Ông già sống bên thùng rác trở thành sư phụ môn phái Vịnh Xuân quyền
Võ sư bạch mi Lương Tướng tự hào thi triển một kỹ thuật tự vệ trước lớp học của ông: đá sang bên, túm lấy, đấm vào đối phương. Lương Tướng biểu diễn các chiêu thức này một cách nhuần nhuyễn và chuẩn xác, điều mà người ta có thể kỳ vọng từ bất kỳ bậc thầy võ thuật nào đã có 20 năm luyện tập. Sau đó, các võ sinh tập theo động tác của ông.
Nhưng ở phía dưới phòng, một người đàn ông lớn tuổi quay mặt đi, cố giấu lấy một tiếng cười. “Đá sang bên! Túm lấy! Đấm!” Người đàn ông dựa lưng vào tường khi tiếng hô của Lương vẫn đều đều vang lên. Giờ thân hình ông rung lên, do phải cố che giấu cảm giác buồn cười đang trào lên bên trong mình. Cuối cùng, nỗ lực kiềm chế thất bại và những tiếng cười thầm đột nhiên biến thành một tràng cười lớn, khoái trá.
Ngay lập tức Lương Tướng dừng lớp học, gương mặt đỏ lựng vì tức. “Này lão kia!” ông hét tướng lên. “Lão cười cái quái gì thế?“. “Ồ chẳng có gì đâu”, người đàn ông trả lời. “Làm ơn hãy tiếp tục. Tôi sẽ không làm phiền tới các vị nữa“.
|
Diệp Vấn lúc sinh thời.
|
Lương Tướng hít một hơi căng lồng ngực rồi rảo bước về phía cuối phòng. Ông vẫn đang rất cáu. “Này lão kia, cách đây vài tháng, chúng tôi thấy ông đang sống bên cạnh mấy thùng rác ở Macau,” Lương cất lời. “Chúng tôi đã đưa ông tới võ đường. Chúng tôi cho ông đồ ăn, cho chỗ để ngủ. Ít nhất ông cũng phải thể hiện sự tôn trọng khi tôi đang dạy học chứ“.
Người đàn ông lớn tuổi sững người. Có phải Lương vừa nói tới từ “tôn trọng”?“Vậy thì ít nhất ông cũng phải thể hiện chút tôn trọng với món võ mà mình đang dạy chứ”, ông vặc lại. “Tất cả những gì ông làm chỉ là yêu cầu học trò đấm vào không khí”. Rồi ông nhanh chóng lướt qua các chiêu thức của Lương: đá sang bên, túm, đấm. “Nhưng không khí có đánh lại người ta đâu. Liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ đối mặt với một kẻ thù sẽ đánh lại mình?”.
Rồi ông lắc đầu nói tiếp: “Nếu muốn học võ, anh phải thật nghiêm túc, còn không thì dẹp đi!“.
“Nghe này lão kia”, Lương Tướng cáu tiết hét ầm lên, “nếu lão nghĩ mình biết gì đó, sao không lên đây múa vài đường cho ta mở mắt xem sao?”. Với lời thách thức từ Lương Tướng, trong ngày đó của năm 1952, Diệp Vấn (Yip Man) chính thức mở cánh cửa sự nghiệp dài 20 năm trong vai trò một bậc thầy võ thuật, sư phụ của phái Vịnh Xuân.
Có chiều cao chỉ gần 1 mét 6 và nặng hơn 50kg, Diệp Vấn đã dễ dàng ném Lương, người có chiều cao tới 1 mét 8 và nặng tới gần 100kg về phía bên kia của phòng tập mà chẳng gặp khó khăn gì. Không cần biết Lương tấn công ra sao, Diệp Vấn luôn tấn vững trên sàn tập.
Sau màn đối đầu ấy, Lương Tướng đã dâng tặng võ đường của ông tại Tổng hội công chức Hương Cảng Cửu Long Phạn Điếm cho Diệp Vấn và trở thành đệ tử đầu tiên của bậc thầy này.
