1. Lời Nguyền Của vua Casimir
Vài ngày sau khi các nhà khảo cổ mở ngôi mộ của vua Casimir IV Jagiellon năm 1973, 4 trong số 12 nhà nghiên cứu bất ngờ chết bất đắc kỳ tử. Trong vài năm sau đó, nhiều nhà nghiên cứu tham gia vào dự án khai quật mộ vua Casimir tiếp tục mất mạng vì bệnh ung thư cũng như những căn bệnh chết người khác.
Ước tính, ít nhất 15 người từng tiếp xúc với hài cốt vị vua Ba Lan đã thiệt mạng. Nhiều người tin rằng, những cái chết này có liên quan đến Lời nguyền của vua Casimir nhằm trừng phạt bất cứ ai dám tiếp cận ngôi mộ, xâm phạm đến thế giới vĩnh hằng của ông.
Sinh năm 1427, vua Casimir lập được nhiều chiến công và từng xây dựng được một trong những triều đại mạnh nhất châu Âu. Khi ông vua này băng hà năm 1492, thi thể của ông nhanh chóng bị phân hủy vì thời tiết xấu. Các nhà ướp xác đã vội vàng ướp xác và bịt kín quan tài của ông bằng nhựa thông. Việc làm này vô tình tạo ra một quả bom gây bệnh.
Các nhà khoa học khẳng định, "lời nguyền" thực sự của vua Casimir là một loại nấm độc chết người tên là Aspergillus flavus. Đây là loại nấm độc có thể được tìm thấy trong các xác chết và những ngôi mộ cổ. Loại nấm độc này tấn công mọi thứ xung quanh ngay khi chiếc quan tài bằng gỗ mục rữa được mở ra.
Chính loài nấm độc kinh người này cũng là "hiện thân thật sự" của lời nguyền cổ xưa vua Tutankhamun từng giết chết nhiều nhà khoa học Ai Cập.
2. Lời nguyền chết chóc của Jacques De Molay
Vào thế kỷ thứ 12, các Hiệp sĩ Templar là một trong những tổ chức quyền lực bậc nhất ở châu Âu. Trong các cuộc thập tự chinh, họ tích lũy được những khối tài sản khổng lồ. Có tin đồn họ đã tìm thấy kho báu bị lãng quên của vua Solomon. Sau chiến dịch mở rộng ở Trung Đông, Jacques de Molay trở thành người đứng đầu của tổ chức Hiệp sĩ Templar năm 1292.
Vua Pháp Philip IV bắt đầu vay mượn của tổ chức Hiệp sĩ Templar mà không bao giờ chịu trả nợ. Năm 1307, vua Philip cùng Giáo hoàng Clement V đã lật đổ tổ chức Hiệp sĩ Templar, bắt giữ thủ lĩnh của nhóm này Jacques de Molay. Ông này bị tra tấn trong suốt 7 năm bị cầm tù và cuối cùng là bị thiêu sống năm 1314.
Trước khi chết, de Molay đã buông lời nguyền đối với những kẻ thù của ông, rằng cả vua Philip cùng Giáo hoàng Clement V sẽ bị chết trong vòng 1 năm và dòng dõi Philip sẽ bị xóa sổ. Kết quả là, Giáo hoàng Clement V sớm qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo còn vua Philip bị chết vì đột quỵ. Đến năm 1328, tất cả các con trai và cháu trai của vua Philip đều chết hết. Nhiều người tin rằng, lời nguyền chết chóc của Jacques de Molay đã ứng nghiệm.
3. Bảng lời nguyền Pella
Năm 1986, các nhà khảo cổ đã khai quật được một bảng lời nguyền ở Pella, thủ đô của Vương quốc Macedonia cổ xưa (ở phía bắc của Hy Lạp). Bảng lời nguyền này được tạo ra giữa gia đoạn từ năm 375 đến 350 trước Công nguyên. Tác giả của bảng lời nguyền này là Dagina. Theo đó, Dagina đã cầu xin thần linh trừng phạt người đàn ông phụ bạc mình tên là Dionysophon. Người đàn ông Dionysophon khi đó sắp cưới một phụ nữ khác. Dagina đã viết lời nguyền cầu xin thần linh đưa Dionysophon trở về bên mình. Phân tích ngôn ngữ được sử dụng trên bảng lời nguyền Pella các nhà khoa học tin rằng, Dagina là một phụ nữ ở tầng lớp thấp.
4. Lời nguyền của giếng thiêng
Năm 2016, các nhà khảo cổ học vừa phát hiện một giếng cổ được cho là bị nguyền rủa gần Liverpool.
Theo đó, tương truyền, trong thế kỷ 16 đã xảy ra một vụ tranh chấp một chiếc giếng thiêng. Nước ở trong giếng này được cho là có tác dụng chữa bệnh. Cha cố Delwaney của một tu viện gần đó và chúa đất Hugh Darcy đều tuyên bố là chủ sở hữu của giếng thiêng. Darcy tuyên bố rằng cha cố Delwaney sẽ không được quyền tới giếng thiêng nữa.
Hai ngày sau, quân đội của vua Henry VIII chiếm tu viện và giếng thiêng. Tức giận, cha cố Delwaney đã nguyền rủa chúa đất Darcy ngay trước khi chết bất đắc kỳ tử sau đó.
Lời nguyền dường như ứng nghiệm sau khi con trai của Darcy bị chết vì một căn bệnh không rõ nguyên nhân còn bản thân chúa đất Darcy bị mất một khối lượng lớn tài sản. Một năm 1 ngày sau đó, Darcy bị phát hiện chết dưới đáy giếng với cái đầu bị nghiền nát.
5. Lời nguyền của bà chủ quán rượu ở Athen
Năm 2003, các nhà khảo cổ khai quật được hài cốt đã hỏa táng của một phụ nữ Athen cổ đại cùng với 5 bảng lời nguyền. Niên đại của chúng là thế kỷ thứ 5 trước CN. Người Hy Lạp cổ đại có tục chôn lời nguyền xuống đất. Các nhà nghiên cứu cho rằng, người đàn bà Athen đã viết lời nguyền. Sau đó, sau khi bà chết, gia đình đã chôn bà cùng các bảng lời nguyền để gửi lời nguyền xuống địa ngục.
Theo nghiên cứu, người đàn bà được cho là một chủ quán rượu và các lời nguyền được tìm thấy bên cạnh hài cốt của bà mang động cơ thương mại. Bốn trong số 5 bảng lời nguyền có chữ khắc đều nhắm mục tiêu nguyền rủa các chủ quán rượu khác nhau. Một tấm bảng còn lại bị để trống.
Mời quý độc giả xem video những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ (nguồn Youtube):