Giấc mơ… có thực trong miếu Cửu Thiên Huyền Nữ
Nhưng đọc thật sâu thật kỹ, thì chúng ta sẽ sớm nhận thấy những “mật ngữ” mà tác gia họ Thi “cài cắm” qua một số tình tiết, diễn biến câu chuyện liên quan đến Tống Giang để phần nào hé lộ hành trình sự nghiệp cũng như kết cục của “Hô Bảo Nghĩa”. Đầu tiên là “giấc mơ có thực” của Tống Giang trong lần chàng về quê nhà Vận Thành thăm cha bị bọn quan quân phát hiện truy bắt, phải trốn trong miếu “Cửu Thiên Huyền Nữ” (Hồi 41).
|
Hô Bảo Nghĩa Tống Giang, đầu lĩnh số một của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. |
Trong giấc mơ của mình, Tống Giang được Cửu Thiên Huyền Nữ truyền cho 3 cuốn thiên thư binh pháp và dặn thế này: “Ta truyền cho ngươi ba cuốn Thiên Thư này, ngươi khá thay trời làm Đạo. Làm chúa phải hết lòng trung nghĩa, làm tôi phải hết sức yêu dân. Bỏ đường tà theo đường chính, chớ nên xao nhãng sai lầm mới được”.
Nhưng lời phán sau đó của Cửu Thiên Huyền Nữ sau đó mới đáng chú ý: “Đức Ngọc Hoàng nhận thấy Tinh Chủ chưa dứt lòng ma, chưa tu trọn Đạo, nên tạm phạt xuống nơi trần thế, không bao lâu lại được trở về Tiên Cung. Vậy Tinh Chủ chớ nên đổi dạ thay lòng.... Ba cuốn sách này phải xem cho kỹ, mà thuộc cho kỹ, chỉ nên cùng với sao Thiên Cơ (chỉ Ngô Dụng) mà xem, còn không thể cho người nào khác xem được. Những lời ta dặn, phải nhớ chớ quên. Hiện nay tiên phàm đôi ngả không thể ở lâu, vậy ngươi nên mau mau trở về. Rồi sau đây lầu ngọc cửa vàng, tất lại có phần hậu hội”.
Khi tỉnh mộng, Tống Giang đã có suy nghĩ thế này: “Nương Nương gọi ta là Tinh Chủ, có lẽ kiếp trước ta cũng không tầm thường hẳn? Ba quyển Thiên Thư cho ta, tất là có dụng ý, mà những lời dặn bảo ta vẫn nhớ không quên”. Thời điểm ấy, Tống Giang mới vừa lên tụ nghĩa Lương Sơn, có lẽ chỉ coi “Bến nước” là nơi nương thân tránh khỏi việc bị triều đình tróc nã, chứ không có khát vọng cao xa. Chính giấc mơ gặp Cửu Thiên Huyền Nữ, mới thực sự khiến họ Tống xác định rõ ràng con đường của đời mình: Con đường Trung Nghĩa, bỏ Tà theo Chính, thế Thiên hành Đạo, cứu nước giúp dân.
Trong lời phán của Cửu Thiên Huyền nữ có câu “Rồi sau đây lầu ngọc cửa vàng, tất lại có phần hậu hội” chính là ám chỉ cho hậu vận sau này của Tống Giang. Rằng họ Tống chắc công thành danh toại nhưng đến khi được triều đình sắc phong thì sẽ “về trời”, trở lại với vai trò một vị Thần như tiền kiếp.
Bài thơ 8 câu của La Chân Nhân
Trong lần đánh giặc Liêu ở Kế Châu, giai đoạn mùa Hè oi bức tạm hưu binh, Tống Giang đã tranh thủ đến Tử Hư Quán, ở núi Nhị Tiên để diện kiến thày của Công Tôn Thắng – tức La Chân Nhân (Hồi 85). Tại đây, trong cuộc nói chuyện giữa họ Tống và La Chân Nhân, Thi Nại Am có gài những “mật ngữ” quan trọng ám chỉ số phận của Tống Giang và kết cục nghĩa quân Lương Sơn. Dưới đây là những lời phán đáng chú ý nhất của La Chân Nhân.
