Mùng 1 Tết không quét nhà, đổ rác
Sở dĩ người ta tránh quét nhà, đổ rác ngay ngày đầu năm là bởi, việc làm này được coi như bạn đang bỏ đi tiền của, tài lộc của cả năm ra khỏi nhà.
Nhiều người tin rằng, điều này sẽ khiến cho tình hình tài chính cả năm của gia đình không khởi sắc hay thậm chí là thiếu thốn. Tiền không kiếm ra được hoặc nếu có dư dả thì sau cũng trôi đi đâu hết. Hơn nữa, dễ phải chi tiền cho những vận xui.
Chính vì vậy mà các gia đình thường chỉ tập trung dọn dẹp, lau chùi nhà cửa trong những ngày giáp Tết, để mọi thứ được trang hoàng, sạch sẽ, an tâm đón Tết vui vẻ.
Nhiều gia đình còn kỹ tính đến nỗi mang chổi, giẻ lau nhà giấu kín, phòng trường hợp ai không biết lại dùng đến. Họ cũng kiêng quét nhà, đổ rác trong từ mùng 1 Tết tới mùng 3 Tết.
Tránh làm vỡ đồ đạc
Bên cạnh việc tránh quét dọn nhà cửa, người Việt cũng rất kỹ trong việc tránh gây đổ vỡ đồ đạc trong nhà đầu năm. Đặc biệt là gương, bát đĩa, bình hoa vì cho rằng, đổ vỡ chính là điềm xấu có thể dẫn đến gia đình ly tán hay những chuyện xui rủi hàng ngày.
Bởi vậy, trong 3 ngày đầu năm, mọi người thường cố gắng tránh để đổ vỡ xảy ra, nhất là khi nhà làm cỗ hay tiếp đón khách.
Không vay mượn tiền hay mượn đồ
Theo người xưa quan niệm, việc vay mượn đồ đạc, tiền nong cần tuyệt đối tránh trong những ngày Tết. Vì nếu là người đi vay thì cả năm sẽ rơi vào tình trạng nợ nần, túng thiếu, làm bao nhiêu cũng trôi đi hết.
Còn nếu là người cho vay thì cũng bị mất lộc, tiền tài làm ra trong năm bị phân tán, chẳng giữ được đồng nào.
Việc vay mượn cũng khiến cả hai bên dễ gặp những chuyện xui xẻo không đáng có. Thậm chí nhiều người còn kỹ tính không cho vay mượn đến hết tháng Giêng.
Kiêng ăn món xui xẻo
Thông thường, người ta hay kiêng những món ăn được coi là đen đủi như thịt chó, thịt ngan vịt, mắm tôm, trứng vịt lộn,… vào những ngày đầu tháng Âm lịch hoặc trước khi đi thi.
Còn trong dịp Tết Nguyên Đán, những món ăn này lại càng tránh xa hơn, bởi mọi người quan niệm, đây là những loại thực phẩm mang tới chuyện xui, đen đủi.
Cũng bởi vậy mà nhiều gia đình chọn ăn những thực phẩm có màu đỏ, hình dáng vuông vắn hoặc tròn như dưa hấu, bánh chưng, xôi gấc,… để cầu mong một năm trọn vẹn, gặp nhiều may mắn, phát tài phát lộc.
Không cãi nhau, gây mâu thuẫn
Việc tranh cãi sẽ chỉ khiến người trong cuộc cảm thấy bực tức, không vui vẻ. Vì thế, người ta rất tránh chuyện mâu thuẫn trong những ngày đầu năm, bởi điềm xui, đen đủi sẽ đeo bám cả năm trời.
Đặc biệt, cần tránh cãi nhau vào lúc sáng sớm, trước khi xuất hành. Thay vào đó, hãy bình tĩnh suy xét lại mọi chuyện và giải quyết thật nhanh gọn, nhẹ nhàng. Cái gì có thể bỏ qua thì bỏ qua, không cằn nhằn, để ý lặt vặt sẽ gây không khí căng thẳng, không được thoải mái.
Không nói những điều xui xẻo
Tết là dịp để đoàn viên với gia đình, cùng nhau tận hưởng những giây phút ấm áp, hạnh phúc và đầy hứng khởi cho một năm mới.
Vậy nên, tuyệt đối không được nói những gì liên quan đến ốm đau, chết chóc hay những gì bi quan, tiêu cực. Theo người xưa, nói điều xui sẽ khiến bản thân mang vận hạn vào người, mọi chuyện không được hanh thông, suôn sẻ.
Thay vào đó, hãy luôn giữ tinh thần vui tươi và dành cho người thân, bạn bè những lời chúc tốt đẹp nhất trong những ngày đầu năm.
Kiêng xuất hành ngày mùng 5, mùng 7 Tết
Người xưa có câu "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba" là bởi theo quan niệm dân gian, đây là ngày "Tam Nương sát", dễ gây hỏng việc, vất vả cho chủ nhân.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng tránh ngày mùng 5 Âm lịch vì cho rằng, đây là ngày Nguyệt kỵ, cũng là ngày “nửa vời, nửa đoạn” nên làm gì cũng sẽ khó hoàn thành, đều phải bỏ dở giữa chừng.
Tuy nhiên, trong trường hợp vẫn xuất hành những ngày này, bạn chỉ cần chọn hướng và giờ xuất hành là cũng có thể hóa giải những điềm xui.
* Thông tin chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm