Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa, được biết đến rộng khắp trên thế giới. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất thế giới, với đội quân đất nung lên tới 8.000 pho tượng cực kỳ đặc biệt.
Nhưng có một hoàng đế Trung Hoa khác xây dựng triều đại phát triển vượt bậc, đến khi qua đời được an táng tại lăng mộ có quy mô và giá trị hơn lăng Tần Thủy Hoàng rất nhiều, theo quan điểm của các sử gia Trung Quốc hiện nay.
Đó là lăng mộ Hán Vũ Đế Lưu Triệt, hoàng đế tại vị lâu nhất trong lịch sử Trung Hoa cho đến khi hoàng đế Khang Hi xô đổ kỷ lục này. Dưới thời Hán Vũ Đế, nhà Hán đạt đến mức cực thịnh, tầm ảnh hưởng rộng khắp, khiến khái niệm người Trung Hoa đồng nhất với người Hán.
Trong danh sách các hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa, Hán Vũ Đế Lưu Triệt dù không phải số một, nhưng vẫn luôn nằm trong top đầu.
Hán Vũ Đế lên ngôi hoàng đế năm 16 tuổi và băng hà năm 69 tuổi. Ngay từ năm 18 tuổi, Hán Vũ Đế đã bắt đầu chỉ đạo việc xây dựng lăng mộ nguy nga cho mình.
Lăng mộ của Hán Vũ Đế Lưu Triệt xây hơn nửa thế kỷ
Tọa lạc tại một địa điểm cách Tây An, tỉnh Thiểm Tây khoảng 40km, Mậu Lăng nằm trong khu vực chứa quần thể 9 lăng mộ hoàng đế nhà Hán.
Có giai thoại kể rằng, trong một lần đi săn bắn, Hán Vũ Đế tình cờ nhìn thấy một con vật giống như rồng tại huyện Maoxian. Coi đây là điềm lành Hán Vũ Đế ra lệnh biến khu đất trống thành nơi xây dựng lăng mộ cho bản thân. Năm đó, Hán Vũ Đế mới chỉ 18 tuổi.
Hán Vũ Đế qua đời ở tuổi 69, được an táng tại Mậu Lăng vào ngày thứ 18 sau khi chết. Vì sao lăng mộ ông cần tới hơn nửa thế kỷ xây dựng?
Vào những năm 1940, một phi công Mỹ trong chuyến bay quân sự tình cờ phát hiện một cấu trúc hình kim tự tháp ở phía tây bắc Tây An. 30 năm sau, khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, phi công này viết thư cho chính phủ Trung Quốc, đề nghị kiểm tra địa điểm mà ông từng phát hiện cấu trúc lạ.
Nhà chức trách Trung Quốc cử một nhóm chuyên gia tới khám phá khu vực nay toàn là cây cối mọc um tùm. Tìm kiếm theo tọa độ mà phi công Mỹ cung cấp, nhóm chuyên gia phát hiện cấu trúc lạ, được xác nhận là lăng mộ Hán Vũ Đế.
Nhìn từ trên cao, Mậu Lăng trông giống như một kim tự tháp nên được mệnh danh là "kim tự tháp của phương Đông", bao phủ bởi các cây xanh. Lăng mộ Hán Vũ Đế có chiều cao 46,5 mét và trải dài trên phạm vi rộng 60.000 m2.
Trong thời phong kiến Trung Quốc, cái chết được coi là có ý nghĩa quan trọng không kém sự sống, nên đám tang cũng phải làm thật trang trọng, đặc biệt khi người chết là hoàng đế muốn đưa di sản sang thế giới bên kia.
Do đó, Hán Vũ Đế coi việc xây dựng Mậu Lăng có tầm cỡ tương đương những gì mình làm được, liên tục giám sát việc xây dựng, bổ sung thêm các hạng mục. Ở thời xa xưa, việc xây dựng các công trình khổng lồ cần tới hàng chục năm, huy động một lượng lớn sức người.
