Làng Diềm là cái nôi của dân ca quan họ xứ Kinh Bắc, nhưng ở ngôi làng này cũng ẩn chứa những bí mật khó tin. Một trong những bí mật ấy là huyền tích về giếng Ngọc cổ kính với 3 "cụ cá" cùng một cầu tế với 8 cột đá xanh khắc chữ Nho.
Giếng cổ thủy tụ
Câu chuyện về giếng Ngọc ở làng Diềm, xã Hòa Long (TP Bắc Ninh) được ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm. Sở dĩ, giếng cổ này trở nên nổi tiếng bởi những huyền tích lạ đã và đang lưu truyền trong nhân gian.
Hầu hết các nhà khảo cổ đều cho rằng, giếng Ngọc nằm ở vùng đất cao bên cạnh hai ngọn núi Kim Sơn và Lĩnh Sơn, ở nơi đất cao như vậy mà thủy tụ thì thực là quý lắm thay. Ấy vậy mà theo thần phả cùng văn bia lưu giữ thì giếng Ngọc đã có cách đây 1.000 năm có lẻ, cùng với sự xuất hiện của đền Cùng.
Theo ông Nguyễn Văn Giai, Thủ nhang đền Cùng: "Làng Diềm có truyền thống trồng dâu nuôi tằm và được xác định là lâu đời nhất. Lại là quê hương thủy tổ của điệu hát quan họ nên việc xác định ngôi làng có từ bao giờ là điều không khó. Đền Cùng cũng là một trong những công trình cổ kính của xứ Kinh Bắc xưa".
|
Giếng Ngọc nổi tiếng xưa nay. |
Theo quan sát của chúng tôi, giếng Ngọc có hình bán nguyệt rộng chừng 20m2. Giếng có 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép giếng. Dưới đáy giếng là lớp đá ong tự nhiên sâu khoảng 10m. Nước giếng màu xanh trong, vị rất ngọt và mát.
Các cao niên kể rằng, giếng Ngọc ngày trước được những người sành trà trưng dụng làm "bạn hữu". Vì trong trà đạo, nước là bạn, lửa là thầy. Đã có cao nhân từng đem theo ấm song, ấm quý đến giếng và thề với thủ từ rằng, chừng nào nước giếng Ngọc cạn thì chừng ấy sẽ bỏ cái thú tao nhã thưởng trà.
Ấy vậy mà theo ông Giai, giếng Ngọc không bao giờ cạn nước. Mỗi năm đều có lễ "tát giếng", nhưng kể cả máy bơm, máy hút suốt đêm ngày thì mức nước vẫn y nguyên. Bên cạnh đó là chiếc cối xay gạo bằng đá cổ kính, là vật dụng để dân làng mỗi khi có đám cưới nhờ vả. Lệ rằng, trai gái lập gia đình đều phải đem gạo nếp ra cho vào cối, dùng nước giếng Ngọc mà xay mà vo thì hạnh phúc tròn vẹn.
|
3 "cụ cá" đã quy tiên cách đây 4 năm. |
3 "cụ cá thần"
Và huyền tích về giếng cổ tuyệt vời này còn gắn liền với 3 "cụ cá thần" nghìn năm tuổi. Chuyện này ngỡ như thêu dệt bịa đặt nhưng kỳ thực lại rất thật. Rằng đó là 3 con cá do thần hóa thân mà thành. Từ rất lâu đời rồi, 3 con cá ấy đã sống dưới đáy giếng, chứng kiến những thăng trầm làng Diềm.
Ông Giai bảo, các cụ trong làng đã gọi đó là "cá thần" từ lâu. Những trận lụt năm 1957, 1971 khiến giếng ngập nước nhưng 3 "cụ cá" vẫn không đi. Nhiều lần dân làng thả vào đó những con rùa tai đỏ thì rùa cũng phải bò đi nơi khác, không thể ở lại trong giếng. Rồi chuyện thả các loại cá khác vào cũng không chịu, cá mới thả cứ nổi lên như sắp chết.
|
Cối đá cổ để dân làng xay gạo.
|
Người làng cho rằng, 3 "cụ cá thần" là hóa thân của hai nàng công chúa Ngọc Dung và Thủy Tiên cùng một nàng hầu. Đền Cùng là nơi thờ tự hai nàng công chúa triều Lý vốn có công lập làng làng và truyền nghề cho dân. Đến thời vua Bảo Thái đã cho dựng quy mô ngôi đền trên những cột đá, mà ngày nay vẫn còn lại chứng tích. Các triều đại về sau đều có sắc phong tặng Mẫu được thờ ở đây.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý đền Cùng, vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 3 "cụ cá thần" đã quy tiên. Người làng Diềm coi việc đó hết sức trọng đại, vì vào dịp đó, 3 "cụ cá thần" cũng đã tròn 1.000 tuổi. Một nghi thức long trọng để tiễn biệt 3 "cụ cá thần" được tiến hành với sự góp mặt đông đủ của người dân trong làng.
Theo ông Nguyễn Điệp, thủ nhang cũ của đền Cùng thì trên đầu 3 "cụ cá" có các chấm đen giống như chữ Hán. Mỗi "cụ cá" nặng khoảng trên 2kg. Từ khi 3 "cụ cá" quy tiên, dân làng nhóm họp rồi làm lễ thả xuống giếng 3 con cá chép mới.
|
Cầu tế người chết với 8 cột đá.
|
Cầu đá tế người chết
Cũng nằm trong quần thể đền Cùng là cầu tế người chết đường chết chợ. Đây là cây cầu không phải để đi, cũng không phải để trang trí hay bắc qua sông qua rạch. Cầu tế người chết được gọi theo tiếng cổ, là một ngôi nhà không tường bao, có 8 cột đá dựng đứng nâng đỡ các vì kèo và mái che.
Theo đo đạc của chúng tôi, mỗi cột đá cao 1,6m và đường kính khoảng 25cm. Đây là loại đá xanh nguyên khối được gia công cẩn thận. Phần trên cột đá đều có các mộng khớp với vì kèo rất chắc chắn. Trên các cột đá này đều có những hàng chữ Nho, tuy đã mờ nét nhưng vẫn có thể luận được nghĩa.
Đây là nơi cúng tế những người đi qua địa phương mà chẳng may qua đời. Thi thể của họ sẽ được dân làng đưa đến cầu tế để cúng bái theo các nghi lễ địa phương, sau đó mới đem chôn cất theo luật tục.
|
Trên mỗi cột đá đều có chữ Nho. |
Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ, cầu tế làng Diềm là một trong những công trình tâm linh cổ hiếm hoi còn sót lại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Sở dĩ, cầu tế làng Diềm còn giữ được là bởi giá trị tâm linh gắn với đền Cùng và giếng Ngọc nên ít ai dám xâm phạm.
Ngoài những chứng tích cổ nói trên, hiện trong quần thể đền Cùng còn 4 cây cổ thụ vài trăm năm tuổi. Trong đó, có cây đa, cây cườm cườm, duối và cây trâm mốc. Những cây cổ thụ này quanh năm thả bóng soi giếng Ngọc khiến cho một quần thể đình đền vốn đã u tịch càng thêm huyền bí.
Đền Cùng, giếng Ngọc là một công trình
tâm linh cổ kính của địa phương. Huyền tích về 3 "cụ cá" là có thật và là biểu tượng tâm linh của người làng Diềm. Tuy nhiên, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu về 3 "cụ cá" này nên không thể có kết luận chính xác nào.
Ông Đỗ Văn Hoan (Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa xã Hòa Long)