Phố Lãn Ông là một con phố dài 180 mét, bắt đầu từ ngã tư Hàng Đường - Hàng Ngang kéo dài đến phố Thuốc Bắc trong khu phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Đức Môn, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương cũ.Thời thuộc địa người Pháp gọi đây là phố Phúc Kiến (rue des Phuc Kien) vì có rất đông Hoa kiều gốc tỉnh Phúc Kiến đến cư ngụ. Trường tiểu học Hồng Hà ở số 40 Lãn Ông chính là Hội quán Phúc Kiến xưa, được xây từ năm 1817.Sau Cách mạng tháng 8/1945, phố vẫn mang tên là Phúc Kiến, đến năm 1949 mới đổi tên thành phố Lãn Ông. Cái tên đó được giữ nguyên đến nay.Lãn Ông tức Hải Thượng Lãn Ông là tên hiệu của Lê Hữu Trác (1720 – 1791), một danh y trong lịch sử Việt Nam. Việc đặt tên phố Lãn Ông bắt nguồn từ nghề Đông y có lịch sử lâu đời trên phố.Theo các sử liệu, những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông là người Hoa kiều, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ Phó đến từ tỉnh Phúc Kiến.Sau đó có nhiều lương y người Việt thành danh trên phố này. Họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có tiếng như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc, Hành Thiện...Sau nhiều thăng trầm lịch sử, nghề Đông y trên phố Lãn Ông được cha truyền con nối và giữ nguyên sức sống cho đến nay, không bị phai nhạt như nhiều nghề truyền thống ở các phố khác trong khu phố cổ.Dọc phố Lãn Ông có hàng chục cửa hàng thuốc Đông Y nằm san sát nhau, bán đủ mọi loại thuốc từ cao cấp như nhân sâm, linh chi, mật gấu... cho tới các loại bình dân quen thuộc như hoa hòe, nụ vối...Điều này khiến cả con phố mang một mùi hương nồng nàn đặc trưng, là sự kết hợp của vô số loại thảo dược, khiến những người ở xa khi đi qua phố không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng.Các loại thuốc được đựng trong những bao giấy hay đóng gói trong những túi nhựa xếp đầy trước bậc thềm của các cửa hàng......Hay chất thành chồng cao trên tủ kính, thậm chí treo lủng lẳng phía trên đầu, tạo nên một nét văn hóa kinh doanh thú vị chỉ có ở phố cổ Hà Nội.Người bán hàng đa phần là phụ nữ. Với quy mô buôn bán thời hiện đại, họ dùng những chiếc cân đĩa có thể cân được đến hàng yến thay cho những chiếc cân cán gỗ, đĩa đồng để đong thuốc theo lạng thời xưa.Nhiều nhà thuốc kiểu truyền thống ở phố Lãn Ông vẫn được duy trì với những chiếc tủ gỗ đựng thuốc cũ kỹ có rất nhiều ngăn kéo, mỗi ngăn có đề tên thuốc. Người bệnh đến đây sẽ được bắt mạch và kê đơn. Trong ít phút, thuốc được gói thành những gói vuông vức giao cho khách.Nói thêm về danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, ông quê làng Liêu Xá (Yên Mỹ, Hưng Yên) nhưng chủ yếu thì lại sống ở quê mẹ là làng Tình Diễm (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Lúc nhỏ theo cha ăn học ở Thăng Long. Năm 20 tuổi, cha mất, ông về quê nuôi mẹ và chuyên về y học.Qua ba chục năm làm thuốc, ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị đặc biệt là bộ “Y tông tâm lĩnh”, “Bách gia tân trang”, “Hành giản trân như”, gồm 63 quyển. Ông được người đời xưng tụng như một thầy thuốc hàng đầu nước Việt.Năm 1781 chúa Trịnh Sâm triệu Hải Thượng Lãn Ông ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán.Ông có thuật lại chuyến đi Kinh thành trong quyển “Thượng Kinh ký sự” là một tác phẩm văn học có giá trị trong kho tàng văn học cổ Việt Nam...Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt Nam quê hương tôi.
