Thuật xem tướng từ lâu được lưu truyền từ thời xa xưa. Những thầy xem tướng thường dựa vào các đặc điểm trên khuôn mặt, hình dáng cơ thể hoặc đường chỉ tay để dự đoán vận may hay rủi ro cho một người nào đó.
Trong lịch sử, ngoài Viên Thiên Cang thời nhà Đường, vị quân sư xuất chúng Lưu Bá Ôn (thời nhà Minh) được coi là có khả năng "thần cơ diệu toán" cũng nhiều lần bộc lộ tài năng tiên đoán tuyệt vời.
Thế nhưng, ít ai biết được rằng, có một vị thầy tướng số có tài "tiên đoán như thần" đã đi trước Viên Thiên Cang và Lưu Bá Ôn suốt mấy trăm năm. Người này chính là Hứa Phụ, một người phụ nữ có khả năng tiên tri nổi tiếng vào thời nhà Tần và Tây Hán.
Bậc thầy xem tướng vừa sinh ra đã gây chú ý
Tương truyền, khi Hứa Phụ chào đời, trên tay bà đã cầm một khối ngọc bích có khắc Bát quái đồ của Văn Vương trong tay. Sau khi Tần Thủy Hoàng biết chuyện liền cho rằng đứa bé gái này sẽ mang đến điềm lành. Vị hoàng đế này đã ban tặng cho Hứa Vọng, cha của Hứa Phụ 200 lượng vàng và dặn ông nuôi dạy con gái mình cho tốt.
Người cha cũng đặt tên con gái là Mạc Phụ (hay gọi là Hứa Phụ) với mong muốn con sẽ không phụ long ân của hoàng đế.
Hứa Mạc Phụ ngay từ khi còn nhỏ đã cho thấy khả năng học tập xuất chúng khi có thể ghi nhớ vượt xa người thường. Hơn nữa, sự hiểu biết về Kinh dịch, Bát quái của nữ nhi này còn khiến cho những lão tiên sinh có học thức cao rộng cũng phải "xấu hổ" và xin thôi dạy vì không đủ khả năng.
Khi lớn lên, Mạc Phụ trở thành một nhà tướng số nổi tiếng bậc nhất lúc bấy giờ. Bà từng xem tướng cho rất nhiều người, trong đó có không ít vương công quý tộc, tất cả đều rất ứng nghiệm.
Tin tức nhanh chóng đến tai Tần Thủy Hoàng. Vị hoàng đế này đã ra lệnh triệu Mạc Phụ vào cung. Tuy nhiên, sau khi tiên đoán được vận số của triều đại nhà Tần đã hết, sắp diệt vong nên Mạc Phụ đã giả vờ ốm để từ chối vào cung.
Quả nhiên, không lâu sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, nhiều cuộc nổi dậy lớn đã nổ ra, nhà Tần nhanh chóng diệt vong. Hứa Mạc Phụ bèn đổi tên thành "Hứa Phụ".
Cao nhân "đoán mệnh như thần" và 2 lời tiên đoán đều ứng nghiệmLưu Bang sẽ trở thành hoàng đế
Sau khi nhà Tần diệt vong, trong thời kỳ Hán – Sở tranh hùng, một lần tình cờ gặp gỡ Lưu Bang, Hứa Phụ đã đưa ra lời tiên đoán rằng: "Lưu Bang sẽ trở thành hoàng đế trong tương lai".
Giữa bối cảnh thiên hạ đại loạn, Hứa Phụ đã thúc giục cha khi đó là huyện lệnh Ôn Thành và các anh trai mình đi nghênh đón, dâng tặng hai ngàn binh lính để cùng sát cánh, chung lưng đấu cật với Lưu Bang. Đương nhiên trước khi rời đi, Lưu Bang cũng hứa rằng sau khi ông giành được thiên hạ nhất định sẽ phong thưởng cho nhà họ Hứa.
Lời tiên đoán này quả nhiên đã ứng nghiệm. Đến năm 202 TCN, Lưu Bang thống nhất thiên hạ, lên ngôi hoàng đế và lập nên nhà Hán, sử gọi là Hán Cao Tổ. Nhớ lại lời hứa hẹn năm xưa, Hán Cao Tổ đã phong cho Hứa Vọng làm Ôn Thành Hầu, ba con trai đều được phong làm tướng quân và đặc biệt phong Hứa Phụ trở thành Minh Thư Đình Hầu.
Nhìn tướng chọn mỹ nhân sinh thiên tử
Lời tiên đoán thứ hai của Hứa Phụ có liên quan đến người thừa kế của Hán Cao Tổ Lưu Bang.
Sau khi Lưu Bang lên ngôi hoàng đế và chiếu lệnh để phân đất phong hầu, nhiều mỹ nữ ở khắp nơi đã đổ về Hàm Dương để tham gia cuộc tuyển tú. Mặc dù Lã Hậu tìm đến Hứa Phụ để lôi kéo về phe cánh của mình nhưng bậc thầy tướng số lại tìm một cách khéo léo nhằm ứng phó.
