Sắc đẹp, ma lực quyến rũ và sự thông minh là chiếc chìa khóa vạn năng để “Cynthia” mở hết cánh cửa bí mật này đến cánh cửa bí mật khác liên quan tới chuyện quân cơ của phát xít Đức. Nhờ vậy, hàng vạn sinh linh đã được cứu rỗi. Còn “Cynthia”, vì nghĩa lớn, cô đã làm những việc mà “tôi biết là những người phụ nữ có tự trọng vừa nghe đã vội rút lui”.
Thậm chí, trên đường hoạt động, “Cynthia” còn phải đối mặt với không ít hiểm nguy, kể cả việc bị bắt, tống giam và khi đó, chỉ có tài năng mới giúp cô tự giải cứu mình khỏi cảnh “đứng giữa hai họng súng”.
Phu nhân ngoại giao
“Cynthia” tên thật là Amy Elizabeth Thorpe, nhưng bạn bè thường gọi cô bằng cái tên thân mật “Betty”, sinh ngày 22/11/1910 ở Minneapolis, bang Minnesot (Mỹ), trong một gia đình tương đối khá giả, bố làm sỹ quan cao cấp phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ. Từ nhỏ, Betty đã rong ruổi cùng với bố trên những nẻo đường hành quân khắp châu Âu. Trở về Mỹ một thời gian, bố Betty xin ra khỏi quân đội, đi học luật. Gia đình chuyển Betty đến sinh sống tại thủ đô Oashinhtơn.
|
Mỹ nhân thướt tha trong bộ váy cưới. |
Khi đó, Betty mới 18 tuổi, rực rỡ như một bông hồng hương nồng sắc thắm. Mái tóc vàng xõa xuống đôi bờ vai trắng tròn. Đôi mắt xanh thăm thẳm như muốn hút chìm cả thế giới đàn ông. Đặc biệt, thân hình của Betty thì ngay đến cả thần Vệ Nữ cũng phải ước ao. Betty đến Oashinhtơn, ngay lập tức cô đã trở thành tâm điểm của cánh mày râu. Những vệ tinh vây quanh Betty đủ loại quốc tịch, nghề nghiệp và địa vị, trong đó có không ít chàng công tử hào hoa, lịch thiệp.
Tuy nhiên, có một điều lạ là Betty không để mắt tới bất kỳ một chàng trai Mỹ nào. Trong suy nghĩ của Betty, dường như tất thảy những nam thanh niên Mỹ cùng trang lứa đều còn “hơi sữa”, thiếu chín chắn và một số thì thật đáng ghét. Rồi Betty gặp bí thư thứ hai Đại sứ quán Anh tại Mỹ, Arthur Pact, một tín đồ Thiên Chúa giáo người Ailen.
Arthur hơn Betty 20 tuổi, không có vẻ gì là đẹp trai, lại chậm chạp và thường xuyên bị vết thương trong Chiến tranh Thế giới thứ I giày vò. Betty đồng ý lấy Arthur, sự kiện đó như một cơn chấn động đối với gia đình và bạn bè cô. Không ai hiểu được sự lựa chọn của Betty.
Nhưng Betty rất rõ: lấy Arthur, cánh cửa bước vào giới ngoại giao sẽ mở ra. Tháng 3/1930, hôn lễ giữa hai người được tổ chức. Bước vào cuộc sống gia đình, mâu thuẫn về sự bất tương xứng giữa Betty và Arthur lộ diện. Những cuộc cãi vã liên tục nổ ra. Betty bắt đầu đi tìm sự an ủi trong những cuộc phiêu lưu tình ái và không ngờ rằng chính nó đã đẩy cô dấn thân vào những hoạt động bí mật.
Năm 1931, Arthur được điều sang Chilê làm ở phòng thương vụ Đại sứ quán Anh ở Santiêgô đê Chilê. Betty cặp kè với một nhân vật tai to mặt lớn ở đây. Hai người thường xuyên đi chơi polo với nhau, một việc rất hiếm gặp với phụ nữ thời bấy giờ. Sau đó, Arthur lại chuyển từ Chilê sang Tây Ban Nha công tác. Betty nhanh chóng tư tình với một sỹ quan cao cấp trong lực lượng không quân Tây Ban Nha.
|
Bìa cuốn sách viết về điệp viên Cynthya. |
Trước khi cuộc nội chiến bùng nổ ở Tây Ban Nha, Chính phủ Anh rất cần những thông tin tình báo đa chiều liên quan đến khả năng nội chiến ở Tây Ban Nha. Betty liền trở thành điệp viên nghiệp dư. Trên thực tế, Betty đã lấy được không ít thông tin tình báo quan trọng từ người tình và chuyển cho cơ quan tình báo Anh.
Những chiến công đầu tiên càng kích thích người phụ nữ ưa mạo hiểm này hoạt động mạnh mẽ hơn. Sau khi Tây Ban Nha nổ ra nội chiến, Betty càng tích cực hợp tác với Cơ quan tình báo bí mật Anh (The British Secret Intelligence Service). Betty nỗ lực cứu những vị mục sư Thiên Chúa giáo ra khỏi nhà tù, bày cách cho họ lọt qua phòng tuyến của phe Cộng hòa. Betty cũng ra tay cứu thoát một số phi công, tướng lĩnh ủng hộ nhà độc tài quân sự Franco khỏi cảnh ngục tù.
Nhưng những việc làm này đã gây ra không ít phiền toái, buộc Đại sứ quán Anh tại Mađrít đề nghị đưa Betty ra khỏi Tây Ban Nha vì khi đó, nhà độc tài quân sự Franco đã thể hiện xu hướng thân phát xít. Năm 1937, Arthur được lệnh công tác nhiệm kỳ tại Ba Lan. Betty theo chồng tới Vácsava và từ đó, cái tên “Betty” ngày càng trở nên nổi bật trong làng tình báo Anh.
Dấn thân vào hiểm nguy
Mùa hè 1937, vợ chồng Betty đến Vácsava. Gần bước sang tuổi 27, nhưng Betty vẫn như gái đang xuân. Cái đẹp cộng thêm vốn kiến thức sâu rộng, óc hài hước và sự vui nhộn, Betty càng làm cho những người đàn ông vừa gặp đã say. Xét ở khía cạnh nghiệp vụ tình báo, Betty có đủ cả hai yếu tố quan trọng làm nên một siêu điệp viên tình dục: lòng dũng cảm và sắc đẹp mê hoặc. Trong con mắt của Betty, gián điệp là nghề cao quý, phải đối mặt với nhiều thách thức và có thể thỏa mãn tính ưa mạo hiểm của cô.
Cũng như ở Tây Ban Nha, Betty bắt nhịp rất tốt với môi trường mới, nhanh chóng trở thành “nàng Monalisa” trong mắt các chàng thanh niên công chức thuộc bộ Ngoại giao Ba Lan. “Tự nhiên” và “tình cờ”, từ họ, Betty thu thập được rất nhiều tin tức tình báo liên quan đến phát xít Đức.
Chúng có giá trị đến nỗi người phụ trách mạng lưới điệp viên của Cơ quan tình báo bí mật Anh ở Vácsava đã trực tiếp đến gặp Betty và đề nghị cô: “Tìm mọi cách thu thập những thông tin tương tự, càng nhiều càng tốt”.
Quả thật, khi đó, người Anh rất khát tin tức, bởi bóng ma chiến tranh đang rình rập Ba Lan mà mạng lưới điệp viên của Cơ quan tình báo bí mật Anh ở Vácsava lại rất mỏng và yếu. Do đó, mọi thông tin do Betty cung cấp đều nhận được sự hoan nghênh từ Luân Đôn.
Nhưng để giữ an toàn, Betty được yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật, không cho chồng biết những công việc mình làm. May mắn là đúng lúc này Arthur bị tắc động mạch não, phải nhập viện, nên Betty càng có điều kiện giữ kín vỏ bọc của mình.
