Huyền bí quanh tượng 'ông Phật đen' ở Quan Âm tu viện Biên Hòa

Google News

Tôi đi cùng một người bạn, đứng thật lâu trước một pho tượng trong sân Quan Âm tu viện trên đường Nguyễn Ái Quốc (P. Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai). Pho tượng Địa Tạng khá cao, màu đen tuyền, bóng loáng.

Sự ra đời của tượng Địa Tạng
"Anh có biết xuất xứ tượng này không?'. Hỏi nhưng không đợi tôi trả lời, anh bạn nói tiếp: "Đây là tượng Địa tạng, trước đây đặt bên trong nghĩa trang Đô Thành (sau còn gọi là nghĩa trang Chí Hòa) ở TP.HCM. Tháng 8 năm 1986, tượng được di dời về đây, trả lại phần đất để cải tạo thành công viên Lê Thị Riêng".
Tượng "ông đen" Địa Tạng tại nghĩa trang Đô Thành (ảnh tư liệu) 
Rộng 25 ha, nghĩa trang Đô Thành là nơi an nghỉ của những người có gia cảnh khó khăn, những mảnh đời vất vưởng và những xác chết vô thừa nhận. Năm 1968, Tết Mậu Thân, nhiều trận đánh ác liệt diễn ra ngay trong thành phố. Thi thể của những người tham chiến nằm trên đường trong nhiều ngày vẫn không người đến nhận và có nguy cơ phân hủy.
Chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ cho đào một hố lớn và sâu bên trong nghĩa trang để đưa những thi thể xuống đó. Do quá nhiều nên chỉ sau vài ngày, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc làm ảnh hưởng đến cả khu vực dân cư sống chung quanh. Trong suốt tuần, nhiều nhà phải đóng cửa, có người phải bỏ đi nơi khác tránh mùi.
 Tượng Địa Tạng tại Quan Âm tu viện Biên Hòa.
Không lâu sau đó, những tin đồn, câu chuyện được thêu dệt đến độ rợn người lần lượt được truyền đi khiến người dân không khỏi hoang mang.
Trước sự việc như vậy, hội Phật tử Long Hoa đã đứng ra xây một am nhỏ để thờ và cầu siêu cho các oan hồn uổng tử. Am xây lên. Kinh kệ được tụng hàng đêm nhưng những câu chuyện được thêu dệt vẫn không giảm bớt. Hội mới nghĩ đến việc xây chùa ở cổng nghĩa trang. Nhưng rồi việc xây chùa cũng không giải quyết được gì. Bà quản tự kể lại, đêm nào bà cũng nằm mơ thấy có "ông đen” từ đầu đến chân tự xưng là “Địa Tạng” bảo đắp tượng ông dựng ở ngoài để thờ sẽ hết.
Qua lời kể của bà quản tự, nhiều người đề xuất, cần phải có một tượng Địa Tạng Bồ Tát. Theo Phật giáo Đại thừa, Địa Tạng Vương là một trong 6 vị Bồ Tát thường được xem như là vị Bồ Tát của chúng sanh dưới địa ngục hay là giáo chủ của cõi U Minh.
Đề xuất được chấp thuận và hội đã tìm đến điêu khắc gia Đặng Trần Mai Lân để nhờ thực hiện. Điêu khắc gia Mai Lân là tác giả của các pho tượng Phù Đổng ở ngã 6 Sài Gòn, tượng Lê Lợi ở Chợ Lớn, tượng Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành...
Khi mọi người tìm đến, chính ông Mai Lân thừa nhận ông cũng nằm mơ thấy có "ông đen" hiện ra bảo ông đắp tượng theo kích thước cao 3,35m, ngang 0,75m, đế cao 3m, vòng tròn 4,10m.
Công việc đắp tượng được tiến hành vào năm 1971 với nguyên liệu là khối đá Italia đen nặng gần chục tấn. Chỉ huy 5 người thợ, ông Mai Lân đã làm việc trong 40 ngày mới hoàn thành.
Ngày dựng tượng, khi xe cẩu đưa tượng lên đế, tượng đã tự xoay về hướng đông rồi đứng vững luôn mà không cần thêm một sự trợ giúp nào.
Về nơi cư trú mới
Từ ngày có "ông đen" Địa Tạng ngự trị tại nghĩa trang Đô Thành, những lời đồn đại vơi dần, trả lại sự bình yên cho mọi người. Thế nhưng bù vào đó lại là những lời đồn về sự hiện diện của "ông đen"...
Quan Âm tu viện nơi đặt tượng Địa tạng (Ảnh: Trí Bùi - VTC News). 
Năm 1980, đứng trước sự phát triển của thành phố, UBND TP.HCM nghĩ đến việc giải tỏa các nghĩa trang để xây dựng công viên. Hai nghĩa trang được nhắm đến là Đô Thành và Mạc Đĩnh Chi lần lượt bước vào giai đoạn giải tỏa.
Năm 1986, công tác giải tỏa nghĩa trang Đô thành cơ bản hoàn thành. Chỉ còn lại tượng Địa Tạng chưa được di dời. Dư luận tiếp tục đồn thổi. Nào là đơn vị thi công cho 6 xe đến ủi để sập tượng nhưng cả 6 xe khi đến gần thì tắt máy. Nổ máy để lui thì được nhưng vô số tới thì không thể.
Trước những tin đồn huyễn hoặc đó, nhiều cơ sở của Phật giáo đề nghị chính quyền cho di dời tượng về chùa của mình nhưng cuối cùng chỉ có Quan Âm tu viện ở Biên Hòa được chấp thuận.
 Công viên Lê Thị Riêng trước đó là nghĩa trang Đô Thành.
Đoàn của Quan Âm tu viện gồm có một nữ Phật tử làm trưởng đoàn và 6 người thợ với đầy đủ dụng cụ. Nghi thức cúng lễ bắt đầu từ tối 23/8/1986 kéo dài đến sáng hôm sau mới bắt đầu khai búa.
6 người thợ đục đẽo cật lực cho đến sáng nhưng vẫn không thấm vào đâu. Bà con chung quanh cùng nhau hỗ trợ, thay phiên đục cho đến gần trưa mới lộ ra cây sắt bên trong. Rồi cứ thế tiếp tục cho đến 17 giờ, 2 xe cẩu được mang tới. Xe cẩu có nhiệm vụ giữ tượng cho thăng bằng để thợ hàn cắt sắt.
Lửa tóe lên. Những thanh sắt lìa ra. Cho đến khi sắt được cắt xong và tượng được đưa lên xe thì trời đã tối... Tượng được đưa thẳng về Quan Âm tu viện theo đường Quốc lộ 1K và an vị cho đến bây giờ.
Anh bạn tôi dừng câu chuyện lại. Anh nói tiếp: "Chuyện xảy ra đã lâu tôi không thể nhớ hết. Cũng may, nhờ bà Diệu Ngọc, người được ủy nhiệm đứng ra di dời pho tượng đã kể lại câu chuyện qua tập hồi ký mà tôi có dịp đọc được nên mới biết mà truyền đạt lại cho anh. Giờ thì chúng ta cùng chiêm ngưỡng các pho tượng ở đây và tham quan chùa nhé". Tôi gật đầu đồng tình với anh...
Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)