Minh Thế Tông là vị Hoàng đế thứ 12 của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc, niên hiệu là Gia Tĩnh. Ông cai trị tổng cộng 45 năm và là một trong những vị Hoàng đế Trung Quốc tại vị trên ngai vàng lâu nhất, nhờ lên ngôi từ khi 15 tuổi.
Trong quãng thời gian đầu, Gia Tĩnh tiến hành cải cách toàn diện, chăm lo quốc sự, dẹp trừ hoạn quan. Nhưng càng về sau, vị vua nhà Minh càng trở nên độc đoán, đối xử tệ bạc với cung nữ, để lại tiếng xấu muôn đời sau.
Minh Thế Tông nổi tiếng là hoàng đế tàn ác và hoang dâm. Ảnh minh họa.
18 năm cuối cùng, Minh Thế Tông dần dần bỏ bê chính sự, không buồn thiết triều, pháp kỷ quốc gia cũng dần bị bãi bỏ.
Theo Ancient Origins, Gia Tĩnh là vị vua ham mê tình dục vô độ. Và cũng giống như các hoàng đế khác trong lịch sử Trung Quốc, Gia Tĩnh cũng tìm mọi cách để có được thuốc cường tráng, trường sinh bất lão.
Vị hoàng đế ăn chơi, trụy lạc vô độ
Sau khi hoàng đế Trung Hoa Minh Vũ Tông qua đời mà không có con nối dõi, người em họ Chu Hậu Thông nối ngôi ở tuổi 15, gọi là Minh Thế Tông.
Mặc dù được xem là một vị vua có nhiều đóng góp tích cực và cũng là một trong những Hoàng đế tại vị trên ngai vàng lâu nhất Trung Hoa, thế nhưng Chu Hậu Thông cũng phạm phải hai nhược điểm chí mạng. Đó chính là mù quáng tin theo đuổi trường sinh bất lão và ham muốn tình dục vô độ.
Những đạo sĩ lợi dụng điểm yếu này của nhà vua để xin vào cung để bào chế đan dược, nhằm trục lợi riêng.
Trong số những bài thuốc mà Minh Thế Tông từng sử dụng, nổi tiếng nhất là một thứ thuốc được tin là vừa có khả năng đem lại sự trường sinh, lại vừa tăng cường bản lĩnh đàn ông.
Cho đến nay, vẫn chưa rõ các đạo sĩ đã bào chế loại thuốc gì cho nhà vua sử dụng, nhưng nó rõ ràng khiến sức khỏe nhà vua yếu đi rõ rệt sau một thời gian dài.
Minh Thế Tông nổi tiếng là hoàng đế ăn chơi vô độ.
Trong 18 năm cuối đời, vua Minh Thế Tông không còn màng chính sự, phong trào nhân dân đấu tranh chống triều đình ngày càng mạnh mẽ.
Nghiên cứu của các nhà khoa học sau này đi đến kết luận, đa số các loại thuốc trường sinh và thuốc cường dương thời Trung Hoa cổ xưa đều được điều chế từ các chất độc.
Người sử dụng tích dần chất độc vào cơ thể, đến một thời điểm nhất định thì phát tác, không có cách nào chữa được.
Nhâm Dần cung biến
Cuộc nổi loạn ám sát vua Minh Thế Tông được sử sách Trung Quốc gọi là Nhâm dần cung biến. Sự việc xảy ra vào năm Gia Tĩnh thứ 21 (1542), do một nhóm 16 cung nữ mang theo hung khí xông vào Càn Thanh Cung với âm mưu lấy mạng hoàng đế.
Có người nói rằng, nguyên nhân của cuộc cung biến này bắt nguồn từ việc vua Gia Tĩnh sáng nào cũng yêu cầu cung nữ phải lấy nước sương sớm để dùng cho việc cầu tiên, tu đạo. Gia Tĩnh lại còn hay hành hạ các cung nữ, đối xử rất tàn bạo với họ, khiến nhiều người bất mãn, tạo nên chính biến.
Một số sử gia hiện đại thì đem đến một góc nhìn khác, họ cho rằng Nhâm Dần cung biến chẳng qua chỉ là chiêu "mượn dao giết người" của một nhóm quan lại bất mãn trong triều. Những người này dùng cung nữ để trừ khử hoàng đế, nhưng không thành công.
Nhân lúc đêm khuya, 16 cung nữ đem theo dải lụa, trâm cài tóc vào Càn Thanh Cung để hạ sát Gia Tĩnh, khi hoàng đế nhà Minh đang nghỉ một mình.
Phác họa cảnh các cung nữ xúm lại mưu sát hoàng đế.
Nhóm cung nữ này ban đầu định dùng lụa thắt cổ hoàng đế nhưng vì thắt nhầm nút, không thể siết chặt thòng lọng nên kế hoạch bất thành. Các cung nữ dùng tất cả những gì có thể để mưu sát vua.
Theo Ancient Origins, vụ ám sát khiến hoàng đế Trung Hoa bất tỉnh nhưng không chết. Gia Tĩnh tỉnh lại vào ngày hôm sau.
Vụ việc đến tai hoàng hậu và 16 cung nữ bị xử tội bằng hình thức hết sức tàn bạo là "lăng trì". Cung biến này còn liên đới tới 2 sủng phi của nhà vua lúc bấy giờ, khiến cho không ít gia tộc phải chịu cảnh chết chung.
Cung biến không thành, nhưng nó vẫn khiến Minh Thế Tông bàng hoàng và khiếp sợ đến hết đời.
Sau sự việc này, Gia Tĩnh không dám lưu lại Càn Thanh cung, mà dời về Tây Uyển. Mãi tới lúc sắp qua đời, nhà vua đồng ý mới chuyển về cung điện cũ.
Kể từ đó, Càn Thanh cung luôn bày 27 chiếc giường để đảm bảo an toàn tối đa cho hoàng đế. Không ai biết hoàng đế ngủ ở đâu trong đêm, trừ người thân cận và các thái giám.
Năm 1567, Gia Tĩnh suốt một thời gian dài uống thần dược với hi vọng trường thọ nhưng rồi trúng độc nặng, các ngự y giỏi nhất cũng bó tay. Kết quả là hoàng đế Minh Thế Tông qua đời Cung Vạn Thọ, thọ 60 tuổi.