Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN) là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Ông không chỉ có công đánh bại 6 nước chư hầu, thống nhất Trung Hoa, mà còn có nhiều thành tựu trong quá trình xây dựng đất nước.
Đứng trên đỉnh cao của quyền lực, trong những năm cuối đời, vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tần trở nên tàn bạo vì theo đuổi sự bất tử. Để có thể bất tử, vị hoàng đế nổi tiếng này đã đầu tư xây dựng một công trình lăng mộ vô cùng xa hoa và rộng lớn, mất tới 39 năm mới hoàn thành.
Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng có nhiều đồ tuỳ táng, hố chôn…, trong đó nổi tiếng nhất là đội quân đất nung. Việc phát hiện ra các chiến binh đất nung là một sự tình cờ. Theo đó, người dân địa phương đã phát hiện ra các chiến binh đất nung vào tháng 3 năm 1974 ở gần thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Ngay sau đó, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật. Chính vì thế mà bí mật về đội quân đất nung và lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng vô tình được hé mở.
Quy mô khai quật và số lượng các chiến binh đất nung được tìm thấy đã gây chấn động thế giới lúc bấy giờ. Nhiều người rất kinh ngạc trước ý tưởng về đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng. Có thể nói rằng, không có đồ bồi táng nào của hoàng đế lại được chế tác một cách sống động và với quy mô lớn như vậy. Đây cũng chính là sức hút khiến nhiều du khách tìm đến Tây An để được tận mắt ngắm nhìn đội quân đất nung đặc biệt này.
Nhiều người cho rằng, các hố chôn đội quân đất nung nằm ở bên ngoài lăng mộ, nơi Tần Thủy Hoàng yên nghỉ, nhưng đã được chế tác vô cùng tinh xảo và có chất lượng cao. Do đó, chắc hẳn bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng sẽ còn nhiều bảo vật giá trị hơn thế.
Tuy nhiên, cho đến nay, các chuyên gia vẫn không dám khai quật sâu vào bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Vì sao?
Thật ra các chuyên gia không phải không muốn khai quật mà là không thể đào bới ở lăng mộ của vị hoàng đế nổi tiếng. Trên thực tế có 3 lý do để giải thích cho quyết định này.
3 lý do khiến lăng mộ Tần Thủy Hoàng chưa thể khai quật
Thứ nhất, công nghệ hiện nay không thể bảo vệ tốt cho các cổ vật khai quật được. Do đó, nếu đào bới lên thì những bảo vật ấy sẽ bị hư hỏng. Đội quân đất nung là minh chứng. Khi các binh sĩ đất nung được khai quật lần đầu tiên, những bức tượng rất sống động với các màu sắc.
Tuy nhiên, do quá trình oxy hoá nên những bảo vật này mới bị mất màu sắc như chúng ta thấy ngày nay. Hình dáng ban đầu của đội quân bí ẩn này chỉ được các nhà khảo cổ học nhìn thấy trước khi chúng bị không khí khô nóng ở Tây An phá huỷ.
Cho đến hiện tại, các nhà khoa học cũng chưa có cách nào để khôi phục lại màu sắc sống động và bóng bẩy tuyệt đẹp ban đầu của các binh sĩ đất nung. Do đó, các chuyên gia không dám khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng bởi hiện tại công nghệ vẫn chưa đáp ứng được.
Thứ hai, đó là vấn đề an toàn. Theo những ghi chép trong sử sách, trong quá trình xây dựng, những người thợ đã cho vào lăng mộ của Tần Thủy Hoàng rất nhiều thuỷ ngân, tạo thành một dòng sông 'chết người' đặc biệt sống động.
Sau khi tiến hành một cuộc khảo sát ở xung quanh lăng mộ, các chuyên gia nhận thấy rằng thực sự có một lượng lớn thuỷ ngân. Vì vậy, việc tiến hành khai quật vào sâu bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một việc hết sức nguy hiểm. Ước tính lượng thuỷ ngân trong lăng mộ của hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng lên tới 100 tấn. Đây là một cạm bẫy ngầm chết người. Do đó, việc khai quật là quá nguy hiểm.
Thứ ba là vấn đề về địa lý và phong thuỷ. Ngay từ thời xa xưa, người ta thường rất đầu tư trong việc chọn vị trí để xây dựng lăng mộ. Vị trí đắc địa trong phong thuỷ là phải có núi và có sông bao quanh. Khi xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng, chỉ riêng việc chọn vị trí đã vắt kiệt sức lực của nhiều chuyên gia bậc thầy lúc bấy giờ.
Khi quan sát ảnh vệ tinh, các chuyên gia nhận thấy dãy núi Ly Sơn, nơi có lăng mộ Tần Thủy Hoàng được ví như một con rồng khổng lồ. Đặc biệt, theo phong thuỷ, khu vực trung tâm, nơi đặt lăng mộ của Tần Thủy Hoàng lại nằm đúng ở vị trí "mắt rồng", được coi là rất linh thiêng.
Chính vì vậy, các chuyên gia không muốn phá vỡ bố cục tuyệt diệu này nên đã từ bỏ ý định đào bới lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng.