Cố nhà văn Kim Dung thật sự là một cao thủ miêu tả mỹ nữ, ông tả về những đại mỹ nhân khác, như Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ, Nhậm Doanh Doanh, Hương Hương công chúa, đều đã miêu tả dung nhan của họ một cách cụ thể.
Hoàng Dung là "da trắng hơn tuyết, quyến rũ vô cùng"; tả Tiểu Long Nữ thì nàng "áo trắng phất phơ, thoát tục như tiên"; tả Nhậm Doanh Doanh, thì đặc biệt tả "gương mặt trái xoan", "lông mi rất dài" của nàng; tả về Hương Hương công chúa, cũng nhấn mạnh mùi hương kỳ lạ của nàng.
Tuy nhiên, khi tả Trần Viên Viên, mỹ nhân nổi tiếng của lịch sử, thì lại căn bản không có dùng bất kỳ sự miêu tả nào, chỉ hết sức miêu tả phản ứng, thần thái, tâm lý và lời nói của những người đàn ông khi nhìn thấy Trần Viên Viên.
Xuất hiện trong bộ tiểu thuyết Bích huyết kiếm và Lộc đỉnh ký của cố nhà văn Kim Dung, Trần Viên Viên đã được mô tả một cách sống động về vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của nàng.
Trong Bích huyết kiếm, công chúa A Cửu vốn đã là một mỹ nhân trong các mỹ nhân, Ôn Thanh Thanh cũng lại hết sức tự phụ về nhan sắc, nhưng khi trông thấy A Cửu, liền không khỏi tự ti mặc cảm. A Cửu vốn đã khiến cho bọn đàn ông Lưu Tông Mẫn tranh giành, vậy mà Trần Viên Viên vừa mới xuất hiện, hết thảy anh hùng thảo mãng kia ngay lập tức quên phách cô công chúa xinh đẹp này, không ai không bị vẻ đẹp của Trần Viên Viên làm cho mê mẩn đến nỗi đầu óc choáng váng, ngay đến cả Viên Thừa Chí "định lực cực cao" đều không khỏi xao động trong lòng: "Thiên hạ lại có nữ nhân xinh đẹp đến như vậy sao!". Thời khắc đó, được Kim Dung miêu tả như sau:
"Trong điện Hoàng Cực nhất thời im lặng như tờ, bỗng 'xoảng' một tiếng, có chén rượu trong tay người rơi xuống đất, tiếp đó lại là 'xoảng, xoảng' hai tiếng vang lên, lại có người làm rơi ly rượu… khoảng mười mấy quan quân cùng ào đến cửa, tranh nhau muốn liếc mắt nhìn thêm, mãi đến khi hình bóng của Trần Viên Viên biến mất hẳn, mới quyến luyến mà từ từ trở về chỗ ngồi…".
Trong Lộc đỉnh ký với một bút pháp kể chuyện có xen mô tả khá tinh tế, nhà văn Kim Dung đã xây dựng một Trần Viên Viên trở thành đệ nhất đại mỹ nhân trong hàng ngàn nhân vật nữ trong tiểu thuyết của mình. Trong Lộc đỉnh ký, Kim Dung đã mô tả 1 đoạn nhân vật chính Vi Tiểu Bảo gặp Trần Viên Viên tại một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô thành Côn Minh. Dù ít học và thô lậu, lại quen biết nhiều người đẹp, trong đó có con gái của Viên Viên, nhưng Vi Tiểu Bảo vẫn xiêu lòng trước tài sắc của người phụ nữ gấp đôi tuổi mình.
Nhà văn Vũ Đức Sao Biển từng dành những lời khen ngợi khi so sánh nhân vật này với các đại mỹ nhân khác trong thế giới truyện Kim Dung: "Những Tiểu Long Nữ, Nhậm Doanh Doanh, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu, Hân Tố Tố, Viên Tử Y, Vương Ngữ Yên... cũng là những đại mỹ nhân nhưng là đại mỹ nhân ở tuổi 18-20. Họ không thể sánh bằng Trần Viên Viên ở tuổi 40 tươi đẹp, chân tình, trí tuệ, tài hoa và đau khổ!".
Một trong số 8 người phụ nữ đẹp nhất Trung Hoa
Trần Viên Viên (1624-1681), tên tự là Uyển Phân, là một mỹ nhân thời Minh mạt - Thanh sơ trong lịch sử Trung Quốc. Nàng từng được xưng tụng là một trong Tần Hoài bát diễm (một trong 8 người đẹp Thời Minh-Thanh phân tranh) và cũng bị quy cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc danh tướng Ngô Tam Quế dẫn quân Thanh chiếm Trung Nguyên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Viên Viên là mỹ nhân để lụy anh hùng.
Viên Viên xuất thân từ một gia đình lao động nghèo ở thôn Thái Nguyên, Vũ Tiến, Hình Châu. Mẹ Viên Viên sinh nàng chẳng được bao lâu thì mất. Cha vốn là một người buôn bán nhỏ nhưng do hoàn cảnh bần hàn nên đã bỏ đi xa, để lại cô con gái duy nhất cho người em vợ nuôi. Do hoàn cảnh mồ côi sớm, lớn lên Viên Viên mang họ Trần, theo họ của chồng người dì ruột đã có công nuôi dưỡng nàng. Bà cho người đến dạy dỗ, Trần Viên Viên đã sớm thành thục cầm, kỳ, thi, họa.
