Cho dù trải qua bao nhiêu thời gian, xuất hiện bao nhiêu nhân vật tinh thông mọi thứ thì Gia Cát Lượng vẫn luôn được xem như chuẩn mực của một nhà tiên tri vĩ đại nhất. Tương truyền, Gia Cát Khổng Minh được ví là hóa thân của trí tuệ, giỏi chính sự, có tài bày mưu lập kế, lại bấm quẻ, xem chiêm tinh, tiên tri rất giỏi.
Nhà quân sư thời Tam Quốc để lại rất nhiều danh tác cho đời sau. Trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là “Mã tiền khóa” (còn gọi là Mã Tiền Thần Khóa). Nó là cuốn sách có 14 bài, tập hợp những lời tiên tri của ông về Trung Hoa). Đến nay, gần như các lời tiên đoán giản lược đó đều đã ứng nghiệm vào các nhân vật lịch sử đời sau, cách Gia Cát Lượng hàng trăm, hàng nghìn năm. Võ Tắc Thiên là một trong những người được nhắc đến.
Cụ thể, trong “Mã tiền khóa” có đoạn: “Thập bát nam nhi, khởi vu thái nguyên, động tắc đắc giải, nhật nguyệt lệ thiên”.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, 2 chữ “nam nhi” trong “thập bát nam nhi” tượng trưng cho con trai, hợp lại tạo nên chữ “Lý”. Hai cụm: “khởi vu thái nguyên”, “động tắc đắc giải” là muốn nói về việc Đường Cao Tổ Lý Uyên khởi binh ở đất Thái Nguyên (Trung Quốc).
Đặc biệt, cụm từ “nhật nguyệt lệ thiên” được hiểu là mặt trăng và mặt trời cùng nhô cao, ánh trăng và ánh thái dương cùng tỏa sáng. Đây được xem như điềm lành và cũng biểu thị cho chữ “Chiếu”. Tên gọi khác của Võ Tắc Thiên chính là “Võ Chiếu”.
Gia Cát Lượng đã nhìn ra được chuyện Võ Tắc Thiên sẽ xuất hiện khiến cơ đồ nhà Lý Đường bị gián đoạn, trở thành nữ vương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc? Tại sao sống cách nhau hàng trăm năm mà ông vẫn có thể biết trước điều này? Đâu là cơ sở để Gia Cát Lượng tự tin chép lại cho hậu thế đọc và chiêm nghiệm như vậy?
Có người cho rằng đây đơn giản chỉ là sự trùng hợp. Nhưng việc tại sao có thể trùng hợp toàn bộ và chính xác mức độ cao như thế thì thật khó giải thích. Đến bây giờ, hàng nghìn năm trôi qua nhưng hậu thế vẫn không thể ngừng tranh cãi về vấn đề này.
Thêm một chuyện trùng hợp khác đã xảy ra vào tháng 11/2010 khiến giới khảo cổ, sử học càng xôn xao. Theo đó, một ngôi mộ có niên đại từ thời nhà Đường đã được tìm ra. Ngôi mộ này của phu nhân Vũ Phủ Quân. Bên trong ngôi mộ có ghi: “Phu nhân húy là Phân, tự Anh, họ Gia Cát, người đất Lang Gia”.
Nói cách khác, ngôi mộ là của Gia Cát Phân, hậu duệ của Gia Cát Lượng. nhưng Vũ Phủ Quân lại chính là Võ Sĩ Dật – bác trai của Võ Tắc Thiên sau này. Vậy phải chăng Gia Cát Lượng và Võ Tắc Thiên suy ra lại là thông gia? Liệu nhà tiên tri có biết trước về mối quan hệ này hay không?
Tạm chưa bàn đến cơ sở của những lời tiên tri, chỉ biết rằng Gia Cát Lượng đã đoán đúng gần hết những chuyện xảy ra sau khi ông mất hàng trăm năm. Nhờ vậy mà ông được xem như một nhân vật truyền kỳ có một không hai của Trung Quốc nói riêng, nhân loại nói chung.