Thậm chí những anh tài thời kỳ ấy không hề ít hơn bất kỳ triều đại nào khác trong lịch sử Trung Hoa, mưu thần võ tướng nhiều không đếm xuể. Trong số đó, có rất nhiều nhân vật đến nay còn được người dân Trung Quốc tôn kính lập ban thờ.
Trong số ấy, Quan Vũ được phong thần, trên có Đế vương, dưới có dân thường, dù là bên nào cũng đều tôn sùng Quan Vũ. Có thể nói hàng ngàn năm qua ông đã hưởng hết hương khói dân gian.
Thế nhưng nhân vật được yêu thích nhất có lẽ vẫn là Gia Cát Lượng. Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất là bởi lòng trung thành của Gia Cát Lượng đối với Lưu Bị, cúc cung tận tuỵ đến chết mới thôi.
Thứ hai là cuộc đời Gia Cát Lượng có tính bi kịch.
Và thứ ba là "Tam quốc diễn nghĩa" đã tạo ra một sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với ấn tượng của người đời về thời kỳ Tam Quốc, mà luồng tư tưởng chính trong cuốn tiểu thuyết này là yên mến Thục Hán, tôn vinh Lưu Bị và dìm Tào Tháo.
Tác phẩm văn học viết theo lối hư cấu phóng đại, thậm chí nâng Lưu dìm Tào thực ra cũng đều có nguyên nhân, chủ yếu do tư tưởng chính thống, cùng với tác động môi trường của thời đại tác giả sống. Theo đó, nhiều nhân vật đã bị bóp méo đến thê thảm. Nhân vật được đề cập đến trong bài viết này chính là một trong số đó.
Người ấy là Tào Chân.
Năm 228, khi ấy Gia Cát Lượng lần đầu đem quân bắt đầu Bắc phạt.
Lúc này Tào Duệ đích thân viễn chinh tới Trường An, ông cho Tào Chân đóng giữ huyện Mi, để Trương Cáp tấn công Nhai Đình, cuối cùng đánh thắng Mã Tắc của Thục Hán.
Về sau, sau khi Tào Chân ra trận, đánh tới mười mấy hiệp với Triệu Vân, cuối cùng đã đánh lui quân yểm trợ của Triệu Vân.
Từ đó có thể thấy, lần đầu Gia Cát Lượng Bắc phạt bị cản trở, một phần nguyên nhân là do phe Tào Ngụy có Tào Chân. Thế nhưng "Tam quốc diễn nghĩa" đã viết rằng, Gia Cát Lượng để mất Nhai Đình là có liên quan tới Tư Mã Ý, về sau Gia Cát Lượng còn khiến Tư Mã Ý trúng "Không thành kế".
Thời điểm đó Tư Mã Ý đóng quân ở Uyển Thành, giám sát việc quân ở hai châu Kinh - Dự, vốn dĩ không thể giao chiến trực tiếp với Gia Cát Lượng, thế nên "Không thành kế" cũng không thể nào xảy ra, đó hoàn toàn là công lao của Tào Chân.
Khi ấy Tào Chân ra trận sống mái với Triệu Vân, kết quả đánh cho Triệu Vân phải tháo chạy, có thể nói đã khích lệ sĩ khí của quân Tào. Có lẽ khi ấy Triệu Vân không dốc toàn lực đánh trả.
Tóm lại, người có thể đánh cho Triệu Vân phải bỏ chạy hiển nhiên không phải hạng tầm thường, nhưng trong "Tam quốc diễn nghĩa" không hề nhắc đến, tất nhiên cũng không ai biết được nếu không nghiên cứu sâu về chính sử.
Thật ra Tào Chân và Tư Mã Ý đều là đại thần quan trọng của Tào Nguỵ, nhưng hai người họ thích đối đầu nhau, không ai chịu phục ai.
Tư Mã Ý là một kẻ mưu mô biết ẩn nhẫn, vẫn luôn chờ đợi thời cơ nuốt trọn giang sơn Tào Nguỵ. Trước khi qua đời, Tào Phi đã để Tư Mã Ý là đại thần thác cô phò tá ấu chúa, nhưng để phòng ngừa Tư Mã Ý phản bội, khi ấy Tào Phi cũng bổ nhiệm Tào Chân làm đại thần thác cô, gửi gắm con trai mình cho Tào Chân.
Xét theo suy nghĩ của Tào Phi, chỉ cần có Tào Chân tồn tại, Tư Mã Ý sẽ chẳng còn cơ hội cướp giang sơn của Tào Nguỵ, điều đó cho thấy năng lực của Tào Chân có thể ngang hàng với Tư Mã Ý, thậm chí hơn hẳn Tư Mã Ý.
Nhưng Tư Mã Ý có một ưu điểm mà Tào Chân và Gia Cát Lượng đều không thể sánh bằng, đó là sống lâu. Không chỉ Gia Cát Lượng, ngay cả Tào Chân cũng bị Tư Mã Ý gạt khỏi cuộc chơi vì chết trước.
Chính vì thế, việc Tào Chân chỉ là một nhân vật mờ nhạt, thậm chí vô dụng trong "Tam Quốc diễn nghĩa", điều này thật sự khiến người ta phải ngạc nhiên.