Đảo Usedom, khu vực nghỉ dưỡng nhỏ bé và xa xôi của Đức nổi tiếng vì những bãi tắm cát trắng mịn, vì món fischbrotchen - một loại bánh mì cá địa phương và những thị trấn cổ kính bên bờ biển như Heringsdorf.
Từ cuối thế kỷ XVIII, nơi này được xem là một trong những điểm nghỉ hè được yêu thích của hoàng tộc Phổ. Nhưng trong gần 10 năm, từ năm 1936 - 1945, Phát xít Đức đã chiếm một ngôi làng ở đây vì mục đích biến nơi đây thành trung tâm nghiên cứu và phát triển vũ khí hiện đại nhất thế giới.
Nơi thử nghiệm "vũ khí phục thù"
Thế chiến thứ I kết thúc, Hiệp ước Versailles đã áp đặt các hạn chế nghiêm khắc trong việc Đức sản xuất các phương tiện cho mục đích quân sự, và như vậy trong suốt những năm 1920 và những năm 1930, các nhà sản xuất đắc lực của Đức đã bắt đầu âm thầm triển khai việc nghiên cứu và sản xuất những vũ khí, khí tài hạng nặng như xe tăng, tên lửa, tàu ngầm.
Khi những loại vũ khí này được sản xuất trong bí mật, thông số kỹ thuật của họ và tiềm năng chiến trường không được các nước Đồng minh châu Âu biết đến cho đến khi cuộc chiến thực sự bắt đầu. Khi quân đội Đức xâm chiếm Bỉ và Pháp tháng 5-1940, công nghệ vũ khí của Đức đã chứng minh là vô cùng vượt trội so với quân Đồng minh.
|
Một tên lửa chuẩn bị phóng thử nghiệm ở trung tâm Peenemunde. |
Konrad Dannenberg là người đứng đầu chương trình tên lửa của quân đội Đức, sinh ngày 5-8-1912 ở Weissenfels, miền Đông nước Đức. Dannenberg quan tâm đến công nghệ vũ khí không gian sau khi được nghe một loạt bài giảng của Max Valier, một nhà tiên phong của Đức trong lĩnh vực này. Dannenberg sau đó gia nhập nhóm các nhà nghiên cứu tên lửa nghiệp dư của Albert Püllenberg và gia nhập nhóm nghiên cứu kỹ thuật cơ khí tại Trường Đại học kỹ thuật Hannover.
Thành quả nghiên cứu của Dannenberg trong thời gian này là việc phun nhiên liệu diesel vào một động cơ tên lửa cao áp. Khi Thế chiến thứ II bắt đầu, Dannenberg, một thành viên của đảng Quốc xã từ năm 1932, đã được đưa vào quân đội Đức năm 1939, phục vụ cho một đơn vị pháo binh.
Đến mùa thu 1940, Dannenberg được chuyển đến trung tâm Peenemunde và trở thành chuyên gia tên lửa làm việc dưới quyền của tiến sĩ Walter Thiel. Ngôi làng Peenemunde hẻo lánh nằm trên đảo Usedom vùng biển Baltic - được Đức Quốc xã chọn làm nơi phát triển và thử nghiệm tên lửa quân sự. Nhiệm vụ chính của Dannenberg là nghiên cứu động cơ đẩy cho loại tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới.
Thật ra, Trung tâm thí nghiệm và phát triển vũ khí đặt ở làng Peenemunde chưa thực sự được hoàn thành khi Hitler tuyên chiến năm 1939.
Trong khi những nhà khoa học chủ chốt của chương trình phát triển tên lửa như Dannenberg và Werner von Braun, cũng như nhiều nhân vật quan trọng trong chế độ phát xít, như Albert Speer, người chịu trách nhiệm xây dựng các cơ sở quân sự tại Peenemunde, tin rằng tên lửa là một trong những điều kiện chủ chốt để thắng cuộc chiến, thì có một người vẫn hoài nghi: đó chính là Hitler.
|
Konrad Dannenberg. |
Mãi sau khi Dannenberg và Von Braun trình bày một đoạn phim về đợt phóng thành công tên lửa A-4 với Hitler, khi đó ông ta mới hoàn toàn chấp thuận việc phát triển chương trình vũ khí. A-4, sau này được gọi là tên lửa V-2 (Vũ khí phục thù 2), gồm một động cơ được thiết kế lại để cho phép nó mang theo đầu đạn 1.000 kg. Tới năm 1941, nhóm nghiên cứu ở Peenemunde đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm kéo dài.
Tên lửa V-2 được phóng thử ngày 3-10-1942 tại một bãi thử ở Peenemunde, đạt đến độ cao 85.000 km, vượt qua ngưỡng 80.000 km nơi không gian vũ trụ bắt đầu. Đây là tên lửa đầu tiên vượt qua rào cản này.