Chiến công lớn nhất của Betty ở Vácsava là việc tuyển dụng thành công phụ tá của Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Józef Beck, người thường xuyên được cử đi Séc và Đức thực hiện những sứ mệnh đặc biệt.
“Khi biết được anh ta giữ chức vụ quan trọng như vậy”, Betty kể lại cho người chắp bút hồi ức của mình, “tôi tìm mọi cách quyến rũ, mặc dù thành thực mà nói anh ta xấu ma chê quỷ hờn”. Để đổi lấy những phút giây thỏa mãn bên người tình, anh chàng này nhiều lần lấy tài liệu cơ mật ở văn phòng bộ trưởng chuyển cho Betty sao chép, rồi để lại chỗ cũ, trong số đó không thể không kể đến bản vẽ chi tiết máy mật mã Enigma (bí hiểm) của phát xít Đức.
Những nhà lãnh đạo Cơ quan tình báo bí mật Anh đã không tin vào mắt mình khi nhìn thấy bản vẽ chi tiết máy mật mã Enigma của phát xít Đức nằm trên bàn. Bởi trước đó, để tìm kiếm Enigma, tình báo Anh đã huy động một lực lượng đông đảo, thậm chí ở một chừng mực nhất định còn chìa tay hợp tác với tình báo Mỹ, nhưng vẫn vô vọng. Giờ đây, người lập được chiến công lớn lại là một điệp viên nghiệp dư, một sự thật khó chấp nhận, khiến nhiều người cảm thấy ganh tỵ. Nhưng dầu sao cái tên Betty đã lọt vào mắt William Stephenson, ông trùm tình báo Anh.
Tiếp tục vai diễn tình nhân, Betty thường xuyên cùng viên phụ tá của ngài bộ trưởng đi đây đi đó, lúc tới Praha, khi đến Béclin. Mặc dù không phải là chuyên gia mật mã, thậm chí còn không có tý kiến thức gì về lĩnh vực phức tạp này, nhưng khi trở về từ Đức, Betty vẫn có được một số bản tin tình báo liên quan tới hệ thống mật mã của quân đội phát xít.
Stephenson cho rằng một vài trong số những tin tình báo Betty cung cấp, người Anh đã biết, nhưng không có nghĩa bị bỏ xó. Bởi nó giúp tình báo Anh kiểm chứng sự thật, giả của những thông tin lấy từ nguồn khác. Điều quan trọng là phần nhiều trong số tin tình báo Betty cung cấp là nóng hổi và rất có giá trị.
Trong bút ký của mình, ông trùm tình báo Anh viết: “Betty là một điệp viên có giá trị và có thể hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn, trọng đại. Ở Ba Lan, Betty ngày càng có những biểu hiện xuất sắc. Điều này khiến Cơ quan tình báo Anh không thể không xem xét việc đưa Betty tới những đấu trường lớn hơn”.
Và để tạo cớ, tình báo Anh tung tin Betty bị nghi ngờ là đã cung cấp tin cơ mật cho nhân viên tình báo Đức đội lốt quan chức ngoại giao qua người tình của mình. Do khi đó, ở Vácsava, ai cũng biết phụ tá của Bộ trưởng Józef được giao nhiệm vụ thuyết phục người Đức ký hiệp định hòa giải với Ba Lan, cho nên tin đồn này đã không gây ra sự nghi ngờ từ phía người Ba Lan.
Cũng đúng lúc này sức khỏe của chồng Betty khá lên nhiều. Bộ Ngoại giao Anh quyết định điều Arthur trở lại Chilê công tác. Với cương vị phu nhân ngoại giao, Betty buộc phải theo chồng rời Vácsava sang Santiêgô đê Chilê. Đương nhiên Betty hoàn toàn không biết gì về kế hoạch điều chuyển địa bàn hoạt động cho mình. Thậm chí, cô còn cho rằng đây là hậu quả của trò “chọc ngoáy” của bà đại sứ.