Là một trong những vị vua nổi tiếng nhất của lịch sử Đại Thanh, Càn Long cả đời sở hữu không ít thê thiếp với số lượng con cái đông đảo.
Thế nhưng các phi tần và hậu duệ của ông đa số đều qua đời sớm. Cũng bởi vậy mà khi bước vào tuổi gần đất xa trời, vị Hoàng đế ấy đã không ít lần phải trải qua cảnh "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh".
Tuy nhiên ít ai biết rằng, "lời nguyền" yểu mệnh này thậm chí còn liên lụy tới cả những người con rể của vị Hoàng đế này.
Minh chứng là trong số các vị Ngạch phò (cách gọi phò mã của nhà Thanh) từng thành thân với 10 vị công chúa của Càn Long, không mấy ai trong số họ là có được kết cục viên mãn.
Con rể đầu tiên của Càn Long và số phận ai oán sau khi được tha chết
Sinh thời, Càn Long tổng cộng có 10 người con gái. Và một trong những nhân vật nổi tiếng nhất phải kể tới Cố Luân Hòa Kính Công chúa – vị Hoàng nữ thứ ba nhưng là lớn nhất trong số những người con gái sống đến tuổi thành niên của nhà vua.
Cố Luân Hòa Kính Công chúa cũng là người con duy nhất còn lại của Hiếu Hiền Hoàng hậu, đồng thời còn là vị hoàng nữ được Càn Long sủng ái nhất trong thời kỳ đầu.
Sau này, Hòa Kính công chúa được gả cho một vị Vương công Mông Cổ xuất thân từ Đa Nhĩ Thấm bộ, tên là Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ.
Sử cũ ghi lại, từ năm lên 9 tuổi, Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ đã được đưa vào hoàng cung nhà Thanh để nuôi nấng và đi học cùng những Hoàng tử khác.
Càn Long lúc sinh thời cũng rất hết lòng chiếu cố người con rể tương lai này. Bằng chứng là ông đã trở thành Phụ quốc công trẻ tuổi nhất từng được sắc phong tính tới thời điểm đó.
Sau khi lớn lên, Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ thành thân cùng Hòa Kính Công chúa, tuy nhiên không trở về thảo nguyên Mông Cổ như luật cũ mà được nhà vua ban phủ đệ và lưu lại kinh thành.
Trên thực đế, đa số các hậu đãi mà vợ chồng Hòa Kính Công chúa nhận được phần lớn đều bắt nguồn từ việc vị hoàng nữ này là cốt nhục duy nhất còn lại của Hiếu Hiền Hoàng hậu.
Sau này, ở Mông Cổ có Chuẩn Cát Nhĩ làm loạn, chồng của công chúa vốn mắc tội dung túng cho phản loạn, lẽ ra phải chịu án chém đầu nhưng cũng may mắn được tha chết vì nhà vua niệm tình Hoàng hậu năm xưa, không nỡ để… công chúa thủ tiết!
Tuy nhiên kể từ sau sự việc lần đó, cuộc sống của vị Ngạch phò Thanh triều này dường như đã rẽ sang một hướng khác.
Vốn có tiền đồ rất rộng mở, lại được cha vợ nâng đỡ, lẽ ra Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ có thể trở thành một trong những đại thần cốt cán đương triều.
Thế nhưng từ sau vụ việc dung túng phản loạn, ông dần trở thành một nhân vật lu mờ. Tới năm 1775 khi tham gia chiến dịch Kim Xuyên, vị Ngạch phò ấy bất ngờ chết trận, để lại Hòa Kính Công chúa sống gần 2 thập kỷ trong cảnh góa bụa.
Được làm rể Hoàng tộc, con trai Hòa Thân cũng phải qua đời trong tức tưởi
Nếu Hòa Kính Công chúa là người con gái được Càn Long thương yêu nhất trong giai đoạn đầu thì Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa chính là vị hoàng nữ được nhà vua sủng ái nhất khi về già.
