Hứa Bình Quân (89 TCN – 71 TCN) thường được gọi là Cung Ai Hứa Hoàng hậu, nguyên phối và Hoàng hậu đầu tiên của Hán Tuyên Đế Lưu Tuân, sinh mẫu của Hán Nguyên Đế Lưu Thích trong lịch sử Trung Quốc. Hứa Hoàng hậu xuất thân con nhà quan, cha bà là Hứa Quảng Hán. Đương thời Hứa Quảng Hán làm chức Thị tòng cho Xương Ấp Ai vương Lưu Bác – cha của Xương Ấp vương Lưu Hạ, dần dần Hứa Quảng Hán trở thành một trong những nhân viên hộ tống Hán Vũ Đế mỗi khi có dịp đi từ Trường An đến Cam Tuyền cung.
Một lần, do lấy nhầm yên ngựa của người khác, phụ thân của Hứa Bình Quân bị khép vào tội trộm cắp đáng xử tử hình, tuy nhiên có chiếu lệnh tử hình có thể chuyển thành cung hình nên Hứa Quảng Hán phải trở thành hoạn quan.
Sau đó, Hứa Quảng Hán vì không hoàn thành nhiệm vụ trong việc điều tra vụ án Thượng Quan Kiệt mưu đồ phản nghịch, nên bị Hán Chiêu Đế Lưu Phất Lăng điều đi coi ngục trong Dịch đình. Lúc ấy, tằng tôn của Hán Vũ Đế là Lưu Bệnh Dĩ (Hán Tuyên Đế) được gửi nuôi ở Dịch đình, cùng cư ngụ chung chỗ với Hứa Quảng Hán.
Nên duyên cùng Quân chủ tương lai nhờ một quẻ bói
Năm 15 tuổi, Hứa Bình Quân đã được chỉ định đính hôn với người khác, nhưng vị hôn phu này chẳng may mất sớm. Mẹ Bình Quân đi coi bói cho con gái thì được tiên tri rằng số phận của Bình Quân có tướng quý nhân. Còn Lưu Bệnh Dĩ tuy mang dòng máu Hoàng thất nhưng thất thế, ai cũng coi thường và không ai dám gả con gái cho.
Có một vị tướng quân thấy Hứa Bình Quân xinh đẹp, gợi ý cho phụ thân của Bình Quân gả Bình Quân cho Bệnh Dĩ và bảo dù gì Bệnh Dĩ cũng là Hoàng thất họ hàng với đương kim Hoàng đế Lưu Phất Lăng, sau này thế nào cũng được phong hầu. Mẹ Bình Quân không chịu nhưng cha Bình Quân không muốn phật lòng nên đành chấp nhận hôn sự.
Năm 75 TCN, Hứa Bình Quân được gả cho Lưu Bệnh Dĩ. Năm 74 TCN, hạ sinh trưởng tử. Cũng vào năm 74 TCN, Hán Chiêu đế Lưu Phất Lăng qua đời, đại thần Hoắc Quang lập Lưu Hạ làm thiên tử, nhưng Lưu Hạ hoang dâm vô đạo nên 27 ngày sau đã bị phế truất. Hoắc Quang chợt nhớ ra Hoàng thất còn có Lưu Bệnh Dĩ, bèn đưa Lưu Bệnh Dĩ về kinh lập làm Thiên tử, lấy hiệu là Hán Tuyên đế. Và Hứa Bình Quân được phong làm Tiệp Dư.
Khi Lưu Bệnh Dĩ vừa mới lên ngôi, phu nhân của Hoắc Quang muốn con gái mình làm Hoàng hậu nên đứng sau lưng, vận động các đại thần dâng tấu sách lập Hoắc Thành Quân làm hậu. Lưu Bệnh Dĩ mới lên ngôi nên không thể từ chối ra mặt, thay vì vậy ông bảo rằng muốn tìm lại thanh kiếm cũ mà ông từng dùng khi còn thuở hàn vi, các đại thần nghe xong hiểu ý Hoàng đế vẫn không quên tình thâm nghĩa cũ và cùng nhau dâng tấu hãy lập Hứa Bình Quân làm Hoàng hậu.
Bị hãm hại, qua đời khi cùng hài tử còn trong bụng
Câu chuyện trở thành điển tích “Cổ kiếm tình thâm” nổi tiếng trong điển tích văn học Trung Hoa cổ, không kém gì "Tào khang chi thê". Tuy nhiên, phu nhân của Hoắc Quang vẫn không chịu từ bỏ giấc mộng cho con gái làm Hoàng hậu. Khi Hứa Hoàng hậu mang thai đứa con thứ 2, bà ta cấu kết nữ y Thuần Vu Diễn trong cung hạ độc khiến Hứa Hoàng hậu chưa kịp lâm bồn đã qua đời sau khi uống chén thuốc vào năm 72 TCN.