Quá khứ của một bậc thầy
Diệp Vấn không vui vẻ chấp nhận vai trò mới này trong cuộc đời. Trước Thế chiến 2, ông là thành viên của một gia đình buôn bán giàu có tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông sở hữu một dinh thự lớn, một hoạt động kinh doanh phát đạt và một nông trại. Ông an hưởng cuộc sống êm ấm với vợ con, gia đình.
Từ năm 1937 tới năm 1941, Diệp Vấn phục vụ trong quân đội Trung Quốc chống lại hoạt động xâm lược của phát xít Nhật. Ông trở lại Phật Sơn trong những năm quân Nhật chiếm đóng. Đó là giai đoạn khó khăn. Nông trại của ông bị tàn phá và vợ ông thì ốm nặng.
Cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật kết thúc không mang tới nhiều thay đổi. Trung Quốc cần tái xây dựng các thành phố và thị trấn bị tàn phá, nhưng lại vướng vào nội chiến. Chính quyền Quốc dân đảng tuyển dụng Diệp Vấn, bổ nhiệm ông vào vị trí đại úy phụ trách lực lượng cảnh sát tuần tra Quận Nam Hải, thành phố Phật Sơn.
|
Lý Tiểu Long bên cạnh sư phụ Diệp Vấn.
|
Dù công việc này giúp cải thiện đời sống của Diệp Vấn, nó đã không giúp ông cứu sống được vợ mình. Bà chết vì căn bệnh nan y.
Sau khi những người cộng sản giành chính quyền ở Trung Quốc vào năm 1949, Diệp Vấn để hai đứa con trai đã trưởng thành ở Phật Sơn rồi lẩn trốn tới Hong Kong. Nếu ở lại, vai trò đại úy cảnh sát của chế độ cũ sẽ khiến ông sẽ gặp kết cục không hay. Vì thế, ở tuổi 51, Diệp Vấn phải bắt đầu lại cuộc sống của mình.
“Khi thay đổi thể chế diễn ra, ông mất phần lớn của cải“, Trương Trác Khánh, một trong các học trò của Diệp Vấn cho biết. “Ông chỉ còn lại chút tài sản mang theo bên mình, gồm tiền mặt, các thoi vàng… Nhưng Phật Sơn là một chốn rất nhỏ bé nếu so với Hong Kong và Macau. Có rất nhiều gã lừa đảo hoạt động ở đó và Diệp Vấn lập tức mất tiền vì những kẻ này“.
“Sau đó, nỗi đau khổ của việc mất nhà, mất vợ và xa cách các con đã đánh quỵ ông. Diệp Vấn trở nên mất phương hướng và có lẽ là tủi hổ về con người mình. Chẳng mấy chốc, ông lâm vào cảnh sống cơ cực, bần hàn“, Trác Khánh kể.
Đó là khi Lương Tướng và một anh bạn có tên Thành Khảo tìm thấy Diệp Vấn đang lang thang quanh mấy thùng rác ở Macau. Ông dường như đã sống cảnh vô gia cư. Họ không hề biết ông là bậc thầy võ thuật. Họ chỉ tỏ ra tử tế với ông. Thực tế họ sẵn lòng giúp bất kỳ ai nên đã đưa ông về võ đường ở Tổng hội công chức Hương Cảng Cửu Long Phạn Điếm.
Khi Diệp Vấn bắt đầu dạy võ ở đây, Lương Tướng, Lạc Diệu và Thành Khảo là các học trò đầu tiên. Rồi những người khác tìm tới, như Từ Thượng Điền. Tất nhiên, do đã là một bậc thầy võ thuật, Lương Tướng tiến bộ nhanh hơn nhiều những người khác.
Diệp Vấn nhanh chóng chứng tỏ mình là một bậc thầy khác người. Trương Trác Khánh nhớ lại rằng trong 7 năm theo học Diệp Vấn, ông hiếm khi thấy thầy trực tiếp dạy học. Diệp Vấn thường ở phía sau võ đường, giám sát các trợ giảng và chỉnh sửa các động tác sai của những võ sinh ông thích nhất. Hoạt động dạy học thực sự thường do Lương Tướng, Lạc Diệu, Từ Thượng Điền, Hoàng Thuần Lương và Trương Trác Khánh đảm nhiệm.
