Cụ thể là quân Mỹ đã có kế hoạch ném bom hạt nhân vào Trung Quốc để ngăn chặn quốc gia này phong tỏa vùng vịnh Đài Loan. May mắn là Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight Eisenhower đã quyết định từ bỏ các biện pháp quân sự cực đoan chống lại Bắc Kinh, khi mà các máy bay ném bom chiến lược của Không quân Mỹ đã sẵn sàng cho sứ mạng hủy diệt của mình...
Tài liệu đáng chú ý được Lầu Năm Góc giải mật này nằm trong kho lưu trữ của Không quân Mỹ, trước khi được Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia tại Trường đại học Tổng hợp George Washington công bố. Tất cả chỉ được đưa ra ánh sáng sau một quyết định của tòa án dựa trên luật tự do thông tin – một kết quả mà cộng đồng các nhà sử học Mỹ đạt được sau gần 10 năm đề nghị.
Nội dung một trong số những tài liệu quan trọng này cho thấy, Eisenhower đã chỉ đạo các chỉ huy quân sự cao cấp tại Lầu Năm Góc từ bỏ kế hoạch tấn công hạt nhân vào Trung Quốc, một phương án được coi là "khả thi" sau khi Bắc Kinh cho phong tỏa vùng vịnh Đài Loan.
Vào thời điểm đó, căng thẳng xung quanh Đài Loan bắt đầu leo thang với việc Trung Quốc thắt chặt các biện pháp bao vây hòn đảo này. Pháo binh Trung Quốc đã bắn phá hai hòn đảo tiền tiêu của Đài Loan.
Trước tình hình này, Tổng thống Eisenhower đã chấp thuận đề xuất của tham mưu trưởng liên quân về việc cử tàu chiến viện trợ cho hai hòn đảo, cũng như hỗ trợ khả năng phòng không cho Đài Loan. Đã có không ít cuộc đối đầu quyết liệt giữa máy bay của hai bên tại khu vực này.
"Eisenhower ban đầu dự tính rằng, Trung Quốc sẽ được cảnh báo trước bằng những loại vũ khí thông thường, trước khi Mỹ quyết định thả những trái bom hạt nhân hủy diệt hàng loạt xuống quốc gia này" – một phần trong tài liệu giải mật ghi rõ như vậy. Khi tình hình đã có những leo thang căng thẳng mới, Lầu Năm Góc ra lệnh phải chuẩn bị triển khai những biện pháp đáp trả mang tính cực đoan hơn.
Cụ thể là vào tháng 8/1958, Không quân Mỹ đã đưa vào tình trạng báo động chiến đấu cao nhất đối với 5 máy bay ném bom B-47, tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng cho sứ mạng ném bom hạt nhân xuống lãnh thổ Trung Quốc.
Khả năng sử dụng biện pháp hủy diệt trên để giải quyết xung đột đã được Quốc hội cũng như toàn thể nội các của Eisenhower phê chuẩn. Người duy nhất không tham gia bật đèn xanh cho chiến dịch này chính là Ngoại trưởng John Foster Dulles, khi đó đang bận trong một kỳ nghỉ riêng.
Liên quan đến kế hoạch này, người đứng đầu Hội đồng tham mưu liên quân, tướng không quân Nathan Twining đã đề xuất nên ném một số quả bom nguyên tử công suất 10-15 kiloton xuống các khu vực lân cận của Xiamen, một thành phố nằm trên bờ biển của Trung Quốc thẳng hướng với phía Đài Loan.
Kế hoạch của Lầu Năm Góc còn dự kiến thêm, nếu như sau đòn tấn công hạt nhân trên, Trung Quốc vẫn không chịu chấm dứt phong tỏa Đài Loan, Mỹ sẽ tiếp tục đánh phá các sân bay của Trung Quốc khiến họ không có cơ hội đáp trả.
May mắn là cuộc khủng hoảng trên đã được giải quyết bằng những phương pháp khác. Eisenhower đã ra lệnh cấm thả bom nguyên tử xuống Trung Quốc do lo ngại sẽ có hàng ngàn dân thường tại cả Trung Quốc và Đài Loan phải thiệt mạng. Hơn nữa, hành vi hiếu chiến trên của Washington có thể dẫn đến khả năng leo thang xung đột hạt nhân nghiêm trọng trên toàn thế giới, do vào thời điểm đó phía Liên Xô cũng đã có bom nguyên tử.
Quyết định trên của Tổng thống Eisenhower ban đầu đã nhận được sự phản đối gay gắt của giới quân sự. Theo tướng không quân Lawrence Kuter (một trong những tác giả của bản kế hoạch tấn công hạt nhân), việc sử dụng vũ khí hạt nhân được coi là hành động cần thiết để đánh bại chính quyền Trung Quốc. Ông này thậm chí còn gọi quyết định "phản ứng có giới hạn" của Tổng thống thay cho kế hoạch hạt nhân là "một thảm họa".
Đến tháng 10 năm đó, phía Trung Quốc tuyên bố chính thức ngừng bắn, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài suốt vài tháng, khiến khả năng leo thang quân sự của Mỹ hoàn toàn bị loại bỏ.