Trong một báo cáo gửi Tổng tham mưu quân đội Đức, Dannenberg viết rằng, "V2 hoặc 'Vũ khí phục thù' là một trong những sáng tạo cách mạng nhất trong nhiều thập niên vừa qua, sẽ đem lại những ưu thế quân sự, kinh tế và từ đó là ưu thế chính trị".
Những dự định bất thành
Tháng 6-1943, 2.500 tù nhân trong các trại tập trung, chủ yếu đến từ các vùng bị chiếm đóng của Pháp, Bỉ và Hà Lan - bị buộc phải tham gia sản xuất tên lửa hàng loạt theo kế hoạch. Khoảng 12.000 người làm việc như nô lệ trong quá trình tạo ra những tên lửa tuần du đầu tiên và những tên lửa cỡ lớn với đầy đủ tính năng, trải dài trong khu vực đến 25 km vuông, vì thế Peenemunde được coi là nơi khai sinh ra ngành khoa học tên lửa hiện đại của Đức.
Tại đây, Hitler đã tập hợp nhiều nhà khoa học và kỹ sư tên lửa tài giỏi nhất và nhiều nhà khoa học vẫn ngây thơ hy vọng những phát triển của họ một ngày nào đó sẽ được sử dụng cho mục đích hòa bình.
Chính Werner von Braun cũng nói: "Chúng tôi luôn coi sự phát triển tên lửa vì mục đích quân sự là con đường vòng để đạt được việc bay vào không gian". Trong khi đó, nhà sử học vũ trụ Amy Teitel khẳng định Đức Quốc xã chẳng hề có tham vọng nào như vậy; tất cả điều họ muốn là dùng không gian để giúp ném bom vào kẻ thù.
Von Braun và nhóm của ông phát hiện ra rằng, bằng cách bổ sung thêm cánh vào tên lửa, họ có thể nâng cao tầm bắn của nó hơn nhiều. Do đó họ đã nghĩ ra chiếc A-9, vốn là V-2 với cánh nhỏ ở bên sườn có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa trên 800 km sau khi bay lên không gian (với độ cao 100 km). A-9 và các thiết kế sau đó cuối cùng không bao giờ biến thành hiện thực, nhưng tiềm năng của chúng là quá rõ ràng.
Dựa trên nghiên cứu này là chiếc A-10, một trong những tên lửa nhiều tầng đầu tiên trên thế giới. Cao khoảng 20m và nặng 16 tấn, đây là một chiếc V-2 đã được điều chỉnh với nhiều động cơ, và tầng trên của nó chính là tên lửa A-9.
Chiếc tên lửa 2 tầng này tách rời một khi nó bay lên không gian, để A-9 với đầu đạn nhắm tới mục tiêu cách xa 900km. Sau khi phóng, A-10 sẽ hạ xuống mặt đất bằng dù, cho phép người ta tái sử dụng cho các lần phóng tiếp theo. Mục tiêu cuối cùng của A-9 và A-10 là tấn công Mỹ từ Peenemunde - một ngôi làng hẻo lánh ở châu Âu.
Mùa hè năm 1943, tình báo Anh nhận ra tầm quan trọng của Peenemunde. Các chuyến bay trinh thám và hoạt động thu thập không ảnh đã cho thấy sự phát triển và sản xuất tên lửa tầm xa của Đức.
Vào đêm 17-8-1943, Không lực Hoàng gia Anh tiến hành Chiến dịch Hydra, chiến dịch không kích lớn nhất của Anh quốc nhắm đánh một mục tiêu đơn lẻ trong Thế chiến thứ II. Mặc dù trận đánh bom không thực sự thành công, nhưng nó đã trì hoãn quá trình sản xuất và buộc Đức phải chuyển xuống sản xuất ngầm ở Mittelwerk tại miền trung nước này. Sau cái chết của tiến sĩ Thiel do trúng bom tháng 8-1943, các cuộc nghiên cứu bị ngưng lại nhưng Dannenberg và Von Braun vẫn tiếp tục nghiên cứu để sớm hoàn chỉnh tên lửa V-2.
Khi ấy, Hitler mới nhận ra những hồ nghi của mình và thể hiện sự hối tiếc vì đã không phê chuẩn dự án sớm hơn cho Dannenberg.
"Có hai người mà tôi phải xin lỗi trong cả đời mình; người đầu tiên là Thống chế Von Brauchitsch. Tôi đã không lắng nghe khi ông ấy nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của các nghiên cứu của ông. Người thứ hai là chính ông" - Hitler nói với Dannenberg.
