Theo trang mạng Qulishi, Bạch Khởi (? – 257 TCN) là đại tướng quân thời Chiến Quốc, lập nhiều chiến công, làm tiền đề để Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa. Các nhà sử học hiện đại đánh giá Bạch Khởi là vị tướng tài năng nhất trong bốn vị đại tướng thời Chiến Quốc, 3 người còn lại là Vương Tiễn, Liêm Pha và Lý Mục.
Trong khi các tướng lĩnh thời Chiến Quốc dựa nhiều vào binh pháp khi ra trận, Bạch Khởi lại dùng binh không theo sách. Có thể nói, Bạch Khởi một khi cầm quân thì đã đánh là thắng, không gì có thể ngăn nổi. Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, hầu như rất ít tướng lĩnh có được những tố chất như ông.
Đại tướng mạnh nhất thời Chiến Quốc
Tổ tiên Bạch Khởi là người nước Sở, sau đó đến định cư ở huyện Mi, nước Tần, đổi sang họ Bạch. Cha Bạch Khởi xuất thân là binh sĩ nhà Tần. Ông từ nhỏ theo cha sống trong môi trường quân ngũ, lại rất ham học về quân sự.
Chiến công đầu tiên của Bạch Khởi là vào năm 294 TCN, khi đó ông cùng quân Tần đi đánh nước Hàn, một trong ba nước tách ra từ nước Tấn nên gọi là Tam Tấn. Chiến dịch thành công khi quân Tần chiếm được Tân Thành.
Bạch Khởi từ đó nhanh chóng lọt vào mắt xanh của tướng quốc nhà Tần là Ngụy Nhiễm. Năm đó, Ngụy Nhiễm tiến cử Bạch Khởi lên vua Tần Chiêu Tương vương, phong làm tướng.
|
Bạch Khởi trong phim truyền hình Trung Quốc.
|
Chỉ một năm sau, Bạch Khởi trong tay chỉ có 12 vạn quân nhưng đã đánh bại 24 vạn liên quân nước Ngụy và nước Hàn trong trận Y Khuyết. Đây được coi là một trong những trận đánh lớn nhất thời Chiến Quốc.
Sau trận đánh này, lần đầu tiên ảnh hưởng của nước Tần đã tới miền trung của Trung Quốc. Quân Hàn-Ngụy bị thiệt hại nặng nề nên buộc phải cắt đất cho Tần để xin cầu hòa.
Trận đánh đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của đại tướng quân Bạch Khởi là đại chiến Trường Bình, nơi quân Tần vây hãm 45 vạn quân Triệu. Tướng Triệu đến ải Trường Bình khi đó là Triệu Quát, vì thiếu kinh nghiệm mà bị Bạch Khởi đánh cho tan tác, phải rút về cố thủ.
Quân Triệu bị vây liên tục trong vòng 46 ngày, mặc dù quân số đông hơn quân Tần nhưng không thể phá vây ra được. Quân Tần ít hơn nhưng dũng mãnh thiện chiến, quân Triệu mấy phen xông ra đều bị đánh bại. Đến lúc hết lương, Triệu Quát phải liều phá vây ra, bị Bạch Khởi hạ lệnh dùng nỏ cứng ngắm bắn nên tử trận. Gần như toàn bộ quân Triệu đầu hàng mà không biết họ phải đối mặt với thảm kịch trước mắt.
Giết hại 45 vạn hàng binh Triệu
Sử ký của Tư Mã Thiên chép lại, vì quân Triệu đầu hàng quá đông, Bạch Khởi sợ không quản lý được, nên bàn với phó tướng Vương Hạt đem giết hết.
Để lừa quân Triệu, ông đem hàng tốt chia làm mười doanh, sai mười viên tướng thống lĩnh, hợp với quân Tần, đem cho trâu rượu, ăn uống và nói rằng ngày mai sẽ chọn binh, người nào khoẻ mạnh đánh trận được, thì cấp cho khí giới và đem về nước Tần , còn người già yếu hay nhát sợ đều cho về Triệu. Quân Triệu mừng rỡ.
Đêm ấy, Bạch Khởi truyền mật lệnh cho mười viên tướng rằng: “Quân Tần đều dùng vải trắng phủ đầu, nếu đầu không có vải trắng, thì tức là quân Triệu, đều phải giết đi”.
Quân Tần theo lệnh, đồng loạt ra tay. 45 vạn quân Triệu chịu chết chỉ trong một đêm. Bạch Khởi thu nhặt những đầu lâu quân Triệu, chất đống ở trong luỹ Tần, ngày nay gọi là núi Đầu Lâu.
Tính ra trong trận Trường Bình, quân Tần sát hại 45 vạn hàng binh Triệu, chỉ còn 240 người ít tuổi được thả về Hàm Đan, kinh đô nước Triệu để truyền lại những gì xảy ra.
Các nhà sử học Trung Quốc từ xưa đến nay đều nghi ngờ con số 45 vạn quân Triệu bị sát hại chỉ trong một đêm. Chu Hi đời Tống trong Chu Hi Ngữ Lục cũng nói Tư Mã Thiên hành văn không đáng tin cậy.
Con số kinh hoàng trên có lẽ không phải chỉ là số quân lính nước Triệu thiệt mạng, mà có lẽ cả số người chết xuyên suốt trong chiến dịch đánh Triệu.
Khiến Tần Thủy Hoàng rước họa
Sử gia Hà Yến thời Tam Quốc nói rằng, việc Bạch Khởi ra lệnh sát hại 45 vạn quân Triệu giống như một “trò lừa đảo”.
Bạch Khởi đã đồng ý tha chết cho những người bại trận để dụ họ đầu hàng. Thế nhưng khi họ đã hạ vũ khí, tất cả đã bị giết hại thảm khốc. Hành động phản ánh sự tàn bạo và không có tầm nhìn xa trông rộng của Bạch Khởi và cả triều Tần.
Hà Yến cũng nhận định, việc làm của Bạch Khởi đã làm tăng phần khó khăn cho việc ổn định thiên hạ của nước Tần.
Kể từ đó, người trong thiên hạ đều nhận ra rằng, họ không thể trông chờ vào kết cục đầu hàng Tần triều, thay vào đó, họ phải chiến đấu đến chết và nuôi nung nấu ý định trả thù.
Vì hy vọng đạt được công lao nhất thời, Bạch Khởi khi đó không thể ngờ được rằng, dã tâm của ông ta đã nung nấu thêm ý chí và quyết tâm của các nước chư hầu.
Kể từ sau cuộc đại thảm sát do Bạch Khởi gây ra, các nước khác liên tiếp tuyênchiến với Tần nên tham vọng thống nhất thiên hạ của Tần Thủy Hoàng trở nên khó khăn hơn.
Có thể nói, trong 37 năm xông pha trận mạc, Bạch Khởi hầu như đánh đâu thắng đó, chém đầu gần 100 vạn quân địch, hạ hơn 73 thành, mở rộng hơn trăm dặm đất đai cho nước Tần.
Bạch Khởi đã trực tiếp tiêu hao sinh lực của các nước mạnh nhất như Triệu và Sở, đưa Tần trở thành nước bá chủ thời Chiến Quốc.
Năm 257 TCN, vì mâu thuẫn với Thừa tướng Phạm Thư mà Bạch Khởi bị vua Tần tước hết chức vị, cuối cùng phải tự sát.
11 năm sau cái chết của Bạch Khởi, Tần Thủy Hoàng lên ngôi khi mới 13 tuổi. Năm 235 TCN, Tần Thủy Hoàng bắt đầu công cuộc chinh phục 6 nước còn lại, tiếp nối những gì mà Bạch Khởi gây dựng. Nhưng Tần Thủy Hoàng cũng thừa hưởng cả sự căm phẫn, oán hận của người dân các nước chư hầu.
Vì vậy mà khi Tần Thủy Hoàng đột ngột qua đời, nội bộ nhà Tần trở nên rối ren vì một hoạn quan nước Triệu. Người dân trên khắp nước Tần cũng đứng lên nổi dậy, khiến cho triều đại thống nhất Trung Hoa sụp đổ nhanh chóng.