Vì sao phải thắp hương với số lẻ?
Trong nghi thức thờ cúng thần linh, gia tiên ở Việt Nam, tùy tôn giáo, dân tộc, vùng miền mà việc thờ cúng có khác, nhưng vẫn có những quy phạm cơ bản giống nhau nhất là về việc thắp hương (còn gọi là nhang). Dù không biết ý nghĩa cụ thể ra sao nhưng khi thắp hương ai cũng thắp theo số lẻ như 1, 3, 5, 7, 9.
Lý giải về thói quen này, Nhà Nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú cho rằng do ảnh hưởng của đạo giáo nên hương được coi là phương tiện kết nối giữa người dương (còn sống) với thế giới tâm linh như thánh thần hay những người đã khuất.
|
Thắp hương không được thắp số chẵn. Ảnh minh họa |
Vì thế, trong việc thờ cúng, tri ân với thần linh tổ tiên không thể nào thiếu phần thắp hương và dâng hương. Trong dân gian có nhiều quan niệm về thắp hương, tuy nhiên đều kiêng thắp số chẵn, mà phải thắp theo số lẻ 1, 3, 5, 7, 9.
Tư duy của người Việt thích số lẻ, số lẻ được coi là số của sự sinh sôi, đại diện cho tính dương để tưởng nhớ, dâng cúng lễ vật tới gia tiên, mong được phù hộ sức khỏe, may mắn, mọi sự hanh thông.
Trong đó, thắp 1 nén hương là thờ Nhân (gia tiên); 3 nén là thờ Thiên (Thần Trời), Địa (Thần Đất), Nhân (gia tiên); 5 nén là thờ năm đức tính của con người là (Nhân , Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) cũng có người cho rằng là thờ ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ); 7 và 9 nén hương – tượng trưng cho “vía” của con người (nam 7, nữ 9).
Vào ngày Tết, cúng giỗ, động thổ, cưới xin hoặc những khi tiến hành các việc quan trọng trong đời, người Việt thường thắp 3 nén hương.
“Tuy nhiên, nhiều gia đình hiện nay lại có thói quen thắp hương liên tục trong những ngày Tết nghĩa là cứ thấy hương tàn lại thắp tiếp lượt mới, như vậy là phản khoa học. Theo tôi, ngày Tết chỉ cần thắp 3 tuần hương chứ không nên đốt mãi. Vì trong hương có những chất không tốt, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của con người”, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú bày tỏ.
Lưu ý khi thắp hương
Theo ông Nguyễn Mạnh Linh, Trưởng phòng Phong thủy kiến trúc (Viện Quy hoạch & Kiến trúc đô thị – Đại học Xây dựng), khi thắp hương nén tại chùa nên chú ý: Sau khi đốt hương, dùng hai tay cầm lấy hương. Dùng ngón giữa và ngón trỏ của hai tay giữ lấy hương, ngón cái tì vào cuối chân hương.
Đặt hương gần với tim, có ý nghĩa tượng trưng cho “tâm hương”. Đưa hương lên ngang ấn đường, lễ kính cúng dường. Dùng hai tay cắm hương vào giữa lư hương.
Còn tại gia đình bàn thờ cần chú ý không quá cao hoặc quá thấp, đặt bát hương sao cho người thắp hương đứng cắm dễ dàng, không phải kiễng chân, hay trèo ghế. Khi thắp hương, không nên nói chuyện với người khác. Không dùng miệng thổi tắt lửa. Trong thời gian thắp hương, không nên đưa mũi lại gần để ngửi.