Những trận đánh xuất quỷ nhập thần của "độc nhãn tướng quân" huyền thoại VN

Google News

Độc nhãn tướng quân Nguyễn Bình là Tư lệnh đầu tiên của Quân khu 7. Ông có công trong việc thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ và nổi tiếng với những trận đánh sáng tạo, xuất quỷ nhập thần.

"Bình thiên hạ"
Độc nhãn tướng quân Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo sinh năm 1908 tại Hưng Yên. Năm 1928, ông tham gia Việt Nam Quốc dân đảng, sau đó bị bắt và đày ra Côn Đảo 5 năm. Tại đây, ông được giác ngộ nên chuyển dần từ lập trường Quốc dân Đảng sang lập trường Cộng sản. Chính điều này khiến Quốc dân Đảng coi ông là kẻ phản bội và quyết định thanh trừng. Nhờ tài trí, ông thoát chết nhưng bị mất một mắt. Tên gọi tướng độc nhãn là vì thế.
Nhung tran danh xuat quy nhap than cua
 Độc nhãn tướng quân Nguyễn Bình
Năm 1935, ông được thả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng và đổi tên thành Nguyễn Bình với ý nghĩa “bình thiên hạ”.
Ông bí mật mua súng đạn, vũ khí cho cách mạng, lập đội vũ trang tuyên truyền Đông Triều. Nghe tin Nhật đánh đồn Bảo an Chí Linh, ngày 8/6/1945, đội vũ trang tiến hành nổ súng trên quốc lộ 18, diệt 4 đồn phá kho thóc của giặc phát cho nhân dân. Chiều cùng ngày, đội vũ trang tuyên truyền Đông Triều tuyên bố chính thức thành lập chiến khu Đông Triều. Sau này, Nguyễn Bình được tiến cử làm “Thủ lĩnh” Đệ tứ Quân khu.
“Khai sinh” lực lượng Biệt động thành, Tự vệ thành
Cuối năm 1945, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Nguyễn Bình được Bác Hồ tin tưởng cử vào Nam Bộ, để thống nhất các lực lượng vũ trang. Trước khi đi Nam, đại diện thành phố Cảng trao tặng ông khẩu súng lục để làm kỷ niệm, Nguyễn Bình nói: “Nếu để Nam Bộ mất, Nguyễn Bình sẽ chết với khẩu súng này”.
Đơn thương độc mã, không mang theo một người lính, ông lên tàu vào Nam. Con người có tài thao lược ấy từng một thời “Bắc chiến” lặng lẽ “Nam chinh”.
Ngày 23/10/1945, ông có mặt tại Thủ Dầu Một và bàn về việc thống nhất các lực lượng kháng chiến tại Nam Bộ. Trong Hội nghị, ông kêu gọi các lực lượng vũ trang hãy gác bỏ mọi khác biệt riêng tư, tập hợp thành một lực lượng thống nhất. Hội nghị thống nhất bầu Nguyễn Bình làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ.
Ngày 12/12/1945, Tư lệnh Nguyễn Bình quyết định thành lập Trường Quân chính Miền Đông để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng đi đôi với công tác đào tạo cán bộ quân sự, phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài. Một bộ phận trong các khóa học này này được ông chọn lựa và trực tiếp đưa về Sài Gòn thành lập lực lượng có tên là Ban Công tác thành. Đây chính là tiền thân của Biệt động Sài Gòn nổi tiếng sau này. Ông đã để lại một câu nói nổi tiếng: “Các đồng chí về thành, rừng người bảo vệ các đồng chí còn tốt hơn rừng cây”.
Ngoài ra, ông còn xây dựng lực lượng Tự vệ thành. Nhiệm vụ của Tự vệ thành là đưa chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân vào trong lòng địch, bước đầu xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân theo chỉ thị “kháng chiến kiến quốc” của Trung ương Đảng.
Việc tổ chức lực lượng Biệt động thành, Tự vệ thành là quyết định rất kịp thời. Hai lực lượng này đã có những trận đánh xuất quỷ nhập thần ngay trong lòng địch.
Đặc biệt, chính Nguyễn Bình đã trực tiếp chọn lựa người, bồi dưỡng về hoạt động trong lòng địch và đích thân ông đưa họ vào nội thành Sài Gòn. Bản thân tướng Nguyễn Bình cũng rất nhiều lần “đơn thương độc mã” xâm nhập Sài Gòn. Tuy nhiên, những chuyến đi thần tốc của ông khiến hệ thống mật thám dày đặc của Pháp không làm gì được.
Với những cống hiến của mình cho cách mạng, năm 1948, ông được phong hàm Trung tướng trong đợt phong tướng đầu tiên cho Quân đội nhân dân Việt Nam.
Diệt tháp canh bằng lối đánh sáng tạo
Từ năm 1949, thực dân Pháp đẩy mạnh kế hoạch bình định Nam Bộ và ráo riết thực hiện chiến thuật tháp canh, thiết lập hệ thống đồn bốt tháp canh dày đặc. Riêng miền Đông Nam Bộ và Khu 8, tính đến giữa năm 1949, số lượng quân Pháp lên tới 51.000 người với gần 2.000 tháp canh kiên cố được bố trí theo mô hình mạng nhện.
Nhung tran danh xuat quy nhap than cua
Tướng Nguyễn Bình hi sinh ngày 2/9/1951.
Để đánh thắng giặc, Bộ Tư lệnh Khu 7, đứng đầu là tướng Nguyễn Bình và Tỉnh đội Biên Hòa xây dựng hoàn chỉnh cách đánh mới đó là sử dụng mìn lõm phá tường (gọi tắt là FT) và một loại mìn khác gọi là Pê-ta chuyên để đánh tháp canh. Đích thân trung tướng Nguyễn Bình đã chỉ đạo, quyết định cho các lực lượng nhanh chóng áp dụng cách đánh này trên toàn chiến trường miền Nam, sau đó là các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ, ra Khu 5 và cả nước.
Từ đây, cách đánh tháp canh được bộ đội ứng dụng rộng rãi trong cách đánh lô cốt, cầu cống, đồn bốt, kho tàng, hình thành một chiến thuật tiến công đặc biệt, gọi là cách đánh đặc công. Hệ thống tháp canh mạng nhện của Pháp bị phá hủy hoàn toàn.
Năm 1951, Trung tướng Nguyễn Bình ra Bắc để báo cáo tình hình Nam Bộ, trên đường đi ông bị phục kích và hi sinh ngày 2/9/1951 tại tỉnh Raptanakiri (Campuchia).
Tới tận năm 2000 hài cốt của ông mới được tìm thấy. Lễ truy điệu và mai táng hài cốt liệt sĩ - Trung tướng Nguyễn Bình được tổ chức trọng thể tại nghĩa trang liệt sĩ TP. HCM. Ông được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện cả Hà Nội và TP HCM đều có đường mang tên ông.
Sơn Hà (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)