Phố Lãn Ông là một con phố dài 180 mét, bắt đầu từ ngã tư Hàng Đường - Hàng Ngang kéo dài đến phố Thuốc Bắc trong khu phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Đức Môn, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương cũ.
Thời thuộc địa người Pháp gọi đây là phố Phúc Kiến (rue des Phuc Kien) vì có rất đông Hoa kiều gốc tỉnh Phúc Kiến đến cư ngụ. Trường tiểu học Hồng Hà ở số 40 Lãn Ông chính là Hội quán Phúc Kiến xưa, được xây từ năm 1817.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, phố vẫn mang tên là Phúc Kiến, đến năm 1949 mới đổi tên thành phố Lãn Ông. Cái tên đó được giữ nguyên đến nay.
Lãn Ông tức Hải Thượng Lãn Ông là tên hiệu của Lê Hữu Trác (1720 – 1791), một danh y trong lịch sử Việt Nam. Việc đặt tên phố Lãn Ông bắt nguồn từ nghề Đông y có lịch sử lâu đời trên phố.
Theo các sử liệu, những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông là người Hoa kiều, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ Phó đến từ tỉnh Phúc Kiến.
Sau đó có nhiều lương y người Việt thành danh trên phố này. Họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có tiếng như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc, Hành Thiện...
Sau nhiều thăng trầm lịch sử, nghề Đông y trên phố Lãn Ông được cha truyền con nối và giữ nguyên sức sống cho đến nay, không bị phai nhạt như nhiều nghề truyền thống ở các phố khác trong khu phố cổ.
Dọc phố Lãn Ông có hàng chục cửa hàng thuốc Đông Y nằm san sát nhau, bán đủ mọi loại thuốc từ cao cấp như nhân sâm, linh chi, mật gấu... cho tới các loại bình dân quen thuộc như hoa hòe, nụ vối...
Điều này khiến cả con phố mang một mùi hương nồng nàn đặc trưng, là sự kết hợp của vô số loại thảo dược, khiến những người ở xa khi đi qua phố không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng.
Các loại thuốc được đựng trong những bao giấy hay đóng gói trong những túi nhựa xếp đầy trước bậc thềm của các cửa hàng...
...Hay chất thành chồng cao trên tủ kính, thậm chí treo lủng lẳng phía trên đầu, tạo nên một nét văn hóa kinh doanh thú vị chỉ có ở phố cổ Hà Nội.
Người bán hàng đa phần là phụ nữ. Với quy mô buôn bán thời hiện đại, họ dùng những chiếc cân đĩa có thể cân được đến hàng yến thay cho những chiếc cân cán gỗ, đĩa đồng để đong thuốc theo lạng thời xưa.
Nhiều nhà thuốc kiểu truyền thống ở phố Lãn Ông vẫn được duy trì với những chiếc tủ gỗ đựng thuốc cũ kỹ có rất nhiều ngăn kéo, mỗi ngăn có đề tên thuốc. Người bệnh đến đây sẽ được bắt mạch và kê đơn. Trong ít phút, thuốc được gói thành những gói vuông vức giao cho khách.
Nói thêm về danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, ông quê làng Liêu Xá (Yên Mỹ, Hưng Yên) nhưng chủ yếu thì lại sống ở quê mẹ là làng Tình Diễm (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Lúc nhỏ theo cha ăn học ở Thăng Long. Năm 20 tuổi, cha mất, ông về quê nuôi mẹ và chuyên về y học.
Qua ba chục năm làm thuốc, ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị đặc biệt là bộ “Y tông tâm lĩnh”, “Bách gia tân trang”, “Hành giản trân như”, gồm 63 quyển. Ông được người đời xưng tụng như một thầy thuốc hàng đầu nước Việt.
Năm 1781 chúa Trịnh Sâm triệu Hải Thượng Lãn Ông ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán.
Ông có thuật lại chuyến đi Kinh thành trong quyển “Thượng Kinh ký sự” là một tác phẩm văn học có giá trị trong kho tàng văn học cổ Việt Nam...
Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt Nam quê hương tôi.