Ngôi vị Hoàng hậu vẫn luôn là giấc mơ của mọi người phụ nữ trong thời kỳ phong kiến. Lên ngôi Hoàng hậu đồng nghĩa với việc là mẫu nghi thiên hạ, dưới một người mà trên vạn người, được kẻ hầu người hạ, có quyền thế trong tay.
Thế nhưng có những người khi ngồi lên vị trí đó vẫn chưa thỏa lòng. Họ muốn có nhiều hơn thế và lòng tham đó khiến không ít người phải nhận kết cục bi thảm.
Vị Hoàng hậu được nhắc đến ở đây chính là Vi Hoàng hậu hay còn gọi là Vi hậu, con dâu của Võ Tắc Thiên, Hoàng hậu thứ hai của Đường Trung Tông Lý Hiển thời nhà Đường.
|
(Ảnh minh họa). |
Theo ghi chép lại của sử sách, khi mới được gả cho Lý Hiển, Vi thị là một người vốn hiền lành, lương thiện. Cuộc đời bà khá nhiều biến cố khi hai lần nhận ngôi Hoàng hậu, một lần bị phế truất vào năm 684 bởi chính người đàn bà quyền lực Võ Tắc Thiên.
Sau khi bị phế, cuộc sống của Lý Hiển hết sức khó khăn. Khi Trung Tông được phục vị, Vi thị trở lại làm Chính cung Hoàng hậu và thao túng quyền lực. Sự trở lại này đã dánh dấu một sự thay đổi trong con người bà.
Vi thị dần trở nên giống với người mẹ chồng là Võ Tắc Thiên, lộ rõ tham vọng quyền lực, luôn muốn một ngày có thể xưng Hoàng đế.
Đường Trung Tông Lý Hiển vốn bị đánh giá là một vị Hoàng đế nhu nhược. Mặc dù là con đẻ của Võ Tắc Thiên cùng Cao Tông Lý Trị nhưng con đường làm vua của Lý Hiển lại gặp không ít trắc trở. Đây cũng là lý do khiến Võ Tắc Thiên không vừa mắt mà từng phế ngôi của con trai.
Sau khi trở lại, hầu như mọi chuyện Lý Hiển đều nghe theo lời Vi hậu. Người phụ nữ tham vọng này không dừng ở vị trí một người đứng sau giật dây mà ôm mộng xưng đế như tấm gương người mẹ chồng Võ Tắc Thiên. Vì vậy, ngay cả một con rối như Đường Trung Tông cũng không được bà nể tình mà lưu lại.
Ngày Nhâm Ngọ, tháng 6 năm Canh Tuất (tức ngày 3.7.710), Đường Trung Tông Lý Hiển trúng độc, băng hà khi 55 tuổi. Nhiều người cho rằng đứng sau cái chết này chính là bàn tay của An Lạc công chúa và Mã Tần Khách. Song hành động của Vi thị sau đó khiến người ta không khỏi hoài nghi bà mới là người đứng phía sau giết chồng.
Đường Trung Tông băng hà, Vi thị tìm mọi cách thao túng triều đình. Bà giao tất cả các vị trí quan trọng cho những người thân tín. Vị trí quản lý binh mã kiêm thủ vệ cung đình được giao cho anh trai bà là Vi Ôn, quân doanh do Phò mã Vi Tiệp và Vi Trạc nắm giữ còn Võ Diên Tú (chồng công chúa An Lạc) cùng con cháu họ Vi nắm quyền ngự lâm quân.
Một tay thao túng hết các việc triều chính, hình ảnh của bà làm người ta nhớ tới Lữ hậu năm xưa soán quyền nhà Hán. Thế nhưng không may những kẻ thân tín của bà lại không phải là người tài giỏi. Trong số họ, kẻ ỷ vào mối quan hệ, kẻ cậy chức cậy quyền khiến dân chúng khắp nơi oán thán.
Bấy giờ, Lâm Tri vương Lý Long Cơ - con trai của Tương vương Lý Đán được đánh giá là một nhân tài hiếm có. Không chấp nhận cảnh nước nhà như này, ông đã bước đầu cho phao tin khắp kinh thành rằng thiên hạ sắp thay đổi triều đại.
Bước tiếp theo, Lý Long Cơ kết giao với hào kiệt khắp nơi, tạo mối quan hệ thân thiết với Vệ úy khanh Tiết Sùng Giản và Nội giám Chung Thiệu Kinh.
Ngay khi nhận được tin mật báo rằng phe cánh Vi hậu chuẩn bị gây bất lợi cho cha mình, Lý Long Cơ quyết định phát động chính biến. Mọi việc được ông tiến hành hoàn toàn độc lập, không cho cha biết vì không muốn liên lụy đến cha mình.
21.7 cùng năm, sự kiện Đường Long chi biến xảy ra. Lý Long Cơ đích thân dẫn quân tiến vào từ Huyền Vũ Môn, chém hai người cháu trai Vi hậu cùng Trung Lang Tướng Cao Sùng, sau tiến thẳng tới điện Thái Cực nơi Vi thị đang ở.
Vi hậu bấy giờ vừa có quan hệ lén lút cùng Mã Tần Khách và Dương Vận nên vô cùng hoảng sợ khi biết tin có chính biến. Trên đường trốn chạy, Vi hậu đã bị một người lính chặt đầu. Trong cuộc chính biến ấy, gia tộc Vi thị từ già đến trẻ đều bị đuổi cùng giết tận.
Giấc mơ xưng vương giống mẹ chồng không thực hiện được, vị Hoàng hậu này sau khi chết còn bị Lý Long Cơ sai người bêu đầu, treo thủ cấp ở khu chợ phía đông thành Trường An.