Những khối óc ở làng Peenemunde không chỉ nghĩ về tên lửa. Tháng 2-1936, một tiến sĩ người Áo tên là Eugen Sanger đã công bố hai bài viết về máy bay chạy bằng tên lửa, tương tự như chiếc Heinkel HE 112 mà Von Braun đã cho bay một năm trước. Được đặt tên là Chim Bạc, thiết kế của Sanger dành cho một loại máy bay vào không gian, có thể bay xa với thời gian rút ngắn. Đây là một loại máy bay phẳng dùng động cơ tên lửa để đạt độ cao trên 145 km, vượt ra ngoài không gian.
Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là phương tiện do con người chế tạo bay được cao nhất vào thời điểm đó. Một khi đạt độ cao lớn nhất, chiếc máy bay được dự định "dội lại" trên không gian trước khi hạ xuống, thả bom vào mục tiêu ở xa tới 23.500 km. Sáng kiến của Eugen Sanger đã thu hút sự chú ý của Bộ Chỉ huy cấp cao Đức, vì theo những đầu óc hiếu chiến nhất, tên lửa và những chuyến bay vào không gian chỉ hữu dụng nếu nó giúp gây sự hủy diệt hàng loạt cho kẻ thù của họ mà thôi.
Tuy nhiên, giống như nhiều kế hoạch trong chương trình không gian của Đức Quốc xã, nó không bao giờ trở thành hiện thực. Chim Bạc cho thấy các nhà khoa học tên lửa vẫn không tính được độ nóng khi phương tiện quay trở lại từ không gian. Nếu Chim Bạc thực sự được phóng đi, chắc chắn nó sẽ tan tành trong lần đầu tiên quay về khí quyển của Trái đất. Tuy nhiên, nó vẫn có tầm ảnh hưởng lớn với ngành khoa học thăm dò không gian sau đó. Thiết kế thân nâng của Chim Bạc đã truyền cảm hứng cho một số loại phi thuyền được Mỹ phát triển sau này, trong đó có cả tên lửa con thoi.
Tháng 4-1945, khi quân Đồng minh tiến gần đến làng Peenemunde, khoảng 500 chuyên gia và kỹ thuật viên tên lửa được chọn lọc sơ tán đến vùng núi Alps của Bavarian theo lệnh của Himmler. Cuối cùng, Werner von Braun tìm cách liên lạc với quân Mỹ. Ngày 2-5-1945, nhà khoa học Werner von Braun và nhóm của ông ra đầu hàng quân đội Mỹ.
Điều không may là quân đội Liên Xô chỉ tiếp quản một Peenemunde hoang vắng. Người Anh và Đức đưa ra những hồi ký của nạn nhân và chỉ ra rằng có từ 10.000- 20.000 người Nga, Ba Lan và tù nhân nô lệ người Do Thái đã chết trong những nhà máy sản xuất tên lửa ngầm dưới đất của Đức Quốc xã.
Peenemunde ngày nay
|
Một góc Bảo tàng Lịch sử Công nghệ Peenemunde ngày nay. |
Theo đánh giá của các nhà sử học và giới nghiên cứu quân sự, quá trình nghiên cứu và phát triển vũ khí của Đức Quốc xã tại làng Peenemunde không chỉ quan trọng với cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử, mà còn tác động tới tương lai của vũ khí hủy diệt, cũng như các cuộc du hành vào không gian. Ngày nay, tất cả di tích còn lại của quần thể là một một nhà máy điện xây bằng gạch đỏ, nơi tọa lạc Bảo tàng Lịch sử Công nghệ Peenemunde.
Làng Peenemunde tiếp tục tạo cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ quốc tế như họa sĩ người Catalonia Gregorio Iglesisas Mayo và họa sĩ người Mỹ gốc Mexico Miguel Aragón. Mayo là người đã vẽ bức tranh trong sân bảo tàng, thể hiện những góc độ của con người trong mối tương quan với máy móc kỹ thuật ở quy mô khổng lồ.
Ông gọi Peenemunde là "nơi từng có một trại tập trung, một nơi để nghiên cứu, sáng tạo, trí tuệ, sự yếu đuối, những mảng đối lập, sự rối ren, bất lực và cuộc chiến cho những điều nguyên sơ nhất".
Cũng sử dụng nghệ thuật làm phương tiện thể hiện lịch sử, bảo tàng thường tổ chức những buổi hòa nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Biển Baltic trong phòng máy cũ của nhà máy điện. Khu vực bảo tàng, giờ đây đang đưa những nghệ sĩ từ nhiều quốc gia lại gần nhau. Năm 2002, bảo tàng được trao tặng Huy hiệu Thập tự Nails vì những hoạt động cho nỗ lực hòa giải và hòa bình.