Trương Trác Khánh nói Diệp Vấn chỉ tự dạy học trò trong vài tình huống, như với các khách hàng sẵn sàng chi nhiều tiền để được ông làm “gia sư”. Nhưng ông cũng chỉ biểu diễn kỹ thuật một lần trên mộc nhân, còn phần luyện tập lại để cho Trương Trác Khánh chỉ đạo.
Các buổi dạy của Diệp Vấn thường gồm nhiều hình thức luyện tập khác nhau, gồm tập đòn khóa tay, luyện tập với mộc nhân và giao chiến tự do. Không có công thức chung nào cho từng buổi tập. Mỗi trợ giảng được phép thêm các yếu tố cá nhân vào những bài tập.
Thi thoảng, Diệp Vấn lại đấu đòn khóa tay với một vài học trò. Nhưng các màn đấu đó cũng chỉ kéo dài có vài giây. Diệp Vấn sợ rằng nếu đấu quá nhiều với một người trình độ thấp hơn, kỹ thuật của ông sẽ suy giảm. Ví dụ ông sẽ phải giảm tốc độ xuống để khai mở chiêu thức cho người này.
Diệp Vấn có phong cách nói năng nhẹ nhàng. Ông thích dạy dỗ bằng cách đưa ra nhiều gợi ý và ví dụ hơn là dùng lời nói sáo rỗng. Ông yêu cầu học trò không được bắt nạt người khác, hoặc hành xử thô lỗ, ngạo mạn. Ông cũng cố để tránh không cho học trò chiến đấu với các băng đảng ở Hong Kong, dù có khuyến khích học trò tham gia các cuộc thi.
Từ những ký ức của Lý Tiểu Long
Trong cuốn Bruce Lee: The Man Only I Knew ( Lý Tiểu Long: Người đàn ông chỉ mình tôi hiểu – Warner Books, 1975), Linda Lee Cadwell đã trích dẫn một bài luận mà chồng bà, chính là Lý Tiểu Long, viết trong một lớp học tiếng Anh vào năm 1961. Bài luận đã nêu bật các chiến thuật mà Diệp Vấn sử dụng để gây ảnh hưởng lên các học trò.
“Sau 4 năm tập luyện võ thuật vất vả, tôi bắt đầu hiểu và cảm nhận được nguyên tắc dùng nhu khắc cương – nghệ thuật vô hiệu hóa nỗ lực tấn công của đối phương và giảm tiêu hao sức lực tối đa. Tất cả những điều này phải được thực hiện trong sự bình tâm, không vội vã. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực hành vô cùng khó khăn.
Khoảnh khắc tôi giao chiến với một đối phương, tâm trí của tôi hoàn toàn hỗn loạn và bất ổn. Đặc biệt là sau khi lãnh một vài đòn đấm đá của đối phương, lý thuyết về dùng nhu chế cương của tôi tan biến. Suy nghĩ duy nhất còn đọng lại trong đầu tôi là phải hạ đối thủ bằng mọi giá”, Lý Tiểu Long viết.
|
Diệp Vấn đã truyền thụ võ công cho Lý Tiểu Long.
|
“Thầy Diệp Vấn của tôi, đứng đầu một trường dạy Vịnh Xuân quyền, thường nói với tôi rằng: “Hãy thư giãn và bình tâm. Hãy quên bản thân con đi và xoay chuyển theo động tác của đối phương. Hãy để tâm trí con và những gì đang diễn ra trong thực tế tự tạo ra các phản đòn mà con không phải suy tính quá nhiều. Trên hết, hãy học nghệ thuật tháo gỡ”.
