Cách đây ít ngày, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4613/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn.
Tọa lạc tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Đền Hát Môn là nơi màng dấu ấn lịch sử quan trọng của Hai Bà Trưng - hai vị nữ tướng hào kiệt đã làm rạng danh cho truyền thống anh hùng bất khuất của phụ nữ Việt Nam.
Ngôi đền gắn với cuộc khởi nghĩa hào hùng của Hai Bà Trưng
Hai Bà Trưng là tên gọi dân gian của Trưng Trắc và Trưng Nhị, theo cổ sử là hai chị em là con gái lạc tướng huyện Mê Linh thuộc dòng dõi Hùng Vương. Sách "Đại việt sử ký toàn thư" cho biết: “Tên húy là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên... Đóng đô ở Mê Linh”.
Trưng Trắc là một phụ nữ đảm đang, chồng bà là Thi Sách con trai lạc tướng huyện Chu Diên. Chính sách tàn bạo của nhà Đông Hán đang cai trị nước ta lúc đó khiến cho Trưng Trắc và Thi Sách dự trù khởi nghĩa, lấy huyện Mê Linh và Chu Diên là trung tâm. Chẳng may kế hoạch bị bại lộ, Thi Sách bị Thái thú nhà Đông Hán ở Giao Chỉ lúc đó là Tô Định đàn áp và giết chết. Trưng Trắc có em gái là Trưng Nhị, một người phụ nữ mưu trí và dũng cảm. Vì lòng căm thù giặc, Trưng Trắc cùng Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa tại nơi mà ngày nay là khu vực cửa đền Hát Môn.
|
Cổng đền Hát Môn. (Ảnh: Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn / Facebook) |
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được nhân dân ủng hộ, lật đổ được chính quyền đô hộ, lập ra một quốc gia với kinh đô đóng tại Mê Linh. Sách "Đại việt sử ký toàn thư" chép: “Năm Canh Tý, năm thứ nhất, mùa xuân, tháng 2, vua khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở châu. Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng”.
Sau khi cuộc khởi nghĩa này bị quân Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại, tục truyền rằng vì không muốn chịu khuất phục, Hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử, mất ngày 6 tháng 2 Âm lịch, năm Quý Mão. Có truyền thuyết rằng, nơi Hai Bà Trưng nhảy xuống sông tự vẫn là một đoạn của sông Hát, xã Hát Môn, là nơi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa và chứng kiến cuộc xuất quân lần cuối của Hai Bà.
Sau khi Hai Bà Trưng hoá sinh vào cõi bất diệt, đền Hát Môn được nhân dân địa phương xây dựng tại nơi cuộc khởi nghĩa khởi phát để tưởng nhở hai vị Vua Bà.
Kiến trúc cổ kính và lễ hội đặc sắc
Theo các tư liệu lịch sử, đền Hát Môn thuở ban đầu có quy mô nhỏ bé, lụp xụp với mái lá. Thời Lê Trung Hưng (cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17), đền được Quận công Nguyễn Ngọc Trì là người làng bỏ tiền ra hưng công, xây dựng thêm Hậu cung, Thiêu hương, Nghi môn. Rồi nhân dân địa phương đóng góp, tu sửa, xây dựng thêm trong những thế kỷ sau đó để ngôi đền thêm phần khang trang. Những lần tu sửa này được phản ánh trong các văn bia còn được lưu giữ tại đền.
Ngày nay, quần thể đền Hát Môn gồm nhiều hạng mục kiến trúc có tuổi đời hàng trăm năm, tọa lạc nằm trên một khu đất cao có thế “Long chầu, Hổ phục” trên triền đê sông Hát. Các công trình kiến trúc chính của đền gồm quán Tiên, miếu Tạm ngự, nghi môn, nhà phương đình, đàn Thề, tam quan, tiền tế, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, gò Giấu ấn... mỗi công trình đều mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa dân tộc.
Đền còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật như: Sắc phong, hệ thống tượng thờ, kiệu thờ và hoành phi, câu đối có giá trị về văn hóa, lịch sử, có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Đặc biệt, tất cả các đồ thờ trong đền đều không được sơn màu đỏ mà chỉ có màu đen, nhằm thể hiện sự tôn kính dành cho hai vị Vua Bà.
Hàng năm, đền Hát Môn tổ chức ba lễ hội chính gắn với những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Hai Bà Trưng để tưởng nhớ và vinh danh Hai Bà Trưng, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
|
Lễ hội Đền Hát Môn. (Ảnh: Kinh tế & Đô thị) |
Lễ hội ngày 6 tháng 3 kỷ niệm ngày giỗ của Hai Bà. Theo truyền thống, trong ngày lễ hội này dân làng làm lễ tế, dâng hương đặc biệt có món bánh trôi, còn gọi là bánh “tù tì”, làm từ bột gạo, hình dáng được tạo thành hình tròn, bên trong có các loại nhân. Tương truyền, đây là loại bánh Hai Bà đã ăn trước khi gieo mình xuống dòng sông Hát tuẫn tiết vào ngày 6 tháng 3 Âm lịch.
Lễ hội ngày 4 tháng 9 kỷ niệm ngày lập đàn thề, tế cờ khao quân khởi nghĩa. Theo thông lệ, lễ phẩm dâng cúng gồm có một con trâu, một con lợn, một con dê gọi là lễ tam sinh. Trong dịp hội này, tại đền có kéo cờ đại uy nghi, khắp đường làng đều cắm cờ ngũ hành rực rỡ, chiêng trống nổi lên vang lừng báo hội. Dân chúng tổ chức các trò vui chơi kéo dài cả ngày.
Lễ hội ngày 24 tháng 12 là một ngày lễ hội lớn, được tổ chức long trọng trong để kỷ niệm chiến thắng của Hai Bà. Khi tham gia ngày hội, các chàng trai và các cô gái trong làng sẽ mặc quân phục và giáo gươm phù giá, theo hầu kiệu Hai Bà. Nửa đêm ngày 24 lễ rước kiệu được tiến hành để tái hiện lại thời khắc vinh quang của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Vào năm 1964, đền Hát Môn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2013, đền được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội đền Hát Môn cũng được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.
Những sự kiện này không chỉ khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của đền Hát Môn mà còn là sự ghi nhận của Nhà nước và nhân dân đối với công lao to lớn của Hai Bà Trưng đối với lịch sử dân tộc.
Theo quyết định Quyết định số 4613/QĐ-UBND, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ do UBND xã Hát Môn quản lý. UBND xã Hát Môn có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.
Thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Công an Thành phố, UBND huyện Phúc Thọ, UBND xã Hát Môn có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn theo đúng quy định pháp luật và Thành phố, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.