|
Tết với bánh, mứt, trà và không khí ấm cúng lan tỏa khắp mọi nơi. và Ảnh: HyggeLab Concept/Unsplash.
|
Một không khí hối hả lạ thường như đang gõ cửa vào mỗi chiều cuối năm. Trong những tất bật đầy rộn ràng, niềm vui đang lan tỏa, mắt ai cũng lấp lánh cười để chào đón niềm vui.
Ngọn gió xuân mát lành đong đầy khắp mọi miền, dư vị ẩm thực quê nhà như len lỏi vào tâm hồn mỗi người. Qua từng dòng chữ sinh động của các tác giả sau, ta có dịp hòa mình trong hương vị ẩm thực Việt ngày Tết.
Về Nhà Ăn Cơm
|
Ảnh: Bakingfun.
|
Ăn chay là một xu hướng ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Nhiều người thường thực hiện các chế độ ăn chay để tìm thấy cả sự an lành về thể chất và tinh thần.
Về nhà ăn cơm của tác giả Đức Nguyễn cung cấp 45 công thức thuần chay đơn giản, dễ nấu. Đây là bí quyết nấu những món ăn chay nhiều dinh dưỡng. Với những nguyên liệu mới, phong phú và cách chế biến đa dạng, món chay đã trở thành món ăn với hương vị mới mẻ và được trình bày đẹp mắt.
Tiêu đề sách nghe thật đơn giản mà ấm áp, còn gì tuyệt hơn sau cả năm xa nhà làm việc, được về nhà ăn cơm cùng bố mẹ, với những người thân yêu nhất cuộc đời mình.
Mứt Việt - Vị ngọt Tết xưa
Tác giả: Hồ Đắc Thiếu Anh và Nguyễn Hồ Tiếu Anh
|
Ảnh: Tiki.
|
Mứt Việt - Vị ngọt Tết xưa là cuốn sách tập hợp 21 món mứt quen thuộc mà hai tác giả cùng góp nhặt, gửi gắm đến mọi gia đình Việt trong ngày lễ lớn nhất của dân tộc. Đó là 21 món mứt ngọt ngào, mang đậm hương vị ngày Tết của những quả, củ và hạt đặc trưng đến từ cả ba miền.
Với người Việt Nam, Tết là dịp đoàn viên, sum vầy, tưởng nhớ tổ tiên. Dù lập nghiệp nơi đâu, dịp này ai cũng mong muốn trở về bên gia đình. Trong những ngày đầu xuân, vị ngọt của mứt là điều không thể thiếu, giúp gắn kết câu chuyện của các thành viên trong gia đình.
Từ miếng mứt bí ngọt lịm, mứt gừng cay nồng ấm nóng, mứt me chua dịu đến mứt nghệ mật ong đều mang hương vị đậm đà cho ngày đầu xuân. Đặc biệt, mỗi món mứt đều đi liền một câu chuyện mang nét văn hóa mộc mạc, gần gũi của người Việt.
Đọc Mứt Việt - Vị ngọt Tết xưa, những người con xa quê lại muốn trở về ngay bên gia đình để thưởng thức, nhâm nhi từng món mứt với hương vị ngọt thơm.
Bếp ấm nhà vui
|
Ảnh: Tran Thi Kim Anh.
|
Tác phẩm là tập hợp những bài viết về nhiều món ăn đặc trưng của người dân Nam Bộ, đặc biệt là miền Tây. Qua những món ăn như ba khía, canh chua, chè kiểm, bánh ướt ngọt, khoai mì nước dừa cùng với giọng văn nhẹ nhàng, tình cảm, tác giả cho người đọc thấy được những nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân miền Nam Bộ. Từ đó, ta hiểu hơn đời sống, con người nơi đây.
Nội dung cuốn sách gồm hơn 30 mẩu chuyện nhỏ về những món ăn gắn liền với kỷ niệm từ thời thơ ấu của tác giả. Mỗi mẩu chuyện đều kèm theo những vần thơ bình dị, nhẹ nhàng, như một sự kết hợp độc đáo giữa ẩm thực và thi ca.
"Góc bếp đối với tôi vì thế mà trở thành thiêng liêng. Đi xa, nơi tôi nhớ nhất là bếp nhà mình. Buồn, tôi thèm được trở về góc bếp, ngồi ôm lấy người phụ nữ đời tôi, nấu một món gì đó mà cả hai cùng thích thật ngon. Thả những ưu phiền theo khói trắng, nghe khối bình yên đang tụ lại rồi lớn dần trong từng miếng ăn mình đang thưởng thức, trong ánh nhìn êm dịu của người mình yêu. Tôi thích tiếp khách ở bếp. Nhất là với những người đã thân. Gian bếp có một khả năng đưa người gần gũi người hơn. Câu chuyện giản dị, ấm áp hơn, người thương người hơn".
Đó là những câu từ giản đơn mà có lẽ ai xa quê cũng nóng lòng mong trở về nhà đón Tết, để lại được quây quần bên căn bếp gia đình và thưởng thức những món ăn ngon.
Tết là dịp sum vầy, đoàn viên bên mâm cỗ. Zing giới thiệu tới bạn đọc những món ngon, truyền thống ẩm thực hay ngày Tết.