Lần bị Vương Anh bắt ở núi Thanh Phong, sau bọn Yến Thuận – Trịnh Thiên Thọ biết được mà thoát chết, không thấy tác gia họ Thi viết về chuyện kết giao huynh đệ. Đơn giản là ba anh tướng cướp Thanh Phong coi Tống Giang là đại ca luôn.
|
Hai huynh đệ tốt chủ động rời bỏ Tống Giang sau khi quân Lương Sơn dẹp xong Phương Lạp. |
Tới lần thu phục Tần Minh, chiêu hàng Hoàng Tín ở Thanh Châu cũng không một lần nhắc việc bái làm anh em. Trên đường cả bọn kéo nhau lên Lương Sơn, gặp Lã Phương – Quách Thịnh, những người sau này trở thành cận vệ theo sát Tống Giang, cũng chẳng thấy Thi Nại Am viết về chuyện này.
Ngay cả khi đi đày tới Giang Châu, gặp bọn Đới Tung và đặc biệt Lý Quỳ - anh chàng sẵn sàng “bán mạng” cho họ Tống sau này, cũng chỉ thấy Thi lão gia viết lần lượt như sau. Với Đới Tung: “Người kia cả kinh, vội vàng lạy rạp xuống mà rằng: - Té ra huynh trưởng chính là Cập Thời Vũ Tống Công Minh, tôi không được biết”.
Còn với Lý Quỳ: “Lý Quỳ nói: - Quả là Tống Công Minh, thì tôi sẽ lạy… Tống Giang liền đáp lên rằng: - Tôi chính là Sơn Đông Hắc Tống Giang đây. Lý Quỳ nghe nói vỗ tay kêu rằng: - Trời ơi! Bố tôi sao không nói trước cho Thiết Ngưu mừng? Nói đoạn liền phủ phục xuống để lạy Tống Giang”.
Lý Quý lúc cao hứng có nói một câu: “Thực là Tống Giang Ca Ca quý hóa quá? Người ta nói không sai một chút nào... Chưa chi đã biết ngay tính của tiểu đệ... Kết bái được một vị Ca Ca như thế, thực cũng đáng đời”. Nhưng thực tế, thì giữa họ không hề thực hiện nghi lễ kết bái huynh đệ chính thức.
|
Tống Giang gặp gỡ nhiều hảo hán trên hành trình lưu lạc tứ xứ nhưng chỉ kết bái huynh đệ chính thức với 2 người. |
Sau đó, Tống Giang hội ngộ Trương Thuận thì Thi gia cũng chỉ viết: “Trương Thuận nghe vậy, liền cúi đầu xuống lạy mà nói rằng: - Chúng tôi được nghe danh đã lâu... Bọn giang hồ ai cũng xưng tụng đức tính của nhân huynh, ngài là một người sơ tài trọng nghĩa xưa nay”.
Nhưng chỉ có 2 người, Tống Giang kết giao huynh đệ chính thức
Ở hồi 21, Tống Giang sau vụ giết Diêm Bà Tích, đến nương nhờ chỗ Sài Tiến. Tại đây họ Tống gặp Võ Tòng. Cuộc hội ngộ đầu tiên giữa họ được viết thế này: “Tống Giang đương say rượu, chân bước lập cập dẫm lên phải cái xẻng làm cho than lửa bắn tung ra cả lên mặt đại hán kia”. Đại hán kia chính là Võ Tòng và bởi sự việc này mà Tống Giang suýt nữa thì “no đòn”.
Sau khi biết đối phương là Cập Thời Vũ Tống Giang, phản ứng của Võ Tòng là: “Đại hán kia nhìn lại một lượt, rồi cúi đầu xuống lạy mà nói rằng: - Không ngờ hôm nay được gặp huynh trưởng ở đây... Vừa rồi tôi thực vô lễ, xin ngài tha lỗi cho. Thực có mắt mà không trông thấy Thái Sơn. Nói đoạn quỳ ngay xuống đất, mà không đứng nữa”.
Nhưng lúc ấy hai người vẫn chưa kết giao huynh đệ. Ở cạnh nhau tại nhà Sài Tiến một thời gian, giữa họ mới nảy sinh sự cảm mến, ngưỡng mộ. Và phải tới khi Võ Tòng từ biệt Sài Tiến về quê nhà, Tống Giang đi tiễn thì họ mới chính thức bái nhau làm anh em. Thi Nại Am có đoạn viết về việc này như sau: “Bấy giờ mặt trời đã xế non Tây, Võ Tòng liền nói với Tống Giang rằng: - Ca ca đã có lòng hạ cố mà không bỏ Nhị Lang này thì xin ca ca nhận cho bốn lạy để bái nghĩa làm huynh. Tống Giang rất lấy làm vui mừng liền nhận bốn lạy của Võ Tòng”.
Như vậy, người đầu tiên Tống Giang chính thức nhận làm huynh đệ trên con đường “hành hiệp” của chàng là Võ Tòng. Vậy còn người thứ hai? Chúng ta cùng “tua nhanh” đến hồi 35, nhân chuyện Tống Giang chia tay nhóm đầu lĩnh Lương Sơn Bạc, tiếp tục hành trình đến Giang Châu (để chịu tội), đi qua vùng Yết Dương.
Vào nhầm quán rượu hắc ám của Lý Lập, Tống Giang cùng hai tên công sai bị chuốc rượu có thuốc mê chỉ còn biết nằm chờ chết thì may thay xuất hiện một vị cứu tinh đúng lúc. Vị cứu tinh ấy chính là Hỗn Giang Long Lý Tuấn, người sau này còn có thêm đôi ba lần nữa giải thoát Tống Giang khỏi cửa tử.
Và đây là đoạn viết của Thi Nại Am về chuyện Lý Tuấn - Tống Giang chính thức kết bái huynh đệ: “Bấy giờ bọn Lý Tuấn, Đồng Uy, Đồng Mãnh, mời Tống Giang mà từ giã Lý Lập rồi cùng về nhà Lý Tuấn. Khi tới nơi Lý Tuấn thiết đãi ân cần, và bái Tống Giang kết làm huynh đệ rồi lưu lại ở đó mấy hôm. Cách vài ba hôm, Tống Giang từ tạ xin đi, Lý Tuấn liền mở tiệc tiễn hành và trả các đồ hành lý cho ba người, rồi đưa chân khỏi núi Yết Dương mới ngậm ngùi bái biệt”.
Nhưng cả Võ Tòng và Lý Tuấn đều chủ động rời bỏ Tống Giang
Sau khi đánh thắng Phương Lạp, nghĩa quân Lương Sơn thu xếp hồi triều nhận phong thưởng, lại thêm chuyện Lỗ Trí Thâm viên tịch ở chùa Lục Hòa, tại Hàng Châu, Võ Tòng chính là người đầu tiên chủ động nói lời giã biệt với Tống Giang. Hồi 120 (phần Hậu Thủy Hử) chép:
“Võ Tòng nói: - Tiểu đệ này đã trở thành người tàn phế, không muốn về kinh triều cận nữa. Có ít vàng bạc được ban thưởng, đệ xin cúng vào chùa Lục Hoà để dùng vào Phật sự. Đệ chỉ mong được thanh thản làm một người tu hành là tốt lắm rồi. Huynh trưởng làm khai sách gửi về triều xin đừng ghi tên đệ nữa. Tống Giang nói: - Việc đó tuỳ hiền đệ! Từ đó Võ Tòng ở lại tu hành tại chùa Lục Hoà, đến tám mươi tuổi không bệnh mà mất”.
Còn Lý Tuấn thì sao? “Bấy giờ Hỗn giang long Lý Tuấn vờ bị trúng gió nằm ốm liệt giường, sai thuộc hạ đến báo với Tống tiên phong. Tống Giang liền dẫn thầy thuốc đến tận nơi chạy chữa. Lý Tuấn nói: - Huynh trưởng có lòng thương Lý Tuấn tôi, xin cho bọn Đồng Uy, Đồng Mãnh ở lại giúp thuốc men chăm sóc, khi nào khỏi bệnh sẽ theo về kinh triều cận xin huynh trưởng cứ yên lòng đem quân về kinh”.
Thực ra ý định rời bỏ Tống Giang đã xuất hiện trong đầu Lý Tuấn từ trước, điều này được chính chàng tâm sự với bọn Phí Bảo ở Thái Hồ, trong lần đánh thành Hàn Châu. “Lý Tuấn nghe xong sụp lạy, nói: - Tiểu đệ đã thấy rõ điều mê muội. Có điều chưa dẹp xong Phương Lạp, còn nặng ơn nghĩa với Tống Công Minh, chưa nỡ bỏ đi. Ngày hôm nay Tống Công Minh tiễn anh em nghĩa sĩ ra về, Lý Tuấn tôi thấy không còn nghĩa khí như trước nữa. Nếu các anh em ở đây có lòng với Lý Tuấn tôi thì xin chờ khi dẹp xong Phương Lạp, Lý Tuấn tôi sẽ cùng hai hiền đệ Đồng Uy, Đồng Mãnh đến đây rồi anh em chúng ta sẽ cùng tính chuyện”.
Chuyện Lý Tuấn giả ốm rồi giữ lại hai anh em Đồng Uy – Đồng Mãnh, chủ động không về triều chính là bước cuối cùng để chính thức rời bỏ Tống Giang vậy. “Lại nói bọn Lý Tuấn, Đồng Uy, Đồng mãnh trở lại Du Liễu trang tìm bọn bốn anh em Phí Bảo. Theo ước hẹn từ trước, bẩy người bàn bạc, rồi góp chung tài sản, đóng một chiếc thuyền rời cảng Thái Thương, vượt biển ra sinh sống ở ngoại quốc. Về sau Lý Tuấn làm bá chủ một phương hải tần, rồi trở thành quốc vương nước Xiêm La”.
Cả Võ Tòng và Lý Tuấn đều nhận chân được thời thế mà không về triều nhận thưởng, nhờ đó tránh khỏi kết cục bi kịch như hàng chục hảo hán khác. Hoặc giả, có lẽ họ nhìn thấu được tâm can của Tống Giang nên mới quyết định rời bỏ huynh trưởng của mình. Nhưng dù vì căn nguyên nào thì rốt cuộc cả hai người “duy nhất” mà Tống Giang kết nghĩa huynh đệ, đều chủ động tách khỏi họ Tống, để chọn cho mình con đường riêng, không một chút liên quan đến Lương Sơn nữa…