“Đúng là thế! Tôi phải thư giãn. Tuy nhiên tôi lại làm ngược lại điều đó. Khi tự nhủ rằng mình phải thư giãn, ngay cả từ “phải” đã đi ngược lại với đặc điểm “không cần cố gắng để đạt được” của sự thư giãn. Khi tôi gặp bế tắc trong việc tìm sự bình tâm, thầy đã khuyên tôi rằng ông chưa bao giờ đẩy mình đối mặt trực diện với mọi vấn đề mà tìm cách mềm dẻo để lách qua. “Đừng vội tập luyện trong tuần này. Hãy về nhà và suy nghĩ đi”, thầy bảo tôi”, Lý Tiểu Long viết.
“Tuần tiếp theo tôi đã ở nhà. Sau khi dành nhiều giờ ngồi thiền và tập luyện, tôi bỏ cuộc và lên tàu ra khơi. Trên biển, tôi nghĩ về những lần tập luyện trước đây và điên tiết với bản thân nên đã đấm xuống nước. Khoảnh khắc đó, một suy nghĩ lóe lên trong tôi: Chẳng phải nước, thứ vật chất rất cơ bản, chính là tinh hoa của võ thuật sao? Tôi đánh vào nước, nhưng nó chẳng hề bị tổn thương. Một lần nữa tôi lại dùng hết sức chém xuống nước, nhưng nó chẳng hề hấn gì cả. Tôi cố dùng tay vốc nước, nhưng giữ nước lại là điều không thể thực hiện. Nước, thứ vật chất mềm nhất trên Trái đất, có thể nằm vừa bất kỳ thứ gì chứa nó. Và dù trông có vẻ yếu ớt, nước lại có thể xuyên thủng mọi loại chất cứng nhất trên thế giới. Đúng là như thế! Tôi muốn có được các đặc điểm tự nhiên của nước”.
Dù Lý Tiểu Long có thêm các tình tiết riêng của ông vào câu chuyện, nhưng nội dung bài luận cho thấy sự thông thái và các đỉnh cao kỹ thuật của Diệp Vấn, đã truyền cảm hứng cho các học trò.
2 năm sau khi Diệp Vấn bắt đầu dạy võ Vịnh Xuân, ông được yêu cầu phải rời khỏi võ đường ở Tổng hội công chức. Khi ấy võ đường của ông đã có quy mô rất lớn và mang dáng dấp của một trường võ chuyên nghiệp. Vậy là Diệp Vấn cùng các môn đệ mở trường võ Vịnh Xuân thương mại đầu tiên ở phố Lôi Dật, tại quận Du Ma Địa, Hongkong.
Nhưng dù Diệp Vấn đã có thể tự nuôi sống bản thân, nắm trong tay một hoạt động kinh doanh thành công, cuộc sống của ông vẫn không hạnh phúc.
“Ông tái hôn vào năm 1954“, Trác Khánh nói. “Ông đã 56 tuổi còn vợ mới thì 40 tuổi. Ông gặp bà trong một nhà hàng thì phải. Dù sao, một số người nghĩ rằng bà có một quá khứ không sạch sẽ lắm. Tất cả các môn đệ của ông đều có vẻ coi thường bà và đó là điều khiến ông rất tức giận“.
“Nhiều người không nhận ra rằng cuộc sống có sự thay đổi. Nó diễn ra theo các chu kỳ lặp lại. Lúc thịnh, lúc suy. Đôi khi người ta phải quên đi quá khứ để sống tiếp. Các học trò của Diệp Vấn đều là những kẻ có suy nghĩ khá nông cạn. Họ không thể hiện sự tôn kính với thầy của mình. Họ thường gọi ông là lão già và nhiều lần thể hiện sự bất kính“, Trác Khánh chia sẻ.
“Đây là một trong những lý do Diệp Vấn không bao giờ tự dạy một lớp học võ. Và tôi không nghĩ ông có gì sai khi làm thế. Chỉ sau khi Lý Tiểu Long trở nên nổi tiếng, người ta mới nhận ra rằng Diệp Vấn quá vĩ đại và phong cách dạy của ông quá tuyệt vời, bởi nó giúp sinh ra những học trò kiệt xuất như Lý Tiểu Long“.