Hứa Phụ đã thuyết phục Hán Cao Tổ Lưu Bang đích thân tham gia vào cuộc lựa chọn mỹ nữ tiến cung. Sau khi xem mặt hơn 700 mỹ nữ, hoàng đế Lưu Bang chỉ chọn ra 100 người bước vào vòng 2. Lúc bấy giờ, những người không được lựa chọn liền bật khóc. Lưu Bang thấy vậy liền nói với thái giám chủ quản rằng, hãy dẫn họ tới hậu cung và nói rằng sau này còn có cơ hội.
Khi hơn 600 mỹ nữ này đi qua, tiếng khóc của một mỹ nữ khiến Hứa Phụ giật mình. Bà bước ra phía trước cúi chào một mỹ nữ và nói với hoàng đế rằng: "Người này sẽ sinh thiên tử".
Lưu Bang và các vị đại thần có mặt ở đó đều vô cùng ngạc nhiên, bởi lẽ Lã Hậu đã có con trai, tương lai ắt sẽ kế nghiệp làm hoàng đế. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ gương mặt của mỹ nữ này, Lưu Bang nhận thấy nàng có lông mày ngọa tằm (con tằm nằm), mắt sáng như minh châu, đôi môi đỏ, hàm rằng trắng, thần thái rất tự nhiên và tươi tắn. Sau khi quan sát hồi lâu, Lưu Bang không ngờ ông lại bỏ sót một mỹ nữ kiều diễm thế này.
Mỹ nhân "Ích tử"
Mỹ nữ được trúng tuyển vào phút cuối này chính là Bạc Cơ. Quả nhiên, sau khi được Lưu Bang sủng hạnh, Bạc phu nhân có thai và sinh ra người con trai là Lưu Hằng. Sau này, trải qua nhiều thăng trầm, Lưu Hằng lên ngôi hoàng đế, sử gọi là Hán Văn Đế. Điều này cho thấy lời tiên đoán sinh thiên tử năm xưa của Hứa Phụ dành cho mỹ nhân họ Bạc đã ứng nghiệm.
Vì sao Hứa Phụ lại quả quyết khẳng định Bạc Cơ sẽ sinh "thiên tử"? Hóa ra ngoài gương mặt xinh đẹp, Hứa Phụ đã nhìn ra quý tướng trên khuôn mặt của mỹ nhân họ Bạc.
Trong cuốn "Hứa Phụ luận nữ thiên" có nói rằng, khi xem tướng cho phụ nữ chủ yếu chỉ cần nhìn vào 5 phần. Đó là tính cách quyết định sự thành bại cả đời, lông mày tiết lộ thọ mệnh, sống mũi cho thấy người chồng, miệng bộc lộ đường con cái và cuối cùng là đôi mắt có thể quyết định số phận giàu sang hay nghèo hèn.
Do đó, khi xem tướng gương mặt của phụ nữ, trước tiên cần xem sống mũi để tiết lộ về người chồng. Thứ hai, người phụ nữ sẽ sinh được quý tử cần có bờ môi hồng mịn, hàm răng trắng sáng. Đặc biệt, tổng thể người phụ nữ có gương mặt sáng trong giống như ngọc thì ắt hẳn sẽ sinh được quý tử.
Hứa Phụ nhìn ra Bạc Cơ không những có tướng mạo cao quý, dịu dàng, điềm tĩnh mà còn là nữ nhân có đức hạnh. Ngoài khuôn miệng đẹp, môi đỏ, răng trắng, nàng còn có giọng nói cực kỳ êm dịu. Đây đều là quý tướng cho thấy sẽ sinh được "thiên tử".
Theo đó, sau khi Lã Hậu qua đời, Hứa Phụ nhận thấy thời cơ đã đến nên khuyên Chu Bột và Trần Bình khởi binh để dẹp loạn nhà họ Lã. Sau đó, hai vị đại thần này đã tôn Lưu Hằng, con trai của Lưu Bang và Bạc Cơ lên làm hoàng đế, xưng là Hán Văn Đế.
Sau khi lên ngôi hoàng đế, Hán Văn Đế đã phong cho Trần Bình, Chu Bột làm thừa tướng, tôn mẫu thân làm thái hậu.
Vị hoàng đế này cũng tôn Hứa Phụ làm nghĩa mẫu và ban thưởng rất nhiều vì cao nhân này có ân trọng như núi đối với ông. Nếu không có bà, mẹ con Hán Văn Đế sẽ khó bảo toàn được tính mạng cũng như độc thủ của Lã Hậu.
Đến năm Văn Đế thứ 9, Hứa Phụ đã thỉnh cầu Văn Đế cho bà được quy ẩn nơi núi rừng. Hán Văn Đế mặc dù không muốn nhưng cùng đành phải chấp thuận.
Cuộc đời của cao nhân có thật trong lịch sử am hiểu tướng thuật này quả thật thần kỳ. Ngay từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên, bà đã đưa ra nhiều lời tiên đoán dựa trên việc xem tướng. Mặc dù nhiều người cho rằng có sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng những tiên đoán ứng nghiệm quyết định đến "thiên tử", vận mệnh quốc gia thì quả thật không thể xem thường.