Thứ nhất: “Tấm lòng trung nghĩa của tướng quân cao cả như trời đất, ắt sẽ được thần linh phù hộ. Tướng quân lúc sống thì được phong hầu, lúc chết có miếu đường thờ phụng, điều ấy chẳng phải nghi ngờ. Có điều là tướng quân một đời phận mỏng, kết cục không được trọn vẹn”.
|
Tống Giang và giấc mơ có thực tại miếu Cửu Thiên Huyền Nữ. |
Thứ hai: “Tướng quân mất tại chính tẩm, mai táng có phần mộ hẳn hoi, chỉ có điều là tướng quân phận mỏng, gặp nhiều điều trắc trở, vui ít lo nhiều, đến khi đắc ý mãn nguyện thì nên cáo lui, đừng lưu luyến ở lâu nơi phú quý”.
Thứ ba: “Gặp lúc vận hạn rủi ro, anh em các vị muốn lưu luyến mà được sao?” Và thứ tư là bài thơ 8 câu đoán mệnh Tống Giang: “Trung tâm giả thiểu/ Nghĩa khí giả hi/ U yên công tất/ Minh nguyệt hư huy/ Thủy phùng đông mộ/ Hồng nhạn phân phi/ Ngô đầu Sở vĩ/ Quan lộc đồng quy”.
Bài thơ của La Chân Nhân, Tống Giang đọc mấy lượt không hiểu, sau này nhờ Trí Đa Tinh Ngô Dụng luận cùng, cũng không ra. Nhưng đó chính là 8 câu thơ, mà như lời La Chân Nhân nói, về sau khi Tống Giang gặp việc mà suy, thì từ từ sẽ lĩnh hội.
Thực ra, Tống Giang hoàn toàn có thể thoát khỏi kết cục chết thảm bởi những tay đại gian thần nếu chàng làm đúng như lời khuyên của La Chân Nhân “đến khi đắc ý mãn nguyện thì nên cáo lui, đừng lưu luyến ở lâu nơi phú quý”. Tức nếu học theo Yến Thanh (sau khi đánh thắng Phương Lạp thì từ bỏ ngĩa quân) hay Sài Tiến, Lý Ứng (làm quan một thời gian ngắn rồi cáo bệnh về quê) thì họ Tống sẽ giữ được mạng.
Nhưng ngoài lời khuyên của La Chân Nhân, Tống Giang vẫn nhớ như in những gì Cửu Thiên Huyền Nữ dặn dò trong giấc mộng thuở nào, rằng chàng phải “hết lòng trung nghĩa, hết sức yêu dân, chớ nên xao nhãng”. Một người như Tống Giang tuyệt nhiên không phải không nhìn thấy nhà Tống đang trong thời kỳ suy yếu, gian thần lộng hành, nhân dân lầm than. Nếu tìm chốn thanh bình để yên thân mình thì quá dễ cho Tống Giang rồi, nhưng đấy không phải con đường mà chàng lựa chọn.
Tống Giang biết làm quan sẽ gặp rủi ro lớn, nguy hiểm đến tính mạng nhưng chàng luôn tâm niệm, còn hơi sức nào thì sẽ hết mình vì dân vì nước. Thủy Hử hồi 120 chép: “Từ khi nhậm chức, Tống Giang một lòng yêu thương quân dân, được trăm họ kính trọng như cha mẹ, quân sĩ ngưỡng mộ như bậc thần minh. Án kiện xét xử nghiêm minh, các việc trong châu phủ đều đặt người trông nom đầy đủ, lòng người đều khâm phục tôn kính”.
Lời thiêng ứng nghiệm
Tới đây, chúng ta cùng trở lại bài thơ 8 câu của La Chân Nhân, ở hồi 85. Hãy chú ý các chữ sau đây: “Thủy”, “Đông”, “Mộ”, “Nhạn”, “Phân”, “Sở”, “Ngô”. Đây chính là mật ngữ của tác gia Thi Nại Am nói về kết cục của Tống Giang và đại đa số các hảo hán Lương Sơn.