Khi trưởng thành, Viên Viên đã lọt vào mắt xanh của một kỹ viện nổi tiếng nhất Giang Tô. Tiếng tăm của nàng đã nhanh chóng lan ra khắp thiên hạ, nhắc đến nàng, người đời mô tả lại rằng: Kỹ nữ này sở hữu một sức hút khó cưỡng từ đôi môi căng mọng. Mỗi khi nhìn ai, người đối diện cũng đều phải luống cuống khi lỡ nhìn vào cặp mắt đẹp mê hồn của nàng. Mái tóc của Viên Viên dài óng và mượt mà như nước hồ thu, nước da trắng ngần như sứ, thân hình mảnh mai và mỏng manh như thuỷ tinh". Nàng còn được biết đến bằng cái tên "Giang Tô đệ nhất kỹ nữ".
Ngoài nhan sắc, Viên Viên còn có kỳ tài về cầm, kỳ, thi, họa nổi bật so với những kỹ nữ cùng thời. Khi ấy, hoàng đế Sùng Trinh đang sủng ái Điền Quý phi, làm cho Chu hoàng hậu rất ghen tức. Biết chuyện, cha của Chu hoàng hậu đến kỹ viện bỏ tiền ra mua Viên Viên, để đưa vào cung phục vụ hoàng đế. Kề cận được Viên Viên, Sùng Trinh cứ ở mãi trong cung không muốn ra thiết triều. Và như người xưa đã nói "hồng nhan bạc phận", cuộc đời nàng kỹ nữ Viên Viên nổi tiếng thời ấy không êm đềm dưới trướng Sùng Trinh mà ngã sang hướng mới khi nàng gặp Ngô Tam Quế.
Trong một bữa tiệc tại phủ, quốc trượng Chu Khuê cho Viên Viên ra múa hát, nhan sắc cùng tài năng của nàng đã lọt vào mắt xanh của Ngô Tam Quế. Khi viên võ quan này được cử ra trấn thủ Sơn Hải quan, để ngăn chặn quân Mãn Châu, Sùng Trinh đã ban Viên Viên cho Ngô Tam Quế. Anh hùng được mỹ nhân, cùng nhau vui vầy cá nước, phỉ tình nhung nhớ bấy lâu nay. Tiếc rằng trời xanh ghen gái má hồng, Viên Viên chưa được thỏa tình gần gũi người anh hùng thì có chiếu của triều đình ban xuống, lệnh cho Ngô Tam Quế cấp tốc phải về quan ải, chỉnh đốn quân binh sửa soạn chống đỡ với giặc ngoại xâm. Ngô Tam Quế đành dứt áo ra đi, để lại người vợ trẻ mới cưới mấy ngày cho phụ thân chăm sóc.
Năm 1644, lực lượng của Lý Tự Thành vào chiếm Bắc Kinh, lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đại Thuận. Sùng Trinh bỏ chạy rồi tự vẫn ở Môi Sơn. Khi nghe tin quân nổi dậy uy hiếp kinh đô, Ngô Tam Quế liền dẫn binh về cứu. Dọc đường, biết Bắc Kinh đã thất thủ, vua Minh đã chết, lại nghe Lý Tự Thành dụ dỗ nên Ngô Tam Quế đã định hàng. Nhưng khi hay ái thiếp của mình là Trần Viên Viên bị Tự Thành chiếm đoạt, Ngô Tam Quế nổi giận, đến xin hợp với quân Đa Nhĩ Cổn đem quân quay về đánh kinh thành.
Triều đình do Lý Tự Thành lập nên chưa bình ổn được bao lâu thì phải đối mặt với hiểm họa từ phương bắc.
Lý Tự Thành chống cự yếu ớt, cuối cùng phải tự đốt thành trì và rút khỏi Bắc Kinh chạy về hướng Tây. Tàn quân của Lý Tự Thành bị Ngô Tam Quế và quân Thanh truy đuổi ráo riết. Người Mãn sau khi chiếm được Trung Hoa thì lập nên nhà Thanh, cầm quyền trong suốt 300 năm.
Kết cục của Trần Viên Viên không rõ ràng. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại lẫn sự truyền miệng của nhiều người thì nàng có nhiều kết cục khác nhau.
Theo một số tài liệu được ghi lại thì sau khi chiến thắng và thành lập nhà Thanh, Trần Viên Viên đã được đoàn tụ với Ngô Tam Quế. Cũng có tài liệu ghi rằng nàng đã bị giết trong loạn binh khi Bắc Kinh thất thủ.
Tuy nhiên, kết cục phổ biến nhất được nhiều người kể lại là: Sau khi quân Mãn Thanh dẹp được Lý Tự Thành, mở ra một trang mới cho lịch sử Trung Quốc. Ngô Tam Quế nhờ vậy cũng trở thành một vị đại tướng của nhà Thanh. Thế nhưng, cay đắng thay cho Trần Viên Viên, do lo ngại bị điều tiếng lấy phải kỹ nữ, Ngô Tam Quế liền đưa nàng lên sống cô đơn trên một ngôi chùa vắng ở Côn Sơn - Vân Nam. Cuối đời, nàng kỹ nữ nổi tiếng nhất đời Minh – Thanh trở thành một vị đạo cô, nàng sống ẩn dật và chết một cách âm thầm trong cô quạnh.