Cũng theo Trương Trác Khánh, mối quan hệ không tốt đẹp giữa Diệp Vấn với các học trò càng trở nên tồi tệ thêm do ông nghiện ma túy. Đôi khi ông không có tiền trả phí thuê trường. Năm 1956, Diệp Vấn bị đuổi khỏi ngôi trường do ông và môn đệ lập ra ở Du Ma Địa.
Trường học sau đó dọn tới một căn hộ chung cư, nơi Diệp Vấn tiếp tục sống và dạy dỗ học trò. Các môn đệ của ông thành lập một ủy ban chuyên thu học phí để trả tiền thuê nhà và giúp Diệp Vấn có một khoản tiền sinh hoạt.
Trương Trác Khánh nhớ rằng trong giai đoạn này, thầy mình có lúc đã phải chiến đấu để sinh tồn: “Khi chúng tôi dọn tới căn hộ chung cư, nước nôi ở đó không được dư dả. Người ta chỉ cấp nước 4 ngày một lần, trong khoảng 2 giờ. Vì thế bạn phải xách nước về tích trữ và dùng dần. Thường thì tôi đi xách nước, nhưng hôm đó tôi phải đi chợ nên thầy Diệp Vấn đã tự đi xếp hàng lấy nước, tại một vòi nước do chính quyền cấp. Lần ấy, một băng đảng địa phương đã tới tuyên bố chúng kiểm soát vòi nước và đòi mỗi người nộp 50 xu cho một xô nước. Diệp Vấn không vui với điều đó nên ông thách đấu chúng“.
“Khi trở về từ chợ và chạy tới chỗ lấy nước, tôi thấy thầy đang đấu với 6 hay 7 tên. Những tay anh chị kia đều cầm đòn gánh nước và có lẽ chúng dùng các cây đòn này để dọa người ta. Thầy tôi đã tước đòn gánh từ một tên và rồi chỉ trong nháy mắt đã đánh hạ cả bọn. Biết gặp cao thủ, bọn chúng ôm đầu, kéo lê đòn gánh bỏ chạy. Từ đó, mỗi buổi sáng lại có 2 xô đầy nước sạch được chuyển tới căn hộ của ông“, Trác Khánh kể.
Sau vài năm, danh tiếng võ sư của Diệp Vấn tăng lên và ông đã có cuộc sống tốt hơn. Năm 1964, ông đưa được hai con trai và gia đình rời khỏi Trung Quốc tới Hong Kong. 3 năm sau đó, khi Lý Tiểu Long thành danh, Diệp Vấn cũng được hưởng lợi một phần từ danh tiếng của học trò và trở nên giàu có. Ông dọn trường dạy võ của mình tới một phòng tập quy mô lớn hơn.
Ngày hôm nay, di sản võ thuật của Diệp Vấn vẫn chìm trong bí ẩn. Nhiều thầy dạy Vịnh Xuân quyền tự nhận mình là môn đệ trực tiếp của ông. Tuy nhiên theo lời Trương Trác Khánh, chỉ có vài người được ông trực tiếp dạy dỗ và những người này chịu trách nhiệm đào tạo thế hệ kế tiếp. Trương Trác Khánh cho biết Diệp Vấn rất giỏi võ và không thể chịu nổi các học trò chậm tiến. Đó là lý do ông không có nhiều môn đệ trực tiếp.
“Diệp Vấn là người có học và chưa từng muốn dạy võ. Đam mê lớn nhất của ông là xem bóng đá và kinh kịch. Ông ghét nhất sự ngu dốt. Đó là lý do vì sao ông không ưa nhiều võ sư. Ông là một con người cầu toàn và không thích làm thứ gì đó nửa vời. Đó là lý do vì sao nhiều người không thể hiểu nổi ông“, Trác Khánh chia sẻ.
Năm 1970, Diệp Vấn chính thức giã từ sự nghiệp thầy dạy võ. Ông qua đời sau đó 2 năm vì căn bệnh ung thư vòm họng, hưởng thọ 79 tuổi.