Còn nhớ, trong lần hạ sơn tìm cách để được triều đình chiêu an, Tống Giang đã viết một bài thơ dâng Hoàng đế nhà Tống, gửi qua Lý Sư Sư. Trong bài thơ này có câu: “Sáu sáu nhạn bay liền tám chín, Mong tin chỉ đợi một tiếng gà”. Tống Giang đã ví 108 vị anh hùng (6*6 là 36 và 8*9 là 72) như những chú chim nhạn đang bay trên trời.
Trong bài thơ của La Chân Nhân sau này, có đoạn” Nhạn phân phi”, ý chí sự tan đàn xẻ nghé của tập thể 108 hảo hán Lương Sơn. Chữ “Sở” trong câu thơ “Ngô Đầu Sở Vĩ” – tức “Đầu Ngô mình Sở”, một phần dự đoán về sự xa xôi cách trở của các huynh đệ Lương Sơn Bạc sau khi dẹp xong Phương Lạp, còn có ý nhắc đến nơi kết thúc của cuộc đời Tống Giang.
Tống Giang được triều đình bổ nhiệm chức An phủ sứ kiêm Tổng quản binh mã phủ Sở Châu. Phía Đông thành Sở Châu có một nơi gọi là Đầm Lục Nhi: “Nơi này bốn bề là ao đầm ngòi rạch mênh mông, ở giữa nhô lên một ngọn núi có hình thể rất đẹp, tùng bách rậm rạp xanh tươi. Tuy chỉ là một vùng đất không rộng lắm, nhưng địa thế rồng cuộn hổ ngồi, núi non nhấp nhô uốn lượn, sườn núi đá xếp như bậc thềm, thật chẳng khác gì địa thế trại Thuỷ Hử ở Lương Sơn Bạc”.
|
Ngô Dụng, Hoa Vinh tự vẫn bên mộ Tống Giang ở đầm Lục Nhi, Sở Châu. |
Tống Giang khi đi dạo nơi này từng nghĩ: “Nếu ta chết ở đây thì đất này đáng là nơi âm trạch”. Và quả thực sau khi bị bọn Đồng Quán, Sái Kinh, Cao Cầu chuốc rượu độc hại chết, Tống Giang đã được an táng ở nơi này. Lý Quỳ sau khi chết, quan tài của “Hắc Toàn Phong” cũng được đưa tới chỗ này. Hoa Vinh, Ngô Dụng cũng thắt cổ tự sát cạnh mộ Tống Giang. Tất cả các mật ngữ, trong bài thơ 8 câu của La Chân, đều ứng nghiệm tại đây!
Cuối hồi 120, khi Tống Giang chết, Thi Nại Am có những đoạn chép như sau:
“Hoàng đế nghe lời tâu của Túc thái uý, tự tay viết thánh chỉ sắc phong cho Tống Giang tước trung liệt nghĩa tế linh ứng hầu. Lại cấp tiền cho dựng đền thờ to lớn ở Lương Sơn Bạc, đắp tượng Tống Giang và anh em các tướng đã chết vì việc nước. Tấm biển treo trước đền thờ có ngự bút của Hoàng đế đề bốn chữ “Tinh Trung Chi Miếu (đền thờ trung thần dẹp loạn)….
“Về sau Tống Công Minh nhiều lần hiển ứng.Trong vùng Lương Sơn Bạc dân chúng cầu gì được nấy. Đầm Lục Nhi ở Sở Châu cũng linh thiêng ứng nghiệm. Dân sở tại sửa sang miếu điện nguy nga, sau lại dựng thêm hai dẫy hành lang. Lại đắp tượng ba mươi sáu viên chánh tướng, đặt thờ ở chánh điện, đắp tượng bẩy mươi hai viên phó tướng đặt thờ ở hành lang hai bên. Hàng năm đến ngày tế dân chúng gần xa đều đến dâng hương kính lễ”.
Đấy chính là những gì mà Cửu Thiên huyền Nữ từng nói với Tống Giang trong giấc mơ ở ngôi miếu năm nào: “Sau đây lầu ngọc cửa vàng, tất lại có phần hậu hội”.