Kết cục đầy bi ai của hoa khôi Sài Gòn đầu tiên

Google News

Cô Ba Thiệu là người đầu tiên đăng quang hoa hậu Sài Gòn 150 năm trước, là người phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam được in hình lên tem và phát hành với số lượng lớn chưa từng có ở Đông Dương.

Cô Ba Thiệu là con của thầy thông Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh quê gốc ở Trà Vinh. Từ nhỏ, cô Ba đã được cha cho học hành tử tế so với nhiều thiếu nữ cùng thời.
Ngày trước, Sài Gòn là kinh đô của những cô gái đẹp, trong đó không ít người đẹp có lối sống ăn chơi, phóng túng nhưng cô Ba Thiệu là người sống rất đúng mực, hiểu chuyện.
Về vương miện hoa hậu của cô Ba, một số tài liệu không chính thống có ghi lại rằng, vào năm 1865, một cuộc thi sắc đẹp mang tên Miss Sài Gòn đã được tổ chức dành riêng cho các người đẹp Việt. Cuộc thi không chỉ giới hạn ở phạm vi Sài Gòn mà mở rộng ra nhiều vùng phụ cận nên sau đó đã có gần 100 cô gái đăng ký dự thi. Kết quả người đoạt vương miện Hoa hậu "là cô Ba, con gái của ông Chánh, làm nghề thư ký".
Sau khi cô Ba đăng quang ngôi vị Hoa hậu, nhiều phóng viên Pháp đã đề nghị chụp ảnh áo tắm của cô đăng trên báo Pháp nhưng cô nhất định từ chối. Sau này, cô Ba đồng ý sử dụng ảnh vẽ chân dung và sau đó được in thành tem với số lượng lớn.
Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển cho rằng trong giới huê khôi mà ông được kể lại vào thời Pháp mới đến thì cô Ba Thiệu đẹp không ai bì. "Cô đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo. Tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem bưu điện", học giả viết.
Người được cho là cô Ba Thiệu, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn. 
Sau khi đăng quang ngôi vị Miss Sài Gòn, nhan sắc của cô Ba nổi tiếng khắp cả Đông Dương ngày ấy. Là hoa hậu nhưng cô Ba có lối sống bình dị, chân chất của một gái quê. Do xuất thân từ một gia đình gia giáo nên cô được dạy dỗ từ tấm bé, biết giữ ý tứ, truyền thống và văn hóa bản địa nên sau khi đoạt vương miện, cô bỏ lại ánh hào quang phù phiếm, không bị ảnh hưởng bởi lối sống ngoại lai.
Người đẹp Trà Vinh nhận được vô số lời mời chào của nhiều thiếu gia, quan tây giàu có nhưng một thời gian sau, Ba Thiệu lấy chồng trong sự tiếc nuối của rất nhiều chàng trai. Cô Ba lấy một người đàn ông Việt Nam bình thường và chọn cho mình một lối sống giản dị.
Những tưởng cuộc đời cô Ba Thiệu sẽ trôi qua trong yên bình nhưng không như vậy. Ít ai ngờ rằng người đẹp lừng lẫy Sài Gòn một thời lại có một kết cục bi thảm.
Nhiều tài liệu ghi lại rằng mẹ cô Ba Thiệu tuy bước vào tuổi tứ tuần nhưng vẫn sở hữu nhan sắc mặn mòi. Vẻ đẹp đằm thắm của mẹ cô Ba Thiệu lọt vào mắt của tên biện lý người Pháp tên Jaboin. Tên này thường xuyên ngang nhiên tới nhà cha mẹ cô Ba Thiệu để tán tỉnh, trêu ghẹo. Phẫn nộ vì hành vi của trên Jaboin, cha của cô Ba, thầy Thông Chánh đã rút súng bắn chết Jaboin.
Trong Truyện thơ Thầy Thông Chánh do một tác giả khuyết danh ở Trà Vinh sáng tác rồi truyền miệng rộng rãi ở miền Tây, cha cô Ba bắn tên biện lý vào ngày quốc khánh nước Pháp. Thầy Thông Chánh sau đó bị chính quyền Pháp xử tử. Cô Ba Thiệu toan trả thù cho cha nhưng vừa đưa súng lên bắn thì bị bắt giam rồi tự tử chết.
Tuy vậy, cuốn Hỏi đáp về Sài Gòn – TP. HCM của nhiều tác giả xuất bản năm 2006 lại cho rằng, cô Ba mới là người cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin. Cô bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 rồi xử tử ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh.
Người đẹp lừng lẫy của Sài Gòn xưa dù theo tài liệu nào cũng có một kết cục buồn thảm.
Theo HN/Phụ Nữ Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)