Khi còn sống, Tư Mã Ý nổi tiếng là người biết nhìn xa trông rộng. Ông cho hai con cả Tư Mã Sư và con thứ Tư Mã Viêm được trải qua những trận chiến tranh khốc liệt.
Ông cũng khuyên bảo hai con biết nhẫn nhịn chờ thời cơ khi những vua nối dõi nhà Tào Ngụy ngày càng yếu đuối. Tất cả những sự chuẩn bị của Tư Mã Ý đều đem đến kết quả.
Đó là cháu nội Tư Mã Viêm lật đổ nhà Ngụy, chính thức lên ngôi hoàng đế, mở đầu cho thời kỳ nhà Tư Mã thống trị thiên hạ. Nhưng Tư Mã Ý qua đời khi 73 tuổi, ông không thể biết được rằng đến những thế hệ sau, nhà Tư Mã đã đi xuống dốc một cách nhanh chóng không kém.
Cháu nội Tư Mã Viêm thống nhất thiên hạ
Chính sử Trung Quốc coi nhà Tây Tấn bắt đầu hình thành từ Tư Mã Ý, đại thần nhà Ngụy thời Tam Quốc. Sau khi Ngụy Minh đế Tào Tuấn qua đời năm 239, vua nhỏ Tào Phương không có thực quyền, cha con Tư Mã Ý độc chiếm quyền lực.
Sau khi Tư Mã Ý qua đời, con trai là Tư Mã Chiêu giết chết vua Ngụy, dựng nên vị vua bù nhìn Tào Hoán, ép vua phong vương, cấp đất cho mình. Nhà Tấn hình thành ngay trong lãnh thổ nhà Ngụy kể từ đó.
Nhưng phải đến năm 266, cháu nội Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm mới chính thức buộc Ngụy đế Tào Hoán nhường ngôi. Sau 45 năm tồn tại, nước Tào Ngụy đến đây là diệt vong.
Năm 279, Tấn Vũ Đế mở chiến dịch phạt Đông Ngô và đây cũng là cuộc chiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc thời Tam quốc.
Nhà Đông Ngô khi đó rơi vào khủng hoảng kể từ khi Tôn Quyền qua đời. Cháu nội Tôn Hạo lên ngôi hoàng đế, hoang dâm vô đạo, xa xỉ cùng cực, giết hại trung lương, tin dùng hoạn quan, việc chính sự thì ít để tâm tới, vì thế thế nước Giang Đông suy yếu.
|
Sau khi Tấn Vũ Đế qua đời, nhà Tây Tấn nhanh chóng suy yếu. |
Trước đà tiến quân của 20 vạn quân Tấn, bao gồm cả đường bộ và đường thủy, quân Đông Ngô chống cự yếu ớt vì chỉ còn một mình Đô đốc Lục Cảnh là quyết chiến, các tướng khác chỉ lo tham nhũng, vơ vét của cải nhân lúc loạn lạc.
Sau khi Lục Cảnh tử trận, Tôn Hạo bắt chước hậu chủ Lưu Thiện của Thục Hán, tự trói mình đem nộp cho nhà Tấn. Cục diện Tam quốc chấm dứt từ đây.
Sử sách sau này nhìn nhận Tấn Vũ Đế là vị hoàng đế có tư chất thông minh, có tài trị quốc nhưng hoang dâm vô độ. Không may cho nhà Tấn là Tấn Vũ Đế sớm qua đời năm 290, thọ 54 tuổi.
Vấn đề hòa hợp dân tộc giữa các tộc người thiểu số, kiểm soát quyền lực của các thành viên trong hoàng tộc từ đó vẫn còn dang dở.
Vị vua ngu đần chấm dứt triều đại nhà Tây Tấn
Theo chính sử Trung Quốc, Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm có 2 hoàng hậu cùng mang họ Dương. Người thứ nhất là Dương Diễm, người thứ hai là Dương Chỉ. Tư Mã Trung là con thứ hai của Vũ Đế với Dương Diễm. Người con cả mất sớm khi còn nhỏ nên Tư Mã Trung trở thành thái tử nối ngôi nhà Tây Tấn.
Tư Mã Trung trí tuệ kém phát triển, không giống như người bình thường. Theo đánh giá của các sử gia Trung Quốc, Tư Mã Trung là người ngu ngốc, không có năng lực lãnh đạo.
Thấy Tư Mã Trung trí tuệ kém, Vũ đế cũng có lo ngại về người kế vị, bèn làm phép thử.
Vũ Đế giao cho Trung phê thử một tập tấu sớ của các quan. Vợ Trung là Giả phi Nam Phong bèn sai người làm hộ, lại khéo léo dùng lối văn chân phương nông cạn để diễn đạt. Tư Mã Trung cứ thế chép theo bài mẫu và mang nộp cho vua cha. Nhờ đó mà Tấn Vũ đế không còn nghĩ đến chuyện thay thái tử.
Con cả của Tư Mã Trung là Tư Mã Duật, thì trái ngược với cha, từ nhỏ đã tỏ ra thông minh lanh lợi, khiến ông nội Tấn Vũ Đế rất yêu quý.
Quần thần nhiều lần khuyên Tấn Vũ đế nên thay thái tử. Vũ đế cho rằng tuy con dốt nhưng cháu giỏi thì sau này có thể giúp.
Các sử gia Trung Quốc sau này cho rằng Vũ Đế đã sai lầm vì Duật không phải là con ruột của Giả phi Nam Phong, mà là con một người vợ khác của Tư Mã Trung. Điều này dẫn đến những biến cố về sau.
Năm 290, Tấn Vũ Đế mất, Tư Mã Trung lên nối ngôi, tự là Tấn Huệ Đế. Giả phi làm hoàng hậu.
Giả hậu thấy Huệ Đế ngây ngô, muốn đoạt quyền hành. Giả hậu chuyên quyền kích động các vương thất tranh quyền giết hại lẫn nhau, khởi đầu cho sự kiện “Loạn bát vương”.
Giả hậu không có con trai mà Tư Mã Duật đã lớn nên nghĩ đến chuyện mưu hại thái tử. Năm 299, Giả hậu sai người dụ thái tử uống rượu say rồi lừa viết bức thư phản nghịch.
Thái tử Duật vì quá say cứ làm theo mà không biết họa giáng xuống đầu. Giả hậu mang thư cho Huệ Đế xem để có cớ bỏ thái tử. Huệ Đế nghe theo, phế Tư Mã Duật làm thứ dân.
Chú của Huệ Đế là Tư Mã Luân nhân cơ hội này lấy cớ trị tội Giả hậu để khởi binh. Khi việc đã thành thì Tư Mã Luân lại quay sang ép Huệ Đế nhường ngôi.
Hoàng tộc nhà Tư Mã khi đó phản đối chuyện này, hợp sức đánh bật Tư Mã Luân, đưa Huệ Đế trở lại ngai vàng sau 3 tháng mất ngôi.
Năm 307, Tấn Huệ Đế bị Đông Hải vương Tư Mã Việt - một tông thất nhà Tấn, đầu độc chết. Tấn Huệ Đế bị sát hại cùng thời điểm loạn bát vương chấm dứt, nhưng khi đó nhà Tấn đã suy tàn, không thể chống đỡ trước sự xâm lấn của các tộc người Hồ ở phương bắc.