Việc xác định đã làm khoa học đương nhiên phải chấp nhận khó khăn giúp bà có đủ sức mạnh để kiên trì theo đuổi công trình này suốt 20 năm.
Bắt đầu từ nỗi đau
Niềm vui ký được biên bản hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm giải độc gan Naturenz với Công ty cổ phần dược Hậu Giang từ cuối năm 2016 dường như vẫn còn nguyên, nhà khoa học 72 tuổi thoăn thoắt mở iPad khoe những lời chúc mừng từ học trò, đồng nghiệp. Nét mặt hạnh phúc nhưng giọng nói pha chút bùi ngùi: “20 năm theo đuổi sản phẩm này, đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến lý do mình bắt đầu, nghĩ đến công sức của bản thân và cộng sự, tôi lại tiếp tục”.
Lý do bắt đầu mà bà nói đến là nỗi ám ảnh về những người lính nhiễm dioxin trở về từ chiến tranh với cơ thể lở loét, hoặc sinh ra những đứa con dị tật. Bà cảm nhận sâu sắc nỗi đau của họ như bằng chính cơ thể mình. Tháng 10/1980, khi Ủy ban quốc gia Điều tra hậu quả chiến tranh hóa học Việt Nam được thành lập, bà Dao - lúc đó vừa hoàn thành chương trình đào tạo tiến sỹ công nghệ sinh học ở Đức - đã hồ hởi tham gia. Mục tiêu của bà là bào chế thuốc khắc chế và bài tiết dioxin trong cơ thể người.
“Có nhiều hướng nghiên cứu được triển khai và tôi chọn các chất chống ôxy hóa mạnh từ tự nhiên như vitamin C hay hoạt chất từ tỏi, gấc. Qua kính hiển vi, tôi thấy nhân tế bào khi thử nghiệm trong các chất chiết xuất từ rau củ quả không bị vỡ ra như bình thường. Kết quả ban đầu khả quan đã thúc đẩy tôi tiếp tục theo đuổi nghiên cứu này khi dự án kết thúc, bằng cách chạy vạy nhiều nơi, xin đề tài từ cấp viện đến cấp nhà nước. Thời ấy khó khăn, thuốc chỉ được sản xuất bằng cách chiết tách các hoạt chất, trộn với chất độn (tinh bột) rồi dập viên thủ công và phát cho cựu chiến binh” - TS Dao kể và giải thích: “Vào lúc giao mùa, cựu chiến binh nhiễm dioxin thường bị bong tróc da nên cần có thuốc để chặn. Nhiều viên thuốc đã chảy nước mà các anh vẫn xin để uống. Nhu cầu bức thiết ấy là động lực để tôi tìm mọi cách cải tiến công thức loại giải độc gan này”.
Phó Giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dao trong buổi giới thiệu sản phẩm Naturenz. Ảnh: Kim Ngân.
Từ công thức đầu tiên ra đời năm 1998, bà đã nhiều lần cải tiến để có được sản phẩm Naturenz hiện tại. Chỉ định dùng thuốc từ chỗ chỉ có cựu chiến binh nhiễm dioxin nay đã mở rộng ra bệnh nhân nhiễm độc gan, suy giảm chức năng gan.
Một trong những người đã dùng sản phẩm của TS Nguyễn Thị Ngọc Dao trong 20 năm qua - cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa ở Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội - khẳng định, ông sống được là nhờ loại sản phẩm này: “Hồi năm 2000, tôi gần như đã cầm chắc cái chết khi chất độc dioxin phát tác. Sau đó, nhờ kiên trì dùng Naturenz trong 6 tháng liền, tôi đã khỏe mạnh, tóc vốn đã rụng sạch cũng mọc lại”. Ông Khoa cho biết vẫn thường xuyên mua sản phẩm này gửi sang Australia cho các con để khắc phục ảnh hưởng của dioxin. Em rể ông bị nhiễm độc gan do uống nhiều rượu, nhờ dùng Naturenz mà khoẻ hơn, bụng không còn trướng to nữa.
Coi khó khăn là chuyện đương nhiên
Khi tôi hỏi về điều quan trọng nhất đối với một nhà khoa học, PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dao quả quyết: “Đó chính là xác định con đường mình đi, mục tiêu mình sẽ đến. Còn để đi đến đích, gặp khó khăn là chuyện đương nhiên, bởi chẳng có con đường riêng dành cho vua chúa trong khoa học”.
Xác định như vậy, TS Dao đã không ngập ngừng khi đối mặt với những thách thức của một người phụ nữ làm khoa học trong hoàn cảnh đất nước khó khăn và giải quyết việc này một cách quyết đoán.
TS Nguyễn Thị Ngọc Dao hồi tưởng: “Năm 1981, khi nhận quyết định đi nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức, con gái tôi mới 6 tháng tuổi. Ông nhà tôi đã đảm nhiệm việc chăm con để vợ yên tâm đi học. Phải trải qua rất nhiều kỳ thi mới có một suất du học, hiểu được kỳ vọng của mọi người, lại sốt ruột con nhỏ ở nhà nên tôi dồn sức làm một mạch trong 3,5 năm để chóng về nước. Giáo sư hướng dẫn ấn tượng với những phát hiện của tôi trong đề tài và khuyên ở lại làm sau tiến sỹ; nhưng thời điểm đó tôi gần như kiệt sức và cũng nghĩ mình phải biết cân bằng công việc và gia đình nên quyết định về nước”.
Trở lại Việt Nam, cũng với cách đối diện khó khăn ấy, bà đã đi đến cùng trong nghiên cứu về thuốc giải độc gian, bởi đã sớm xác định đây là mục tiêu quan trọng. Là một trong những người nghiên cứu về sinh học phân tử đầu tiên ở Việt Nam, ngoài công trình trên, TS Nguyễn Thị Ngọc Dao còn đi sâu nghiên cứu các dị tật bẩm sinh do tổn thương gene ở bệnh nhân nhiễm dioxin, các loại enzym. Năm 2005, bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam nhờ nghiên cứu về enzym làm tan sợi máu đông.
Nói về nền công nghệ sinh học của nước nhà, nhà khoa học 72 tuổi đầy máu lửa: “Thế giới đang phát triển như vũ bão, nếu không nhanh chân, chúng ta sẽ lạc hậu mất. Nhà khoa học nếu có nghiên cứu tốt, đừng chỉ trông chờ vào doanh nghiệp trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, hãy tự mình đầu tư cho doanh nghiệp. Bởi nếu kinh doanh tốt, lợi nhuận thu được sẽ góp phần hoàn trả tiền đầu tư của Nhà nước. Vậy là được một công đôi việc”.
PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dao từng là Trưởng phòng Enzym học, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bà từng tham gia 40 đề tài, dự án nghiên cứu cấp nhà nước, bộ, ngành và cơ sở; công bố 110 công trình tại các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Nhóm nghiên cứu của bà tại Viện Công nghệ sinh học đã giành được 2 bằng độc quyền sáng chế và có nhiều sản phẩm nghiên cứu được đánh giá cao như sản xuất thuốc kháng sinh thế hệ mới. Nhóm cũng đã tạo ra 23 quy trình công nghệ chiết xuất hoạt chất quý để làm thuốc, nhân giống cây, con...