Các tài liệu thời nhà Hán chép rằng, từ một nơi là mảnh đất trống, Hán Vũ đế đã đưa hàng chục ngàn nhân công đến xây dựng lăng mộ. Hơn 5.000 quan chức nhà Hán và các người hầu cũng phải chuyển tới sinh sống ở nơi này để giám sát.
Vào năm thứ hai xây lăng mộ, Hán Vũ Đế ra lệnh tạo ra một thành phố vệ tinh gần Mậu Lăng. Đây không chỉ là nơi sinh sống của các nhân công, mà còn có cả quan chức, quý tộc và doanh nhân thời nhà Hán.
Ở thời cực thịnh, số lượng cư dân trong thành phố lên tới 270.000 người.
Lăng mộ giá trị hơn lăng Tần Thủy Hoàng
Mậu Lăng trông giống kim tự tháp, nhưng các căn phòng quan trọng, bao gồm nơi an nghỉ của hoàng đế, đều được đặt tại cung điện ngầm dưới lòng đất.
Theo các tài liệu lịch sử, cung điện này có diện tích 6.000 m2 và sâu 30 mét. Con đường xuống dưới lòng đất đủ không gian cho một cỗ xe có 6 con ngựa kéo đi qua.
Trong hàng chục năm, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật khu lăng mộ, nhưng riêng cung điện ngầm thì chưa từng tiếp cận vì nhiều lý do. Các nhà khảo cổ dự đoán cấu trúc bên trong dựa trên các lăng mộ khác thời nhà Hán.
Thi thể của Hán Vũ Đế được đặt trên một chiếc giường bằng ngọc trong một quan tài bằng gỗ quý. Hán Vũ Đế mặc hoàng bào nạm ngọc, được khâu bằng dây vàng, trong miệng đặt một viên ngọc lớn. Ở thời nhà Hán, người ta quan niệm rằng ngọc bích đặt trong miệng có thể giúp xác chết trường tồn theo thời gian.
Hoàng bào nạm ngọc có dây chỉ vàng chỉ dành riêng cho hoàng đế nhà Hán và các hoàng tử khác. Năm 1968, các nhà khảo cổ phát hiện lăng mộ Trung Sơn Vương Lưu Thắng, anh trai cùng cha khác mẹ với Hán Vũ Đế Lưu Triệt. Đó là lần đầu tiên các nhà khảo cổ khai quật được một bộ hoàng bào nạm ngọc còn nguyên vẹn.
Hoàng bào được kết nối với nhau bởi dây chỉ vàng, với hơn 2.000 viên ngọc bích. Các nhà khảo cổ Trung Quốc tin rằng, bộ hoàng bào của Hán Vũ Đế Lưu Triệt cũng tương đương với anh trai Lưu Thắng.
Cuối đời, Hán Vũ Đế sa vào hưởng lạc, lệnh xây dựng nhiều cung điện và tin vào chuyện mê tín. Giống như Tần Thủy Hoàng sống trước thời Vũ Đế khoảng trăm năm, Vũ Đế cũng điên cuồng sai người tìm thuốc trường sinh, với hi vọng kéo dài sự sống.
Sử gia Tư Mã Quang thời nhà Tống đánh giá Hán Vũ Đế là một người xa xỉ, ngông cuồng và tự cao tự đại.
Trước khi qua đời, Hán Vũ Đế lệnh chôn theo mình một lượng lớn của cải, từ vàng bạc, châu báu, đá quý, các bức tượng động vật mà ông ưa thích, cho tới cả một cuốn sách ông chỉ đọc một lần, được đặt trong hòm vàng.
Do số lượng của cải Vũ Đế muốn đem theo quá lớn, quan lại nhà Hán đặt cả những đồ tùy táng bên ngoài cung điện ngầm. Sau này, người dân sống gần khu vực tìm thấy không biết bao nhiêu là cổ vật có giá trị.
Đa số các cổ vật thu thập từ Mậu Lăng được coi là bảo vật quốc gia, bao gồm các đồ trang trí bằng ngọc bích được chạm khắc tinh xảo. Đồ vật khắc hoa văn rồng, chim, hổ ở đây thuộc vào loại đẹp nhất từng được tìm thấy ở Trung Quốc.