Xem đi xem lại Thủy Hử, mấy ai biết được ý nghĩa thực sự của tên truyện
Bên cạnh Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa hay Hồng Lâu Mộng thì Thủy Hử là bộ phim truyền hình Trung Quốc được nhiều thế hệ khán giả yêu thích. Bộ phim dù được tái hiện nhiều lần trên màn ảnh nhỏ nhưng cho đến nay vẫn chưa giảm đi sức hút của mình.
Trong số Tứ Đại Danh Tác Trung Hoa, nếu như Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa và Hồng Lâu Mộng đều là những cái tên khá dễ hiểu thì Thủy Hử Truyện lại là cái tên gây bối rối cho cả độc giả đọc nguyên tác lẫn khán giả xem bản truyền hình chuyển thể.
Bởi lẽ, xuyên suốt tác phẩm kể về câu chuyện của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc này, hai chữ "Thủy Hử" thậm chí không xuất hiện lấy một lần. Trong những bộ phim truyền hình chuyển thể, tình trạng tương tự cũng diễn ra.
Thậm chí, những nhà biên dịch cuốn sách lưu danh kim cổ này sang tiếng nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn trong việc dịch tiêu đề "Thủy Hử".
Vậy tại sao, Thi Nại Am không đặt tên tác phẩm của mình là "Thủy Bạc Lương Sơn" hay "Lương Sơn Truyện" cho dễ hiểu? Ý nghĩa phía sau cái tên "Thủy Hử" thực chất là gì?
Cho đến nay, hậu thế vẫn truyền tai nhau một giai thoại rằng: chính La Quán Trung – "cha đẻ" cuốn danh tác Tam Quốc Diễn Nghĩa chính là người nghĩ ra cái tên Thủy Hử.
Theo đó, La Quán Trung được cho là học trò của Thi Nại Am. Năm xưa, Thi Nại Am vốn định đặt tên cho tác phẩm của mình là Khách Truyện Giang Hồ. Tuy nhiên, chính bản thân ông cũng cảm thấy cái tên này không đủ sức diễn tả hàm ý sâu xa mà ông muốn truyền tải qua tác phẩm.
Ngay sau khi được La Quán Trung gợi ý tên gọi Thủy Hử, Thi Nại Am đã cảm thấy rất tâm đắc và lập tức dùng cái tên súc tích này đặt cho tác phẩm của mình.
Vậy sự súc tích của cái tên Thủy Hử nằm ở đâu? Có hai tầng ý nghĩa ẩn sau tên gọi này.
Thứ nhất, Thủy Hử có nghĩa đen là "bến nước" – nơi các anh hùng có dịp tương ngộ với nhau trước khi cùng nhau lên Lương Sơn tụ nghĩa.
Thứ hai, Thủy Hử được bắt nguồn từ hai câu thuộc bài Miên trong Kinh Thi, gắn liền với điển tích về cuộc di cư đi tìm vùng đất mới để an cư lạc nghiệp của tộc Chu:
Cổ Công Đản Phụ, Lai Hướng Tẩu Mã
Suất Tây Thủy Hử, Chí Vy Kỳ Hạ
Theo đó, tương truyền rằng, thời bấy giờ, bộ tộc Chu đang sống tại đất Mân – mảnh đất nơi biên thùy cằn cỗi, thường xuyên phải hứng chịu sự quấy phá của các thế lực dũng mãnh bên ngoài. Suốt nhiều năm trời, họ phải sống cảnh nghèo khổ, thiếu cơm ăn áo mặc và nguy hiểm rình rập.
Cho đến khi Chu Thái Vương – tức Cổ Công Đản Phụ xuất hiện, bộ tộc ấy mới thay đổi được số mệnh của mình. Dưới sự dẫn dắt và lãnh đạo của Chu Thái Vương, bộ tộc Chu rời khỏi đất Mân, vượt qua bao gian nan, vất vả, vượt sông Tất, sông Thư, núi Lương để đến định cư tại Kỳ Sơn (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) – một vùng đất phì nhiêu, màu mỡ và hoàn toàn không chịu sự quấy phá của bất cứ thế lực nào.
Tại đây, bộ tộc Chu bắt đầu phát triển lớn mạnh, hưng thịnh và cuối cùng thay thế nhà Thương để lập nên nhà Chu, có nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử của đất nước Trung Hoa.
Chính vì thế, chữ Thủy Hử trong hai câu thơ trên chính là để chỉ vùng đất mà Chu Thái Vương đã dẫn bộ tộc mình đến an cư, cũng chính là vùng đất mà họ Chu trở lên hưng thịnh sau này.
Hiểu rộng ra, Thủy Hử còn có nghĩa là "lối ra", là "đường sống", là "nơi an cư lạc nghiệp" của những con người từng trải qua cuộc sống túng quẫn, bế tắc. Hiểu theo nghĩa này, cái tên Thủy Hử dùng để đặt cho câu chuyện về 108 vị anh hùng Lương Sơn trở nên hoàn toàn dễ hiểu.
Chỉ có điều đáng tiếc là, cuối cùng, những anh hùng núi Lương Sơn đã không thể tìm ra "lối thoát", không thể tìm ra con đường đi đến nơi có thể an cư lạc nghiệp giống như bộ tộc họ Chu đã từng làm được.