Là một Hoàng đế, việc có con đàn cháu đống là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, chính vì vậy mà hậu cung luôn có muôn vàn mỹ nữ. Những nữ nhân của Hoàng đế chắc chắn sẽ có cuộc sống tốt hơn những người bình thường, sẽ được ăn ngon mặc đẹp và không phải lo lắng về cơm áo gạo tiền. Nhưng đó là khi Hoàng đế vẫn còn tại vị, nếu ông không may băng hà thì những nữ nhân của ông sẽ sống như thế nào?
Người đầu tiên cần phải xét đến là sinh mẫu hoặc dưỡng mẫu của Hoàng đế kế vị, họ sẽ được lập làm Hoàng thái hậu. Nhưng với những phi tần khác trong hậu cung Tiên đế thì không được may mắn như vậy. Chung quy lại, những nữ nhân trong hậu cung Tiên đế có 3 con đường chính để đi, nhưng đối tượng sẽ khác nhau.
Trước hết, với những phi tần chưa từng mang thai và sinh con thành công, những người này thường sẽ được gửi đến chùa và ép buộc xuất gia. Chẳng hạn như Võ Tắc Thiên, bà cũng được gửi đến chùa, nếu không có sự ân sủng của Đường Cao Tông Lý Trị thì chắc chắn bà sẽ phải dành cả phần đời còn lại ở cửa Phật.
Đối với nhóm phi tần đã mang thai và sinh con cho Tiên đế, họ sẽ được giữ lại và tiếp tục sống ở hậu cung hoặc đưa đến phủ riêng của con trai họ. Theo đó, con trai của các phi tần Trung Hoa thường được phong Vương ở các vùng đất khác nhau, có thể xem là hô mưa gọi gió ở những vùng đất đó. Những phi tần được đưa đến sống cùng con trai ở phủ riêng đương nhiên sẽ có cuộc sống tuổi già nhàn nhã, có kẻ hầu người hạ, thậm chí còn thoải mái hơn sống ở hậu cung.
Chính vì vậy, được xuất cung đến sống cùng con trai được xem là ân huệ vô cùng lớn với những phi tần này.
Còn với những phi tần tiếp tục sống ở hậu cung, họ sẽ được Tân đế phong hiệu, chuyển đến ở biệt cung và được nuôi dưỡng đến cuối đời. Về lý thuyết, cuộc sống của những người này sẽ trải đầy nhung lụa đến khi chết, nhưng thực chất, họ phải sống trong lầm lũi cô đơn đến cuối phần đời còn lại.
Bên cạnh đó, ở hậu cung còn có những cung nữ được chọn nhập cung nhưng chưa bao giờ được tiếp xúc với Hoàng đế, không được Hoàng đế thị tẩm. Với trường hợp này, mỗi triều đại có những quy định khác nhau.
Một số thời kỳ cho phép cung nữ về quê, chẳng hạn như triều nhà Thanh, hầu hết các cung nữ hơn 30 tuổi sẽ bị buộc phải xuất cung. Tuy nhiên, những cung nữ quá lứa lỡ thì này, nếu xuất cung cũng có rất ít khả năng lấy chồng.
Trong khi đó, triều nhà Minh không cho phép cung nữ xuất cung. Chỉ duy nhất vào thời Minh Hiến Tông, chỉ vì lời nói của Đại thần Lý Hiền mà một nhóm cung nữ mới được "thả" ra khỏi hoàng cung.
Tuy nhiên, còn một con đường tàn nhẫn hơn nữa, đó chính là tuẫn táng. Quy định tuẫn táng xuất hiện từ thời nhà Tần nhưng ngày càng bị các triều đại về sau hủy bỏ. Đến thời nhà Minh, Chu Nguyên Chương đã một lần nữa khôi phục lại chế độ tuẫn táng này.
Khi Hoàng đế mất sẽ được chôn cùng nhiều người khác, một số người bị chôn sống nhưng cũng có một bộ phận bị giết hoặc tự sát trước khi chôn. Theo quan điểm của người xưa, tuẫn táng là cách để đảm bảo người chết dù sang đến thế giới bên kia vẫn luôn được hầu hạ và sống sung túc. Nhưng dù thế nào thì kết cục này rất thê thảm đối với những nữ nhân chân yếu tay mềm ở hậu cung.