Sau khi nắm quyền làm chủ Trung Hoa, Thanh triều đã rút ra không ít kinh nghiệm từ những biến cố thái giám chuyên quyền dưới thời nhà Minh.
Bởi vậy mà giai cấp thống trị của vương triều này càng thêm nghiêm khắc trong việc quản lý hoạn quan. Cũng từ đó, hàng loạt các hình phạt nghiêm khắc dành riêng cho tầng lớp này đã ra đời.
Trong số này, có những phương thức xử phạt thậm chí còn ám ảnh các thái giám, hoạn quan đương thời hơn cả án tử.
Điểm danh những hình phạt được cho là "nhẹ" đối với các thái giám Thanh triều
Dưới thời nhà Thanh, hầu hết các hoạn quan chẳng những phải lao động khổ cực mà còn không có nhiều cơ duyên được chạm tới quyền lực.
Để giám sát nhất cử nhất động của tầng lớp này, Thanh triều đã thiết lập hàng loạt các hình phạt nghiêm khắc cho từng tội danh, ví dụ tội đánh bạc, bỏ trốn, ăn trộm đồ đạc…
Theo Qulishi, vào thời bấy giờ, những hình phạt được xếp vào dạng "tương đối nhẹ" chủ yếu gồm 3 loại dưới đây.
Thứ nhất: Cắt ngày phép.
Những thái giám mắc sai phạm sẽ không được phép xin nghỉ, tức là trong một kỳ hạn nhất định sẽ bị cắt phép, không được xuất cung, bất kể là ông bà hay cha mẹ qua đời cũng không có ngoại lệ.
Thứ hai: Ép phải thay đổi công việc.
Hình phạt này tương tự như hình thức điều động nhân sự, thế nhưng điểm đáng nói là các hoạn quan mắc lỗi sẽ bị phái đi làm những công việc mệt nhọc hơn, kém sạch sẽ hơn.
Thứ ba: Giáng chức.
Ngay cả các thái giám có cấp bậc cao thì một khi phạm tội hay bị liên đới do thuộc hạ mắc sai phạm đều có thể bị giáng cấp, thậm chí cách chức.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Những hình thức xử phạt nặng nề hơn
Bên cạnh đó, những hình thức xử phạt bị cho là nặng có 3 loại, bao gồm cả tử hình. Hình thức xử tử nói riêng được chia làm các loại: Trượng tệ, xử trảm, lăng trì, trảm giam hậu, giảo giam hậu.
Trượng tệ: Sử cũ ghi lại, vào năm 1898, sau khi Trân Phi bị Từ Hi Thái hậu giam lại, các thái giám bên người cũng không tránh khỏi bị liên lụy. Trong đó, có 4 người bị đánh bằng gậy gỗ cho tới chết.
Xử trảm: Theo luật lệ Thanh triều, phàm là thái giám dùng dao đả thương người khác hoặc cất giấu vũ khí trong nội cung đều sẽ bị chặt đầu.
Lăng trì: Thái giám can thiệp chính vụ sẽ lập tức bị xử tử bằng hình thức lột da.
Trảm giam hậu: Hoạn quan hút nha phiến trong nội cung đều sẽ bị xử tử bằng phương thức chém đầu. Tuy nhiên nếu vụ việc có nghi vấn thì trước khi thi hành án sẽ bị giam giữ một thời gian để điều tra, xem xét.
Giảo giam hậu: Thái giám trong nội cung một khi tự sát mà được cứu sống, hoặc say rượu gây chuyện thì sẽ bị treo cổ tới chết. Thế nhưng tương tự như "trảm giam hậu", một khi vụ việc xuất hiện nghi vấn thì hoạn quan sẽ bị giam lại để xem xét, điều tra trước khi thi hành án.
Bên cạnh các phương thức xử tử hình nói trên, Thanh triều còn tương đối ưa chuộng việc thi hành trượng hình với các thái giám, hoạn quan trong cung, tức là trừng phạt bằng cách dùng gậy lớn để đánh.
Theo đó, các thái giám nếu đánh nhau mà bị phát hiện thì sẽ phải chịu 60 đại bản.Tương tự như vậy, nếu ngủ gật khi đi trực đêm hoặc lớn tiếng gây náo động hay làm hỏng đồ trang trí trong cung, không tuân theo lệnh của thượng cấp… những tội danh này đều sẽ bị phán 40 đại bản.
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Thông thường thì hình phạt nói trên ít khi gây chết người, tuy nhiên sẽ đem lại nỗi đau đớn trầy da tróc thịt, ít nhất cũng phải dưỡng thương 1, 2 tháng.
Thậm chí sau khi đã chịu trượng hình, các hoạn quan, thái giám này còn phải nén đau để tới trước mặt chủ nhân... dập đầu tạ ơn.
Hình phạt ám ảnh hơn cả tử hình với các hoạn quan nhà Thanh
Hình thức xử phạt cuối cùng, cũng là hình phạt ám ảnh các thái giám hơn cả án tử chính là đeo gông cùm.
Hình phạt này có thể có kỳ hạn từ 1 đến 2 tháng, có khi là 1 đến 2 năm, hoặc thậm chí đối với những tội nghiêm trọng thì có thể phải đeo gông cả đời.
Hơn nữa, loại hình xử phạt nói trên còn thường đi cùng những hình phạt khác như trượng hình, giam giữ, lưu đày…
Trong số đó, ám ảnh hơn cả là 2 loại dưới đây.
Thứ nhất, thái giám trốn tới Đông Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây hay các tỉnh khác, một khi bị bắt được hoặc tự đầu thú trở về đều sẽ bị phạt đeo gông cả đời.
Thứ hai, thái giám hút nha phiến ngoài hoàng cung sẽ bị phán án đeo gông vĩnh viễn, đồng thời bị lưu đày biên cương, dù đến dịp đại xá thiên hạ cũng không được ân xá.
Cái gọi là đeo gông vĩnh viễn thực chất là mang gông xiềng nặng tới mấy chục cân và bị nhốt trong phòng tối nhỏ hẹp cho đến lúc chết.
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Cũng bởi vậy mà đây được xem là hình phạt khiến các thái giám Thanh triều khiếp sợ hơn cả. Bởi lẽ dù không mang lại đau đớn tức thì về thể xác, nhưng hình thức xử phạt nói trên lại tra tấn từ từ cả về thể chất lẫn tinh thần, khiến cho phạm nhân dần chìm trong tuyệt vọng.
Vì thế mà có không ít hoạn quan thời xưa thà rằng phải chọn những hình phạt đau đớn, thậm chí sẵn sàng tình nguyện bị lấy mạng cũng không muốn phải nhận bản án đeo gông cùm cả đời.
Dưới sự uy hiếp của hàng loạt những hình phạt nói trên, toàn bộ lịch sử Thanh triều dường như không có mấy hoạn quan, thái giám cả gan tham gia vào các tranh đấu chính trị.
Tất nhiên tới cuối thời nhà Thanh, khi triều chính trở nên hỗn loạn, việc một số hoạn quan có cơ hội vươn lên như An Đức Hải hay Lý Liên Anh xuất hiện cũng là điều khó tránh khỏi.
Thế nhưng so với những vương triều trước, các thái giám Thanh triều nhìn chung vẫn được xem là an phận thủ thường hơn rất nhiều.