Năm 1789, Hòa Hiếu Công chúa được ban hôn cho Phong Thân Ân Đức – con trai cả của sủng thần số một lúc bấy giờ là Hòa Thân.
Thế nhưng không ai có thể ngờ rằng, chỉ nửa tháng sau khi Càn Long qua đời, gia đình của Hòa Hiếu Công chúa đã bị Gia Khánh đẩy vào cảnh tan cửa nát nhà.
Sử cũ ghi lại, năm 1799, Hòa Thân bị kết án tử vì hàng loạt tội danh, toàn bộ gia sản bị tịch biên. Sau khi viên quan này tự vẫn, Ngạch phò Phong Thân Ân Đức đã bị tước hết toàn bộ danh hiệu và rơi vào cảnh tay trắng.
Sau đó, nể tình Hòa Hiếu Công chúa đã gả vào nhà họ Hòa, Gia Khánh mới ban lại cho bà một phần của số gia sản bị tịch biên của Hòa Thân.
Thế nhưng dù vẫn mang danh là con rể của hoàng tộc, ai cũng có thể nhìn ra rằng Ngạch phò Phong Thân Ân Đức đã bị tước đoạt hết toàn bộ tiền đồ và của cải.
Tới năm 1806, Gia Khánh cử ông đến phục vụ trong quân đội ở Mông Cổ. Chẳng bao lâu sau đó, Phong Thân Ân Đức lâm bệnh nặng. Hòa Hiếu Công chúa phải thỉnh cầu nhà vua mới có thể đưa ông trở lại kinh thành vào 4 năm sau đó.
Dù vậy, chỉ vẻn vẹn 3 tháng sau khi trở về, Phong Thân Ân Đức đã qua đời trong u uất khi chưa đầy 40 tuổi, để lại Hòa Hiếu Công chúa sống cô độc một mình suốt quãng đời còn lại.
Sự thật phía sau "lời nguyền" bất hạnh của các phò mã Thanh triều
Ngoài hai vị Ngạch phò bất hạnh nổi tiếng kể trên, những người con rể khác của Càn Long đa phần đều có một cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn với nhiều góc khuất.
Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến là Trát Thái Lan – Ngạch phò của Hòa Thạc công chúa.
Chỉ 9 năm sau ngày thành hôn, vị công chúa này đã qua đời ở tuổi 22, để lại Trát Thái Lan sống trong cô độc. Và cũng vẻn vẹn 8 năm sau, ông đã nối gót vợ mình buông tay trần thế.
Hay như Lạp vương Đa Nhĩ Tể của Hòa Tĩnh công chúa, dù được nuôi dưỡng trong cung từ nhỏ vì có đính ước với con gái nhà vua, nhưng sử cũ ghi rằng ông lại bị tật ở chân mà không rõ lý do.
Sau khi thành thân không lâu, Hòa Tĩnh Công chúa qua đời khi chưa tròn 20 tuổi, khiến Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể phải nhận nhiều chỉ trích khi đi bước nữa với người khác.
Trên thực tế, những cuộc hôn nhân bi kịch này xuất phát từ vô số những điều lệ hà khắc được Thanh triều đặt ra để ràng buộc các phò mã.
Theo đó, dù đã trở thành phu thê, nhưng họ không được tùy ý gặp mặt vợ mình, ngay tới việc chung chăn chung gối cũng phải… xin phép.
Cũng bởi vì chế độ nói trên mà các công chúa Thanh triều rất ít người có thể sinh con. Thậm chí cuộc sống vợ chồng xa cách và thiếu thốn tình cảm ấy còn khiến họ rơi vào u uất để rồi qua đời khi còn rất trẻ.
Do đó có thể nói rằng, chính những cuộc hôn nhân mang mục đích chính trị và chịu nhiều gò ép đã trở thành lời nguyền tước đoạt hạnh phúc hay thậm chí là rút ngắn tuổi thọ của không chỉ các phò mã mà cả các công chúa Thanh triều.