Tất cả Thái y bị bắt để tra xét, sợ tiếp tục tra khảo sẽ lộ ra chuyện mình đứng sau lưng chỉ đạo, Hoắc phu nhân thưa mọi chuyện với Hoắc Quang, Hoắc Quang không đành xử vợ mình nên cho thả các thái y và nữ y nọ, ém nhẹm hết mọi chuyện. Hứa Bình Quân qua đời, được ban Thụy hiệu là Cung Ai Hoàng hậu.
Do có sự can thiệp của gia tộc họ Hoắc, Hán Tuyên Đế Lưu Tuân dù căm giận nhưng cũng không thể làm được gì. Thế lực của Hoắc Quang lúc bấy giờ quá lớn, lại là đại tướng quân nắm giữ binh quyền, ngay tới Hoàng đế cũng phải kiêng nể mấy phần. Sau khi Hứa Hoàng hậu qua đời, Lưu Tuân đành phải thuận theo Hoắc gia, sắc phong Hoắc Thành Quân làm Hoàng hậu vào năm 70 TCN.
Vậy nhưng, Tuyên Đế vẫn lập con của Hứa hậu là Lưu Thích làm Thái tử. Chính hành động này của Hán Tuyên Đế đã trở thành mồi lửa châm ngòi một cuộc thanh trừng đẫm máu trong lịch sử Hán triều.
Khơi nguồn cho cuộc đại thảm sát của một gia tộc
Năm 68 TCN, đại tướng quân Hoắc Quang lâm bệnh qua đời. Mặc dù trụ cột lớn nhất của gia tộc đã mất, nhưng con cháu Hoắc gia liên tục vào triều làm quan, Hoắc Thành Quân lại đang ở ngôi Hoàng hậu, bởi vậy thế lực của dòng họ này càng được thế bành trướng. Tuyên Đế từ lâu đã có ý định tiêu diệt họ Hoắc để trừ hậu họa và trả thù cho Hứa Hoàng hậu nên đã ra lệnh điều tra về cái chết năm xưa của Hứa Bình Quân.
Không chỉ vậy, Lưu Tuân còn từng bước triệt tiêu quyền lực của gia tộc này. Ông phong cho Hoắc Vũ (con trai Hoắc Quang) làm Đại Tư mã nhưng không có thực quyền, đồng thời tước binh quyền của Triệu Bình (con rể Hoắc Quang). Lúc bấy giờ, Hiển phu nhân lo sợ Lưu Tuân tra ra việc mình đã đầu độc Hứa Hoàng hậu, liền liên thủ cùng Hoắc Vũ, bí mật lên kế hoạch trừ khử các đại thần chống đối Hoắc gia và phế bỏ Tuyên Đế.
Âm mưu còn chưa thành, Hoắc gia đã bị Hoàng đế vạch trần tội phản nghịch. Mối thù giết vợ khi xưa chưa trả, nay lại thêm tội danh mưu phản, Tuyên đế đã ra lệnh xóa sổ cả gia tộc họ Hoắc. Theo đó, Hoắc Ngẫu bị chém chết tại trận, Hoắc Sơn và Hoắc Vân buộc phải tự sát. Toàn bộ Hoắc gia phải chịu họa diệt môn, có tới hơn 1.000 người liên lụy và bị sát hại, chỉ còn người con rể là Kim Thưởng do biết việc tố cáo nên được xá miễn.
Lúc bấy giờ, Lưu Tuân sai người hạch tội Hoắc Thành Quân: "Thân làm Hoàng hậu, nhưng lòng dạ hiểm độc, không làm tròn "nữ tắc", nhiều lần mưu sát Thái tử không thành, không có tình nhân ái của người mẹ, không thể hầu phụng Tông Miếu, càng không thể gánh vác ngôi vị Hoàng hậu".
Hoắc Hoàng hậu lập tức bị truất phế, đày vào lãnh cung Chiêu Thái. Mười mấy năm sau, Tuyên Đế Lưu Tuân lại hạ chỉ đưa Hoắc Thành Quân xuống ở nơi xa xôi, hẻo lánh có tên Vân Lâm quán. Một người xuất thân cao quý như Hoắc Thành Quân khó có thể chịu được khuất nhục này. Trong lúc uất ức, bà đã chọn cách tự sát. Sau khi qua đời, Hoắc Thành Quân được an táng ở đông đình Tôn Ngô.