"Hàn giang điếu vĩ"
Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Trung Quốc là một trong những bảo tàng sở hữu nhiều hiện vật hoàng gia và tác phẩm nghệ thuật nhất trên thế giới. Nơi đây trưng bày hơn 697.000 mảnh ghép lịch sử Trung Quốc từ thời đồ đá mới đến cuối triều đại nhà Thanh.
"Hàn giang điếu vĩ" (tạm dịch: Đánh cá trên sông lạnh) là bức tranh cổ đắt giá được trưng bày ở đây, tranh được vẽ bởi họa sĩ Lục Trị dưới thời nhà Minh. Thật ra tác giả tranh Lục Trị vốn không phải nhân vật lịch sử tiếng tăm. "Hàn giang điếu vĩ" có khổ tranh rất nhỏ, không to lớn vĩ đại như "Lạc thần phú đồ", "Thanh minh thượng hà đồ".
Không ít du khách đã phải thắc mắc vì sao bức tranh "nhạt nhòa" này lại được đứng chung hàng với những kiệt tác mỹ thuật trong lịch sử.
Theo các chuyên gia mỹ thuật, giá trị của"Hàn giang điếu vĩ" nằm ở chính những dấu ấn màu đỏ xuất hiện khắp các góc tranh: 10 con dấu trong số này thuộc về Hoàng đế Càn Long.
Toàn bộ bức "Hàn giang điếu vĩ" của tác giả Lục Trị. Hình ảnh: Baijiahao
Lịch sử ghi nhận, các vua chúa hay vương hầu sưu tầm tranh họa thường có thói quen lưu lại dấu tích của mình, có thể là ấn ký hoặc bút tích (đề thêm thơ, lời bình) để thể hiện niềm yêu thích với tác phẩm.
Càn Long là vị vua có tâm hồn đam mê nghệ thuật, ông yêu thích thưởng tranh, bình tranh. Phóng sự của CCTV khẳng định vị vua này đã nhiều lần đóng dấu và đề thêm thơ vào tranh, thư pháp nhằm giúp thế hệ hậu duệ hiểu được đây là những tác phẩm mà ông ngưỡng mộ, càng nhiều dấu, nhiều bút tích chứng tỏ ông càng yêu tranh.
Bức tranh "Hàn giang điếu vĩ" được Càn Long lưu 10 ấn ký bên trên, đây hẳn là một tác phẩm được vị hoàng đế nhà Thanh vô cùng trân trọng.
Cận cảnh chi tiết ông lão đánh cá ngồi co ro trên thuyền. Hình ảnh: Baijiahao
Vẻ đẹp của tác phẩm
"Hàn giang điếu vĩ" của Lục Trị được Hoàng đế Càn Long yêu thích là bởi cảm giác "thăng hoa" mạnh mẽ mà ý cảnh của bức tranh mang đến. Tuy tranh có bố cục chuẩn mực nhưng phong cách vẽ lại mang nhiều điểm độc đáo.
Toàn bộ không gian trong bức tranh được phủ đầy những bông tuyết trắng tinh khôi. Nhân vật chính là ông già đánh cá vô danh được đặt ở chính giữa, đang ngồi xổm trên thuyền, cuộn người trong một chiếc áo khoác cũng đã phủ đầy tuyết.
Đến cành cây cổ thụ bên cạnh cũng đẹp đến lạ kì, từ thân cành cho đến những chiếc lá ít ỏi cũng lấm tấm một lớp tuyết trắng.
Lời đề từ của bức tranh. Hình ảnh: Baijiahao
Cành cây khô lấm tấm tuyết rơi vươn lên giữa bức tranh "Hàn Giang điếu vĩ". Hình ảnh: Baijiah
Từ không gian hiu quạnh, cành cây khô và người đánh cá đơn côi đã diễn tả khung cảnh "đánh cá trên sông lạnh" một cách hoàn hảo. Không chỉ có sông lạnh mà cành cây, lão già đánh cá và cả con thuyền đều "lạnh". Với sự tài hoa trong nét vẽ và sự hài hoà giữa các chi tiết, hình ảnh ông lão đánh cá như hòa vào không gian, không còn cô đơn nữa.
Đặc biệt, tranh còn có lời đề từ của nhà thư pháp nổi tiếng Văn Chuỷ Minh ở góc trên cùng, điều này cho thấy không chỉ Càn Long mà nhiều thẩm định gia uy tín trong lịch sử cũng ngưỡng mộ tác phẩm này.