My Phương là em trai của My Chúc cũng là một quan lại thân tín của Lưu Bị và là anh trai của My phu nhân vợ Lưu Bị. Mặc dù từng vào sinh ra tử với Lưu Bị trong trận Trường Bản và đã theo Lưu Bị nhiều năm nhưng My Phương lại là người có lòng phản trắc.
Năm 219, vì bất mãn với Quan Vũ và lo sợ bị Quan Vũ trị tội sau khi từ chiến trường trở về, My Phương cùng với tướng Phó Sĩ Nhân đầu hàng Tôn Quyền, không xuất binh cứu Kinh Châu nên đã dẫn đến cái chết của Quan Vũ.
Ngoài ra, My Phương còn từng vu vạ cho Triệu Vân, gián tiếp hại chết Lưu Bị và Trương Phi.
My Phương đã lập kỷ lục khi trong đời mình lần lượt phụng sự ba vị lãnh chúa đứng đầu tam quốc là Ngụy, Thục, Ngô.
Sau đây là những lần hại người khiến hậu thế căm phẫn của vị tướng quân này.
Vu vạ cho Triệu Vân
Trong trận chiến ở Đương Dương – Trường Bản, Lưu Bị thất thế, vì không chống đỡ nổi trước sức mạnh của đội Hổ Báo kỵ thuộc phe Tào Tháo nên đành đem quân trốn tới Giang Hạ.
Trong tình thế nguy hiểm, Triệu Vân đã 1 mình xông vào núi Trường Bản cứu vợ con của quân chủ. Cuối cùng anh đã đem được Hậu chủ Lưu Thiện trở về.
Thế nhưng không ít người khi ấy lại đem lòng nghi kị, cho rằng vị tướng họ Triệu đã hàng Tào nên mới có thể sống sót trở ra giữa vòng vây trùng trùng lớp lớp của quân địch. Bản thân My Phương khi đó thậm chí còn khẳng định chắc chắn với Lưu Bị rằng:
"Triệu Vân chắc chắn đã nương nhờ Tào Tháo rồi!".
Thế nhưng mặc cho những lời vu cáo của anh vợ, Lưu Bị vẫn một mực tin rằng vị tướng họ Triệu nổi tiếng trung thành chắc chắn sẽ không phụ lòng mình.
Tiếp tay hại chết Quan Vũ
Khi Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, My Phương đảm nhiệm chức Thái thú Nam quận và trấn giữ ở Giang Lăng, Sĩ Nhân giữ thành Công An.
Quan Vũ vốn hay yêu quý sĩ tốt nhưng lại coi thường các sĩ phu. Vì vậy hai tướng My Phương và Sĩ Nhân vẫn thường đem lòng bất mãn.
Năm Kiến An thứ 24, Quan Vũ bắc phạt Tương Phàn, lệnh cho My Phương và Sĩ Nhân chuẩn bị quân tư. Vì hai người này không hoàn thành nhiệm vụ nên đã bị Quan Vân Trường cảnh cáo:
"Khi trở về ta sẽ trừng trị các ngươi".
Trong khi vị tướng họ Quan đang mải mê đánh quân Tào thì Tôn Ngô đã phái Lã Mông đánh lén Kinh Châu.
Trước sự biến bất ngờ ấy, Phó Sĩ Nhân đã chủ động mở cửa thành Công An và đầu hàng. My Phương ở Giang Lăng ban đầu còn cố thủ chống đỡ, nhưng sau đó cũng nhanh chóng quy hàng trước quân địch.
Bấy giờ, Quan Vũ thua trận chạy về nửa đường mới biết Giang Lăng và Công An đã mất. Vị tướng họ Quan ấy vì vậy mà rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng thua chạy Mạch Thành, bị quân Đông Ngô bắt và sát hại.
Gián tiếp hại chết Trương Phi – Lưu Bị
Sau cái chết của Quan Vũ, tập đoàn chính trị Thục Hán nhanh chóng chuẩn bị cho kế hoạch chinh phạt Đông Ngô nhằm đòi lại Kinh Châu và báo thù cho viên hổ tướng này.
Tuy nhiên sự ra đi đột ngột của viên tướng họ Quan đã khiến một vị tướng vốn nóng nảy như Trương Phi càng trở nên lỗ mãng và hà khắc.
Kết quả là vị tướng họ Trương ấy đã bị chính thuộc hạ dưới trướng mình là Trương Đạt và Phạm Cương sát hại, thủ cấp còn bị mang sang đất Ngô để xin hàng Tôn Quyền.
Biến cố cùng lúc mất đi 2 viên đại tướng cốt cán đã khiến cho Lưu Bị càng thêm nóng giận và hấp tấp muốn trả thù.
Thế nhưng kế hoạch chinh phạt Đông Ngô của vị quân chủ họ Lưu lại chuốc lấy thảm bại ở Di Lăng, khiến cho đội quân tinh nhuệ của Thục Hán tiêu tán chỉ trong chớp mắt.
Thất bại nặng nề này đã khiến Thục quốc suy tổn nguyên khí, đồng thời còn khiến cho Lưu Bị u uất, cuối cùng chỉ chưa đầy 1 năm sau đã qua đời ở Bạch Đế thành.