Ha Noi-Hinh-3
Cây quất đẹp là phải có cẩ quả xanh, quả chín. Ảnh: Mai Loan. 
Gắn bó với cây quất đã trên 30 năm, một trong những niềm hạnh phúc, neo giữ chị Hường ở lại với nghề truyền thống của làng, đó là tình yêu của khách hàng dành cho quất Quảng Bá. Chị Hường có một lượng khách quen, ổn định, cứ dịp Tết đến xuân về lại tìm đến với cây quất của nhà vườn.
“Từ xưa, Quảng An được ví như mảnh đất rồng vàng. Nhiều khách thích đến Quảng An mua bằng được một cây quất về trưng Tết bởi quan niệm, quất được trồng ở vùng đất thiêng thì cũng sẽ đem tới một năm mới may mắn, phát tài phát lộc, thịnh vượng cho gia chủ. Tôi cũng có một vườn quất ở nơi khác, giới thiệu cho khách, nhưng khách từ chối, bảo chỉ muốn mua quất ở vườn Quảng Bá”, chị Hường chia sẻ.
Tự hào giữ được nét văn hóa của người Hà Nội
Cũng gắn bó vớ cây quất gần 30 năm, anh Ngô Xuân Hào, chủ vườn quất Hào Chiêm (làng Quảng Bá) cho hay, nhà anh có truyền thống làm quất, từ thời quất còn trồng trong nhà, sau mới trồng ngoài ruộng. Ngày xưa, quất được chiết từ cây lưu niên (cây quất có tuổi đời khoảng 3-4) năm, giờ, quất được nhập từ nơi khác, về Quảng Bá mới được “đảo cây”, bẻ các thế.
Quat Quang Ba – net Tet rat rieng cua nguoi Ha Noi-Hinh-4
 Anh Ngô Xuân Hào, chủ vườn quất Hào Chiêm (làng Quảng Bá). Ảnh: Mai Loan.
Mỗi thời, cách trồng, chăm sóc mỗi khác, nhưng tình yêu với cây quất, với nghề truyền thống của ông cha, muốn giữ lại nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thì vẫn giống nhau. Có tình yêu này, mới có thể vượt qua những khó khăn, ở lại với nghề.
Bởi trồng quất rất vất vả. Cả một năm ròng, từ khoảng tháng 3 nhập cây về, bỏ bao tâm huyết, chăm sóc, đến cuối năm với có được một sản phẩm ưng ý để bán ra thị trường.
Anh Hào cho hay, người Hà Nội hầu như nhà ai cũng phải có cây quất, cành đào đón xuân, trừ nhà có đám, chuyện buồn mới không chơi. Theo phong tục, và quan niệm truyền thống, cây quất mang ý nghĩa thịnh vượng, rước lộc, những điều tốt lành về nhà. Nó cũng còn có ý nghĩa xua đuổi những điều xui xẻo, không may mắn, có ý nghĩa giống như cây nêu của người miền núi.
Quất giờ có rất nhiều dáng, thế, nhu cầu của người chơi cũng phong phú. Những dáng cơ bản được ưa chuộng những năm gần đây như dáng thông, dáng bonsai. Nhưng điểm chung, một cây quất đạt chuẩn, được coi là đẹp là quả phải to, đều, có cả quả xanh quả chin; lá xanh, dày, có nhiều lộc; hoa nhiều.
Quat Quang Ba – net Tet rat rieng cua nguoi Ha Noi-Hinh-5
 Quất Quảng Bá - một nét Tết của người Hà Nội. Ảnh: Mai Loan
Vườn anh Hào có khoảng hơn 100 cây quất, giá dao động từ 200 ngàn đến 12 triệu đồng. Giống như chia sẻ của chị Hường, anh Hào cảm thấy tự hào vì đã góp phần gìn giữ được một nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.
“Trong tâm thức người Hà Nội, nói tới đào là nghĩ tới Nhật Tân, nhắc tới quất là nhớ tới Tứ Liên, Quảng Bá. Ngoài làm quất vì giá trị kinh tế, tôi thấy vui khi đã giữ được nghề truyền thống, nét văn hóa đậm bản sắc của người Hà Nội”, anh Hào nói.
Chị Hường cũng bày tỏ niềm tự hào: “Tôi là người gốc Quảng Bá, Quảng An, rồi lại trồng cây quất trên mảnh đất này cho người Hà Nội, thực sự đó là một niềm hạnh phúc”.
Cùng với niềm tự hào về thương hiệu quất Quảng Bá cũng là nỗi băn khoăn. Chị Lưu Thị Hường cho hay, năm nay, các khách mua quất của chị cũng chủ yếu là khách quen, còn khách lạ rất hiếm. Bởi đường Âu Cơ đang làm, khách đi ô tô muốn tìm được vào vườn phải đi khá vòng vèo, không tìm được. Và một điều nữa, đó là diện tích đất trồng quất đang bị thu hẹp dần, bởi quá trình đô thị hóa. Các nhà cao tầng mọc lên sát cạnh vườn quất đã ảnh hưởng nhiều tới môi trường để quất phát triển.
“Không biết tới đời con, cháu tôi có còn đất để trồng quất hay không nữa”, chị Hường trăn trở. 
Mời quý độc giả xem video chị Lưu Thị Hường, chủ vườn quất Điệp Hường (làng Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ về thú chơi quất Quảng Bá của người Hà Nội. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

 
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)