Địa vị thấp kém của phụ nữ trong thời cổ đại Trung Quốc đã nảy sinh nhiều hủ tục khó tin. Trong đó có một hủ tục trong hôn nhân vô cùng tồi tệ, đó là tục "hôn nhân giao dịch" bắt đầu từ thời nhà Hán và phát triển mạnh mẽ vào thời nhà Thanh. Mặc cho các triều đại sau này đã ban hành sắc lệnh cấm hình thức hôn nhân này nhưng nó vẫn tồn tại.
Hôn nhân giao dịch là một hủ tục méo mó. Nhiều người đàn ông lớn tuổi tầng lớp đáy xã hội không đủ khả năng lấy vợ nên gia đình sẽ "thuê" vợ cho họ trong vòng 2 hoặc 3 năm. Những người phụ nữ hầu hết là các cô gái có hoàn cảnh khó khăn, chỉ mong lấy được một khoản tiền từ giao dịch này. Người vợ được "thuê" về sẽ có trách nhiệm sinh con cho gia đình đã thuê mình. Khi hết thời hạn được "thuê", người này sẽ trở về gia đình của mình.
Ngay từ thời nhà Hán, do chiến tranh xảy ra thường xuyên, "Nam giới cày cuốc không đủ lương thực, phụ nữ quay tơ dệt vải không đủ làm màn. Nhân dân đều là những người cơ cược neo đơn, già yếu, góa bụa chẳng thể nương tựa lẫn nhau." Vì cuộc sống thiếu thốn nên một số người bắt đầu bán vợ. Tuy không hoàn toàn giống kiểu "hôn nhân giao dịch" thời gian sau nhưng vào thời điểm đó đã bắt đầu hình thành.
Hiện tượng "hôn nhân giao dịch" đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Thanh. Chủ yếu là sau Phong trào Thái Bình Thiên quốc, nền kinh tế nông nghiệp của nhà Thanh bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh và dần dần sa sút.
Các tầng lớp trung lưu và hạ lưu của xã hội bị bao bọc bởi bốn bức tường. Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm càng không nói đến chuyện lấy vợ nên có rất nhiều chàng trai đã quá tuổi vẫn chưa kết hôn. Điều này khiến nhu cầu "giao dịch hôn nhân" càng có điều kiện phát triển.
Hủ tục này diễn ra trên khắp Trung Quốc thời điểm đó với nhiều tên gọi khác nhau nhưng đều mang một ý nghĩa là cho "thuê" vợ.
Ở phía bắc, hiện tượng tảo hôn đã lan rộng ở một số địa phương như Liêu Ninh và Cam Túc. Liêu Ninh được gọi việc này là "kết bạn tình" và Cam Túc gọi là "thuê vợ".
Ở khu vực thành phố Hà Châu, Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay cũng có một cụm từ được lưu truyền từ rất lâu "gửi bụng". Trong tác phẩm "Chuyến du lịch Quảng Đông của Tiêu gia" của Trương Tâm Thái đã viết : "Tục lệ ở Quý Lĩnh, Hạ huyện (tên gọi cũ thành phố Hà Châu) là thô tục nhất, những người góa phụ còn trẻ, sống cô đơn một mình, vẫn còn khả năng sinh con, nếu được bất cứ người đàn ông nào thuê cũng không hỏi lại hai lời mà lập tức cho "gửi bụng"."
"Góa phụ ở Hạ huyện rất hiếm khi tái hôn, những người đàn ông không cưới được vợ hoặc vợ đã mất thường thuê những người phụ nữ như vậy để sinh con. Sau khi đứa bé được sinh ra thì hai bên cũng chính thức cắt đứt mọi quan hệ, đứa con sinh ra do người đàn ông nuôi dưỡng."
Về sau, những hôn nhân giao dịch như vậy đã phát triển thành một quy trình tương đối hoàn chỉnh: bình thường sẽ thông qua mai mối, tìm hiểu, ký hợp đồng, thuê mướn, kết hôn, v.v ... Quan trọng nhất là việc ký kết hợp đồng. Hợp đồng ghi rõ thời gian, tiền thuê và các vấn đề khác của người "vợ" sắp thuê. Thời hạn trung bình từ 3 đến 5 năm, và giá thuê được xác định theo độ tuổi của người phụ nữ và thời gian thuê.
Những người thuê vợ sẽ đặt ra các điều kiện như phải có khả năng sinh sản, không được sống chung với người chồng cũ trong thời gian làm thuê, không được về nhà chăm con, v.v. trong hợp đồng.
Trong "Luật của nhà Thanh - hộ luật - hôn nhân" quy định: "Bất cứ ai trả tiền để thuê vợ hoặc thê thiếp của người khác về làm của mình sẽ bị phạt 80 trượng. Người cho thuê cũng bị phạt tương đương. Người vợ cho thuê nếu còn là con gái thì được phép trở về tự do kết hôn, nếu đã kết hôn thì được trở về nhà chồng cũ. Toàn bộ số tiền bạc, của cải trao đổi sẽ nộp về quốc khố. Những người không biết mà vẫn tiến hành thuê vợ cũng không thể tha, lập tức tiến hành ly hôn sau đó truy hồi tiền bạc."
Tuy nhiên, trong "Giới thiệu sơ lược về luật pháp và quy định của triều đại nhà Thanh · Hôn nhân hộ gia đình" lại giải thích thêm: "Những gia đình giàu có vẫn có thể thuê vợ hoặc thiếp những người nghèo để làm nô tì, phục vụ trong gia đình. Pháp luật không hạn chế những việc như vậy."
Việc này đồng nghĩa với chuyện, nếu những gia đình giàu có thuê vợ hoặc thê thiếp của gia đình khác nhằm mục đích lao động sẽ không bị phạt. Miễn là có hợp đồng, nhà nước sẽ không soi xét thực tế có đúng như vậy hay không. Điều này cũng tương đương với việc chấp nhận việc "thuê vợ" và cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến hiện tượng này trong thời nhà Thanh gia tăng chóng mặt.