Hoa Đà không chỉ là thần y mà còn mang một thân phận khác

Google News

Hoa Đà không đơn thuần chỉ là một thần y mà ông còn là một võ sư từng sáng lập nên bộ môn võ thuật nổi tiếng.

Nhắc tới Hoa Đà, hậu thế sẽ nhớ ngay tới người thầy thuốc được mệnh danh là thần y nổi tiếng trong lịch sử y học Trung Hoa. Vị danh y này cũng từng được đánh giá là nhân vật có cống hiến to lớn đối với sự phát triển của y học Trung Quốc.

Hoa Da khong chi la than y ma con mang mot than phan khac

Hoa Đà xem bệnh cho Tào Tháo.

Hoa Đà (145 - 208) tự là Nguyên Hóa, người huyện Tiêu, nước Bái, nay là huyện Bặc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Sử chép rằng, Hoa Đà đọc thông kinh sử, tuổi trẻ du học ở Từ Châu, từng đỗ hiếu liêm. Tể tướng Trần Khuê và Thái úy Huỳnh Uyển của nước Bái từng tiến cử và mời Hoa Đà ra làm quan, song ông đều từ chối. Ông quyết chí học thuốc cứu đời, trừ bệnh tật cho dân chúng. Những bộ chính sử như Hậu Hán thứ, Tam quốc chí cũng đều có ghi chép những câu chuyện về vị thần y này.

Theo Bách khoa Trung Quốc, tương truyền rằng từ khi còn trẻ, ông đã bôn tẩu khắp nơi để thu nạp thêm kiến thức nhằm nâng cao y thuật của mình. Không những vậy, Hoa Đà còn thường xuyên thực hành chữa bệnh. Vì vậy, ông vô cùng tinh thông cách chữa trị các loại bệnh trạng.

Có giai thoại kể lại, người đời năm xưa vẫn thường truyền tai nhau, một khi đã dùng thuốc của Hoa Đà thì bệnh ắt sẽ khỏi. Cũng nhờ vậy mà người ta thường nhắc tới vị danh y này như một người có khả năng diệu thủ hồi xuân.

Thông minh thiên bẩm tạo tính cách của bậc kỳ nhân

Các truyền thuyết lịch sử miêu tả Hoa Đà là một người rất thông minh nhanh trí. Khi ông được 7 tuổi, cha ông qua đời khiến gia cảnh rất nghèo khó. Mẹ ông cho phép ông học y thuật với thầy lang họ Tài, vốn là một người bạn thân của cha ông. Thầy lang Tài ban đầu không biết Hoa Đà có chút tài năng y thuật nào hay không nên quyết định thử ông.

Trong sân nhà thầy lang Tài có một cây dâu tằm. Những cành mọc cao nhất cao ngoài tầm với và quá xa nên không thể trèo tới được. Thầy lang hỏi Hoa Đà: “Con có thể hái chiếc lá ở trên cành dâu cao nhất và mang xuống đây cho ta được không?”. Hoa Đà trả lời: “Việc này rất dễ!” Sau đó ông lấy sợi dây buộc một đầu vào một hòn đá rồi quăng hòn đá qua cành dâu cao, sau đó ông kéo sợi dây cho đến khi cành dâu cong xuống thấp, rồi ông chỉ việc với tay vặt lá dâu.

 

Hoa Đà nhìn sắc đoán bênh.

Hoa Đà một lần nhìn thấy một phu xe có sắc mặt vàng và hơi thở nặng nhọc. Bệnh tình ông ta có vẻ nghiêm trọng. Sau khi kiểm tra tình hình của ông ta, Hoa Đà lập tức biết ngay người này bị viêm ruột thừa. Hoa Đà liền cho bệnh nhân uống Ma phí tán rồi dùng dao mổ vùng bụng của bệnh nhân. Ông cắt bỏ phần đã hoại tử của ruột, rửa sạch bên trong sau đó khâu vết mổ lại. Sau đó ông bôi thuốc chống viêm lên chỗ mổ. Vài ngày sau, vết mổ lành lại và người bệnh trở lại bình thường.

Cùng một triệu chứng, nhiều cách chữa

Hai quan triều đình là Lực Tấn và Lý Nghiêm đến tìm Hoa Đà để chữa bệnh. Cả hai đều đau đầu và sốt – triệu chứng đau là như nhau. Hoa Đà nói: “Lực Tấn nên xả bệnh bằng đi ngoài, Lý Nghiêm nên tống khứ bệnh qua mồ hôi”. Khi người khác hỏi ông tại sao lại chữa 2 cách khác nhau, Hoa Đà nói: “Lực Tấn đúng là bị mắc bệnh từ bên ngoài còn Lý Nghiêm thì bị rối loạn bên trong, cho nên họ phải được chữa trị khác nhau”. Sau khi uống thuốc, cả hai đều khỏi bệnh ngay ngày hôm sau.

Tử vì nghiệp

Theo tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Hoa Đà được biết đến chủ yếu là người đã chữa bệnh cho Quan Vũ bằng cách mổ vai để nạo chất độc do mũi tên đâm vào trong lúc Quan Vũ vẫn bình thản đánh cờ vây. Hoa Đà được cho là đã biết áp dụng kỹ thuật gây mê bằng một hỗn hợp rượu và thảo dược được gọi là Ma phí tán, 1600 năm trước khi người phương Tây biết áp dụng kỹ thuật này trong phẫu thuật. Do vậy, không ít người cho rằng ông cũng được coi là thủy tổ của ngoại khoa.

 

Hoa Đà chữa bệnh cho Quan Vũ.

Cũng theo tiểu thuyết này, Tào Tháo khi được Hoa Đà khuyên nên mổ sọ để cạo chất độc đã nghi Hoa Đà muốn giết mình nên tống ông vào ngục và giết chết Hoa Đà. Theo Tam quốc diễn nghĩa, Hoa Đà vì cảm kích người gác ngục đã chăm sóc mình khi đang ở trong ngục nên đã truyền sách của mình cho người lính này. Tuy nhiên, do vợ của người lính đó sợ nếu chồng mình theo nghề y sẽ có kết cục bi thảm như Hoa Đà nên đã đốt mất, do đó tất cả sách vở của Hoa Đà về nghề y đã thất truyền.

Sáng lập ra bộ môn võ thuật Ngũ cầm hí

Vào giai đoạn loạn lạc dưới thời Tam quốc, cuộc đời của Hoa Đà vẫn thường được nhắc tới như một truyền kỳ. Bởi đương lúc chiến loạn, người thường đều tìm cách lánh nạn binh đao, nhưng Hoa Đà thì lại bôn tẩu khắp nơi mà chẳng ngại nguy hiểm. Điều này khiến hậu thế không khỏi hoài nghi, bởi nếu Hoa Đà chỉ đơn thuần là một thầy thuốc, ông làm sao có thể bảo vệ cho an nguy của mình giữa thời loạn thế?

 

Giữa bối cảnh chiến tranh loạn lạc, Hoa Đà vẫn một mình đi tới nhiều nơi để học hỏi cũng như chữa bệnh.

Thực tế, ngoài thân phận là một thầy thuốc mà ai cũng biết, Hoa Đà còn là người sáng lập ra bộ môn võ thuật vừa có thể phòng thân lại vừa nâng cao sức khỏe.

Môn võ thuật này có tên gọi Ngũ cầm hí. Trong đó, “cầm” là từ cổ dùng để chỉ động vật, “hí” thường để chỉ các hoạt động ca múa, tạp kỹ thời xưa, trong tên gọi này được dùng để nhắc tới những phương thức vận động đặc thù.

Theo định nghĩa của Bách khoa Trung Quốc, Ngũ cầm hí là tập hợp các động tác mô phỏng theo 5 loại động vật. Đó là hổ, hươu, gấu, khỉ, chim.

Liên quan tới Ngũ cầm hí, các tài liệu lịch sử như Tam quốc chí, Hậu Hán thư đều có ghi lại.

Cũng có giai thoại truyền rằng, học trò của Hoa Đà là Ngô Phổ nhờ rèn luyện bộ môn này mà tới năm 90 tuổi tai vẫn không lãng, mắt chẳng hề hoa, răng còn chắc khỏe.

Sau này, Ngô Phổ lại truyền thụ môn võ của Hoa Đà cho nhiều người khác. Tục truyền rằng đa số những người luyện tập Ngũ cầm hí đều sống thọ tới hơn trăm tuổi.

Có nhận định cho rằng, ở vào thời điểm mới được sáng tạo, Ngũ cầm hí bên cạnh công dụng nâng cao sức khỏe còn được sử dụng như một môn võ phòng thân. Nhờ vậy mà Hoa Đà vừa có thân thể khỏe mạnh, lại có cách để bảo toàn tính mạng khi bôn tẩu giữa thời loạn.

 

Hoa Da khong chi la than y ma con mang mot than phan khac-Hinh-5

Các động tác cơ bản của Ngũ cầm hí.

Tới ngày nay, phần lớn bộ pháp của Ngũ cầm hí đã bị thất truyền, phần còn lại được lưu truyền cho hậu thế chỉ có thể được dùng như một bài tập rèn luyện thân thể hàng ngày. Tuy vậy, những đóng góp của Hoa Đà đối với nền võ thuật Trung Hoa vẫn được hậu thế công nhận.

Theo Quốc Tiệp/ Người Đưa Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)